Mặt trận Tổ quốc VIỆT NAM với vận hội mới tạo sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc

25/09/2010 - 12:00 AM

Từ đó các hình thức tổ chức Mặt trận lần lượt ra đời: Mặt trận phản đế Đông Dương, Mặt trận dân chủ Đông Dương, Mặt trận dân tộc thống nhất và Mặt trận phản đế Đông Dương, Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Viêt, MTTQ VN.  Thời chống Mỹ, cứu nước, ở miền Nam có Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình. Các hình thức tên gọi khác nhau của Mặt trận đều gắn với những nhiệm vụ cụ thể của giai đoạn lịch sử cụ thể. Đây chính là sự thể hiện tư duy của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận trước thực tiễn thời cuộc luôn biến đổi.

Trong quá trình xây dựng và phát triển suốt 80 năm(2) qua, Mặt trận Dân tộc thống nhất với những tên gọi khác nhau, nhiệm vụ khác nhau ở những giai đoạn lịch sử khác nhau, đã có những đóng góp mang đậm dấu ấn lịch sử.  Trong đó, phải kể đến Mặt trận Việt Minh với những đóng góp quan trọng làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám 1945 và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam với vai trò to lớn trong tập hợp sức mạnh toàn dân tộc và lực lượng yêu chuộng hòa bình thế giới, góp phần giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ thực tiễn hoạt động của Mặt trận ở hai thời kỳ nói trên, một câu hỏi đặt ra là vì sao Mặt trận có những đóng góp lịch sử như thế. Phải chăng là do bắt nguồn từ những chủ trương khôn khéo và hiệu quả của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh về nội dung và hình thức hoạt động của Mặt trận trong những giai đoạn lịch sử cụ thể ấy. Đó chính là trách nhiệm lịch sử trước vận mệnh đất nước của Đảng ta dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những chủ trương phát huy tối đa sức mạnh toàn Dân tộc gắn với sức mạnh thời đại ấy nay vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp đổi mới đất nước. 

Nay, việc tập hợp sức mạnh Đại đoàn kết toàn Dân tộc tiếp tục thuộc về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam(3) (MTTQ VN). Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa đang đòi hỏi MTTQ VN tiếp tục phát huy truyền thống tạo sức mạnh Đại đoàn kết toàn Dân tộc để xây dựng đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đây là vận hội mới để MTTQ VN có những đóng góp lịch sử trong sự nghiệp đổi mới để phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài,  MTTQVN có đầy đủ các điều kiện, khả năng, cơ hội thực hiện vai trò tạo sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc dưới ngọn cờ đổi mới của Đảng.

Trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và chủ động hội nhập quốc tế, chức năng, vai trò của MTTQVN hôm nay là:

- Xây dựng MTTQ VN thực sự là nơi tập hợp nguyện vọng, ý chí và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; nơi tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần, thống nhất về hành động trong nhân dân.

- Tuyên truyền, động viên nhân dân thi đua thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; tích cực tham gia giám sát hoạt động các cơ quan, đảng viên, cán bộ, công chức nhà nước; kịp thời kiến nghị, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với Đảng, Nhà nước; tham gia phản biện xã hội một cách thiết thực, hiệu quả góp phần xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

- Chủ động mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân với nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới vì mục tiêu hoà bình, hợp tác và phát triển.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ nêu trên, những yếu tố mang tính chất cốt lõi đảm bảo sự thành công, được đặt ra là dân chủ, đoàn kết, đồng thuận. Ba yếu tố này có mối quan hệ biện chứng sâu sắc, tác động lẫn nhau, trong đó, yếu tố này vừa là tiền đề, vừa là phương tiện lại vừa là mục đích của yếu tố kia. Xét trong mối quan hệ của ba yếu tố này, rõ ràng vấn đề dân chủ phải được đặt ở vị trí then chốt. Trong mối quan hệ này, nội dung và phương thức hoạt động của MTTQVN trước hết phải đảm bảo tính dân chủ.   

Trong lịch sử dựng và giữ nước của nhân dân ta, Đại đoàn kết toàn dân tộc là một nhân tố tạo nên sức mạnh dân tộc phi thường, đạp bằng mọi trở lực trong những thời điểm cam go nhất. Nếu không, làm sao dân tộc ta vượt qua được những thử thách khắc nghiệt của lịch sử nước nhà, trong đó có thử thách của 17 cuộc kháng chiến chống xâm lược trong hai thiên kỷ qua, kể từ thế kỷ thứ II trước công nguyên đến cuối thế kỷ XX. Thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng trong một phần tư thế kỷ qua, trước hết thuộc về nhân dân. Một trong bốn bài học mà Đảng ta rút ra tại Đại hội IX là “Dựa vào dân để đổi mới”.  

Chúng ta thường quen nói “Lấy dân làm gốc” (Dĩ dân vi bản). Đây là quan điểm của vua quan ngày xưa, vì giang sơn đất nước là của vua, vua là chủ, vua là gốc, vua thay trời chăn dắt trăm họ, nên vua “lấy” (Dĩ) dân làm vật thay thế cho cái gốc của quốc gia, dân tộc. Thời đại Hồ Chí Minh đã thay đổi số phận người dân từ kiếp đời nô lệ cho phong kiến, đế quốc trở thành người làm chủ bản thân và làm chủ đất nước. Dân là chủ, dân làm chủ, “Dân là gốc” (dân vi bản) của quốc gia, dân tộc rồi, sao còn “lấy” dân làm gốc. Việc chăm lo cho sâu gốc, bền rễ là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, mà trước hết là đường lối của Đảng. 

Đảng Cộng sản Việt Nam là thành viên của MTTQ Việt Nam, đồng thời là lực lượng lãnh đạo Mặt trận. Bên cạnh sự nỗ lực tự thân đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp, việc đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc sẽ có vị trí quyết định để Mặt trận có những đóng góp lịch sử trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Giải quyết mối quan hệ này là tạo ra vận hội mới để MTTQ Việt Nam phát huy truyền thống, có những đóng góp lịch sử trong sự nghiệp đổi mới. Đây cũng là mối quan hệ có tính hệ thống và đồng bộ mà lịch sử hoạt động của Mặt trận trong 80 qua đã đúc kết như một bài học lịch sử.

(1) ĐCS VN. Văn kiện Đảng, NXB CTQG, H.,1998, t.2, tr.227.
(2) 18/11/1930 - 18/11/2010.
(3) Nói “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” là đã nói cả tới các tổ chức thành viên là các đoàn thể nhân dân.

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020