Sáng 17-8, tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định tổ chức hội nghị hợp tác - phát triển nhằm đánh giá kết quả hợp tác thời gian qua, xác định phương hướng thời gian tới.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Đoàn Hồng Phong chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị, về phía thành phố Hà Nội còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Thường trực HĐND, UBND thành phố và lãnh đạo một số sở, ban, ngành.
Về phía tỉnh Nam Định có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Chung; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Quan hệ gắn bó, mật thiết
Mở đầu hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đoàn Hồng Phong cho biết, năm 2003, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã về thăm và làm việc tại tỉnh Nam Định, thống nhất 10 nội dung hợp tác, phát triển. Trên cơ sở đó, hai địa phương đã triển khai thực hiện, có kết quả tích cực trên các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, nông nghiệp, y tế, giáo dục... Tuy nhiên, kết quả hợp tác chưa đạt yêu cầu.
Bí thư Tỉnh ủy Nam Định tin tưởng, hội nghị hợp tác - phát triển lần này sẽ giúp khắc phục hạn chế, giúp mối quan hệ giữa hai địa phương tiếp tục được tăng cường, củng cố, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn trong khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên.
Trình bày báo cáo kết quả hợp tác, phát triển giữa hai địa phương thời gian qua, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Nam Định và Hà Nội cùng nằm trong vùng Đồng bằng sông Hồng, có mối quan hệ gắn bó mật thiết, thường xuyên hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực, góp phần cùng giải quyết các vấn đề chung, cũng như sự phát triển của vùng và cả nước.
Kết quả hợp tác thể hiện cụ thể trên lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và 9 nhóm nội dung trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng...
Trong đó, từ năm 2016 đến nay, các doanh nghiệp có trụ sở chính tại Hà Nội đã mở hơn 100 văn phòng đại diện, chi nhánh thành viên tại Nam Định để đầu tư, kinh doanh. Hằng năm, hai địa phương phối hợp tổ chức hội thảo kết nối cung - cầu hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình, hội chợ thương mại, triển lãm để giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu. Qua đó, nhiều doanh nghiệp của tỉnh Nam Định ký kết hợp tác với các hệ thống siêu thị cung cấp sản phẩm nông sản an toàn cho người dân Thủ đô.
Hợp tác giữa hai địa phương trên các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục, tài nguyên - môi trường, an ninh - quốc phòng và hỗ trợ an sinh xã hội cũng đạt nhiều kết quả.
Tuy nhiên, việc triển khai hợp tác giữa Hà Nội và Nam Định chưa đi vào chiều sâu; công tác phối hợp, liên kết chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và khoảng cách địa lý giữa hai địa phương.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp thúc đẩy hợp tác - phát triển giữa hai địa phương trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, hai địa phương xác định sẽ tăng cường hợp tác trên 12 nhóm nội dung.
Trong đó, về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, hai bên sẽ tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, quản lý và vận hành hệ thống chính quyền điện tử, đô thị thông minh, thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị... Tăng cường hợp tác sâu rộng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, liên kết phát triển nông nghiệp, nông thôn, thương mại, công nghiệp...
Ra thông báo chung làm căn cứ thực hiện
Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đoàn Hồng Phong đánh giá cao các ý kiến thảo luận đã làm rõ những hạn chế, vướng mắc, đề xuất những nội dung hợp tác thiết thực. Đồng chí đề nghị, sau hội nghị này, các cơ quan thành phố Hà Nội tiếp tục quan tâm, giúp đỡ tỉnh Nam Định thu hút đầu tư; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Bí thư Tỉnh ủy Nam Định cũng đề nghị thành phố Hà Nội với vai trò là hạt nhân phát triển trong vùng Đồng bằng sông Hồng, kiến nghị Trung ương tổ chức tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TƯ ngày 4-9-2005 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” vào đầu năm 2020, để làm cơ sở đưa nội dung này vào Nghị quyết Đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố trong nhiệm kỳ mới; đồng thời kiến nghị Trung ương sớm đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Nam Định với cao tốc Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội.
Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, Nam Định là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử; là vùng quê phát tích, dựng nghiệp của vương triều Trần; quê hương của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước...
Đồng chí bày tỏ ấn tượng và chúc mừng những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt là việc 100% huyện và xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; kinh tế phát triển nhanh, chuyển dịch đúng hướng; cải cách hành chính có nhiều đổi mới, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được nâng cao...
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhất trí, sau hội nghị này, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định sẽ ký ban hành thông báo chung làm căn cứ để thúc đẩy hợp tác toàn diện các lĩnh vực trên tinh thần tạo điều kiện để các ban Đảng, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và các sở, ngành, địa phương tăng cường gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác. Mỗi địa phương phân công một đồng chí phó chủ tịch UBND thành phố, phó chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ quan chức năng cụ thể hóa nội dung hợp tác.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, trong các nội dung hợp tác - phát triển đã được thống nhất, hai bên tập trung thúc đẩy thật tốt một số công việc như: Chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo trong công tác xây dựng Đảng, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng; thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TƯ ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn hai địa phương; phát huy vai trò liên kết trong vùng Đồng bằng sông Hồng...
Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, Đoàn công tác đã trao tặng Quỹ An sinh xã hội của tỉnh Nam Định 3 tỷ đồng. Cá nhân đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, một người con của quê hương Nam Định đã trao tặng Thư viện tỉnh Nam Định 100 cuốn sách mới viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nhân dịp này, Đoàn công tác của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã tham quan, dâng hương tại Khu di tích phủ Thiên Trường và tượng đài Trần Hưng Đạo tại Quảng trường 3-2.