Chủ tịch UB MTTQ thị trấn Phú Minh Phùng Văn Thanh
cho biết: Phú Minh là một thị trấn công nghiệp còn rất trẻ, mới thành
lập năm 1986, được tách ra từ xã Văn Nhân với 3 công ty, 1 trường dạy
nghề của TW đóng trên địa bàn. Những năm về trước, thị trấn Phú Minh còn
gặp rất nhiều khó khăn, diện tích đất canh tác quá ít, hệ thống tưới
tiêu phần lớn phải dựa vào xã và huyện bạn nên thu nhập từ sản xuất công
nghiệp còn quá thấp, ngành nghề phát triển chậm. Mặt khác, Phú Minh
không có nghề truyền thống, đời sống của người dân thị trấn còn gặp
nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Đại hội Đảng bộ thị trấn đã ra
Nghị quyết phát triển kinh tế với mô hình 5-4-1 (dịch vụ thương mại 50%,
công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 40%, nông nghiệp 10%). Với mô hình
trên, hàng năm kinh tế của thị trấn đều có mức tăng trưởng từ 8 - 12%
và tiểu khu Phú Gia được UBND tỉnh Hà Tây công nhận là làng nghề cơ khí.
Đến nay, Phú Minh đã vươn lên phát triển mạnh mẽ theo hướng dịch vụ
thương mại, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Đời sống của
người dân thị trấn được cải thiện đáng kể, gia đình nào cũng có mức thu
nhập từ trung bình trở lên, cả xã có 27% số hộ giàu, 72,1% số hộ khá và
trung bình chỉ còn 0,7% số hộ nghèo.
Trong sự phát triển đi lên của phương có sự đóng góp
đáng kể của công tác Mặt trận. UB MTTQ thị trấn Phú Minh thường xuyên tổ
chức các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ
trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước đến các cơ quan, cụm
dân cư được nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Hàng năm, Mặt trận thị trấn
triển khai hoạt động đến 5 ban công tác Mặt trận để đẩy mạnh các cuộc
vận động, mà tiêu biểu là việc tổ chức, triển khai thực hiện hiệu quả
cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân
cư”. Để triển khai tốt các hoạt động Mặt trận, cán bộ Mặt trận thường
xuyên bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình tại các cụm dân cư, lắng nghe ý
kiến của dân để báo cáo Đảng ủy, Chính quyền giải quyết vướng mắc trong
tại các khu dân cư, do đó trên địa bàn không để tồn tại các vấn đề nổi
cộm, bức xúc. Mặt khác, Chủ tịch Mặt trận là Đảng ủy viên hoặc Thường vụ
Đảng ủy, trưởng ban công tác Mặt trận thường là bí thư chi bộ khu dân
cư và được hưởng chế độ, do đó việc triển khai các hoạt động mặt trận
tại cơ sở có nhiều thuận lợi, được triển khai đều đặn và đảm bảo cán bộ
Mặt trận “sát dân, nói dân nghe”.
UBMTTQ thị trấn đã triển khai hiệu quả các cuộc vận
động, được đông đảo nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Ngay từ khi có cuộc vận
động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư”, Đảng ủy đã
có Nghị quyết chuyên đề, UBND phối hợp với MTTQ có kế hoạch, các tiểu
khu xây dựng quy ước tiểu khu văn hóa, tổ chức đăng ký gia đình văn hóa
và bình xét gia đình văn hóa. Đến năm 2009, số hộ tự nguyện đăng ký gia
đình văn hóa đạt 100%, sau khi các khu dân cư họp và bình xét được UBND
thị trấn công nhận số hộ gia đình văn hóa là 1241/1284, đạt 96,6%. Nếp
sống văn hóa mới được duy trì và phát huy, thực hiện đầy đủ việc cưới,
tang, lễ hội theo đúng tinh thần nghị quyết của HĐND tỉnh Hà Tây cũ và
HĐND thành phố Hà Nội. Nhân dân đoàn kết giúp đỡ nhau trong lúc khó
khăn, lúc có công việc lớn. Các thiết chế văn hóa được trùng tu, tôn tạo
như xây mới nhà tổ, nhà mẫu chùa Phổ Quang trị giá trên 3 tỷ đồng bằng
nguồn kinh phí của tập thể và nhân dân cùng làm. Để thuận lợi cho các
cháu học sinh ở các trường trung học, tiểu học và mầm non, thị trấn xây
dựng thêm 20 phòng học và làm việc trị giá trên 10 tỷ đồng. Các trục
đường và đường trong các xóm đều đổ bê tông trị giá trên 3 tỷ đồng cũng
bằng nguồn kinh phí tập thể và nhân dân cùng làm. 5/5 khu dân cư được
thu gom rác thải, vệ sinh môi trường, ban đêm có đèn điện chiếu sáng
thuận tiện cho sinh hoạt của nhân dân. Toàn thị trấn đã thành lập gần 20
câu lạc bộ văn hóa thể dục thể thao như câu lạc bộ bóng bàn, cầu lông,
thơ ca, dưỡng sinh... phát động xây dựng khu dân cư lành mạnh đảm bảo
cảnh quan môi trường, thực hiện người Hà Nội văn minh, thanh lịch...
Công tác giáo dục đã được các cấp ủy Đảng, Chính quyền thường xuyên quan
tâm 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường, không có tình trạng học
sinh bỏ học, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao, học sinh
chuyển cấp hàng năm đạt 100%, nhiều thầy cô là giáo viên dạy giỏi cấp
thành phố, cấp huyện, số học sinh giỏi năm sau cao hơn năm trước, trường
tiểu học, trường mầm non thị trấn được công nhận là trường chuẩn quốc
gia, 4 nhà trường đều được công nhận là cơ quan văn hóa...
Cuộc vận động xây dựng quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”, quỹ
“Ngày vì người nghèo”, quỹ “Khuyến học”, quỹ “Hỗ trợ nông dân”, quỹ “Hỗ
trợ trẻ em”... cũng được người dân ủng hộ nhiệt tình. Từ đó, trong năm
2008-2009, thị trấn đã hỗ trợ sửa chữa và xây mới nhà cho 9 hộ nghèo với
kinh phí hàng trăm triệu đồng bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của thành
phố, huyện và trích một phần quỹ người nghèo của thị trấn. Hàng năm, thị
trấn đều cho tu sửa nghĩa trang liệt sỹ với số tiền hàng trăm triệu
đồng.
Cuộc vận động đoàn kết, phát huy dân chủ giữ vững kỷ
cương phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông cũng luôn
được coi trọng. Trong mọi công việc của Đảng, chính quyền, UBMTTQ thị
trấn và các đoàn thể được bàn bạc thống nhất, lấy ý kiến của nhân dân.
Mọi phương châm hoạt động đều do dân, vì dân, thực hiện “ dân biết, dân
bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đảng, Chính quyền, MTTQ tuyền truyền vận
động nhân dân sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật; đẩy mạnh quy
chế dân chủ, học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,
động viên nhân dân thực hiện phong trào “Người Việt Nam ưu tiên hàng
Việt Nam”, thực hiện tốt phong trào vận động “Toàn dân tích cực tham gia
bảo vệ an ninh tổ quốc, phòng chống tệ nạn xã hội”. Đến nay, các tệ
nạn xã hội được đẩy lùi và ngăn chặn kịp thời, không có phát sinh mới.
Các ban công tác mặt trận và hòa giải hoạt động có hiệu quả. Vì vậy,
trong nhiều năm qua trên địa bàn thị trấn không có tệ nạn xã hội, tình
hình an ninh trật tự được giữ vững.
Mặt trận Tổ quốc thị trấn trong nhiều năm đã thực
hiện cuộc vận động quần chúng nhân dân tham gia tốt các cuộc bầu cử Quốc
hội, HĐND các cấp. Tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri đóng góp ý kiến
với các đại biểu dân cử và thực hiện tham gia lấy ý kiến đóng góp với
các chức danh Chủ tịch HĐND - UBND, phó Chủ tịch HĐND, UBND thị trấn.
Đồng thời phối hợp với UBND mở các hội nghị đại biểu nhân dân đã được
các đồng chí lắng nghe, tiếp thu những ý kiến xây dựng chính đáng phù
hợp với tâm tư nguyện vọng của nhân dân.
Tuy nhiên, hiện nay kinh phí hoạt động cho công tác
Mặt trận còn hạn chế chưa đảm bảo cho hoạt động, cần đề nghị Nhà nước
nâng mức hỗ trợ cho cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống
mới ở khu dân cư” từ 1.000.000 đồng lên 5.000.000 đồng. Ngoài ra, thành
phố cũng cần hỗ trợ khu dân cư xây dựng nhà văn hóa là nơi sinh hoạt của
Chi bộ và các đoàn thể, đặc biệt là nơi họp dân, bàn các công việc của
dân. Hiện nay nhiều khu dân cư chưa có kinh phí để xây nhà văn hóa. Cán
bộ Mặt trận ở khu dân cư còn nhiều hạn chế, đề nghị Nhà nước có trường
đào tạo cán bộ nhất là ở cơ sở để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ công tác
Mặt trận. Bên cạnh đó, việc trẻ hóa cán bộ làm công tác mặt trận và quy
hoạch đội ngũ cán bộ mặt trận ở cơ sở để thay thế một số cán bộ tuổi
cao, sức yếu, trình độ hạn chế và hầu hết là do không sắp xếp được các
vị trí khác cũng cần được thành phố quan tâm chỉ đạo. Đối với tiêu
chuẩn công nhân làng văn hóa đề nghị nếu vi phạm sinh con thứ ba thì trừ
điểm chứ không công nhận thì rất khó khăn cho khu dân cư....
Tuyết Mai