Chiều 23-8, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam về công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác người cao tuổi trên địa bàn Hà Nội.
Tham dự buổi làm việc có Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình và các Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam: Trương Xuân Cừ, Phan Văn Hùng...
Lãnh đạo thành phố Hà Nội tham dự còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn; lãnh đạo một số sở, ban, ngành...
Nhiều chế độ, chính sách chăm lo cho người cao tuổi
Theo báo cáo do Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Trịnh Huy Thành trình bày, tính đến tháng 6-2022, thành phố Hà Nội có 1.032.357 người cao tuổi, chiếm 11,76% dân số. Mô hình tổ chức Hội Người cao tuổi thành phố gồm: Ban Đại diện Hội Người cao tuổi thành phố, Ban Đại diện Hội Người cao tuổi quận, huyện, thị xã và Hội Người cao tuổi cơ sở.
Những năm qua, thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết về chế độ, chính sách chăm lo cho người cao tuổi, nhất là đối với người có công với cách mạng, người thuộc diện hộ cận nghèo, người cô đơn… Thành phố đang trợ cấp ưu đãi hằng tháng cho trên 67.206 người cao tuổi có công với cách mạng; trợ cấp xã hội hằng tháng cho trên 93.747 người cao tuổi; trợ giúp khó khăn đột xuất cho hơn 16.388 người cao tuổi.... Người cao tuổi Hà Nội cũng đang được hưởng chế độ đi xe buýt miễn phí.
Trong 5 năm (2016-2021), các cấp Hội Người cao tuổi thành phố đã tổ chức mừng thọ, chúc thọ cho trên 633.222 người cao tuổi với tổng số tiền trên 407,3 tỷ đồng; hỗ trợ trên 252.400 lượt người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn với số tiền trên 68,5 tỷ đồng; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trên 834.110 người cao tuổi, đạt tỷ lệ 81,01%.
Toàn thành phố hiện có trên 61.000 người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, thanh tra nhân dân, hòa giải cơ sở, tổ an ninh tự quản. Nhiều nhiệm vụ quan trọng của thành phố, địa phương được người cao tuổi tham gia tích cực như cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… Đặc biệt, trong phòng, chống dịch Covid-19, nhiều người cao tuổi không quản ngại khó khăn, tham gia tổ Covid-19 cộng đồng, các chốt kiểm soát dịch, góp phần cùng địa phương đẩy lùi dịch bệnh...
Tiếp theo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, tập trung bàn các giải pháp nhằm chăm lo hơn nữa cho người cao tuổi. Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cảm ơn Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo thường xuyên, sâu sát đối với hoạt động của các cấp Hội Người cao tuổi thành phố, giúp hoạt động của hội ngày càng chuyển biến, kịp thời động viên người cao tuổi trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho các cấp Hội Người cao tuổi; đồng thời lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm mà các cấp hội thành phố cần quan tâm thời gian tới.
Sẽ ban hành Chỉ thị tăng cường chăm sóc, bảo vệ người cao tuổi
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, dân tộc ta có truyền thống “kính già, yêu trẻ”, thể hiện sự tôn trọng, lòng biết ơn và tình cảm thương yêu sâu sắc đối với người cao tuổi. Đây cũng là tinh thần, quan điểm chỉ đạo của thành phố khi xây dựng cũng như triển khai các chủ trương, chính sách đối với người cao tuổi thời gian qua.
Thông tin về tình hình công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong năm 2021 và từ đầu năm 2022 đến nay, Bí thư Thành ủy trân trọng cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đối với các cấp Hội Người cao tuổi thành phố; đồng thời khẳng định, những kết quả đạt được đều có sự đóng góp rất quan trọng của người cao tuổi cũng như các cấp hội thành phố.
Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho biết, thành phố sẽ tiếp tục duy trì thực hiện tốt các chính sách đối với người cao tuổi hiện hành, đồng thời chỉ đạo các cơ quan tham mưu rà soát, báo cáo nhằm bổ sung, hoàn thiện để chăm sóc, bảo vệ cũng như phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của người cao tuổi trong xã hội. Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống y tế nhằm chăm sóc tốt hơn nữa sức khỏe người dân nói chung, trong đó có người cao tuổi. Trước mắt từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ đầu tư mạnh nhằm nâng cấp hệ thống y tế, xây dựng một số bệnh viện đa khoa lớn, trong đó có bệnh viện lão khoa quy mô 300 giường bệnh với mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng tại huyện Sóc Sơn.
Ghi nhận và thống nhất những ý kiến cũng như đề xuất, kiến nghị tại cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo xem xét, có biện pháp giải quyết cụ thể, phù hợp. Ban Dân vận Thành ủy nghiên cứu, xây dựng sớm trình Ban Thường vụ Thành ủy ban hành dự thảo Chỉ thị nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động của các cấp Hội Người cao tuổi thành phố, tăng cường bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò, vị trí của người cao tuổi trong đời sống xã hội Thủ đô.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị Ban đại diện Hội người cao tuổi thành phố tiếp thu những ý kiến đóng góp, định hướng của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam trong tổ chức các hoạt động, phong trào; tranh thủ tối đa các nguồn lực để chăm sóc, bảo vệ, phát huy vai trò người cao tuổi trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; chủ động phối hợp với các sở, ngành chức năng nghiên cứu tham mưu, đề xuất thành phố về các cơ chế, chính sách nhằm ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc, bảo vệ người cao tuổi trên địa bàn.
Nhân dịp này, Hội Người cao tuổi Việt Nam đã trao tặng 100 triệu đồng cho Ban Đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội để hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Theo HNM