| Nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam,
chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đồng chí Phạm Lợi đã
chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác xây dựng khối Đại đoàn kết nhân
dân góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh - hiện đại. |
PV: Là người công tác Dân vận, Mặt trận lâu năm,
đặc biệt có 10 năm làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà
Nội, đồng chí có thể đánh giá khái quát những đóng góp của Mặt trận
trong công cuộc xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại?
Đồng chí Phạm Lợi: Là địa phương sớm
có hình thức hoạt động Mặt trận, ngay từ năm 1929, trước khi Mặt trận
Dân tộc Thống nhất Việt Nam thành lập vào năm 1930, ở Hà Nội đã có các
Hội Ái Hữu, các hội nhân đạo từ thiện, Đông Kinh Nghĩa Thục...và nhiều
hoạt động khác mang tính chất Mặt trận. Trải qua các giai đoạn cách mạng
luôn có sự đóng góp tích cực của Mặt trận Hà Nội. Trong công cuộc đổi
mới, đặc biệt trong những năm gần đây, MTTQ thành phố Hà Nội ngày càng
đổi mới và phát huy hiệu quả, góp phần tích cực xây dựng khối đại đoàn
kết toàn dân, đảm bảo sự nhất trí về chính trị, tinh thần, sự đồng thuận
của nhân dân. Đây là cuộc vận động triển khai hiệu quả nhất ở Thủ đô.
Mặt trận Tổ quốc đã phối hợp vận động nhân dân thực hiện các chủ trương,
chính sách của Đảng, Nhà nước, thành phố và các phong trào thi đua yêu
nước, các cuộc vận động ở Thủ đô thu được kết quả tốt. Cụ thể, phong
trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã duy trì 10 năm là
một phong trào lớn ở cơ sở. Phong trào vận động ủng hộ, giúp đỡ người
nghèo với khẩu hiệu "Ngày vì người nghèo" thu được hàng trăm tỷ đồng,
góp phần giảm số hộ nghèo ở thành phố, xóa nhà dột nát, xây nhà đại đoàn
kết. Phong trào "đền ơn, đáp nghĩa" giúp đỡ các gia đình thương binh,
liệt sỹ cũng được nhân dân hưởng ứng tích cực. Các cuộc vận động chính
trị như Bầu cử Hội đồng Nhân dân, Bầu cử Đại biểu Quốc hội có sự tham
gia tích cực của Mặt trận để bầu cử thành công tốt đẹp. Trong công tác
xây dựng Đảng, Mặt trận luôn tuyên truyền rộng khắp trong nhân dân về
Đảng Cộng sản Việt Nam, động viên nhân dân tham gia xây dựng Đảng bằng
cách tổ chức góp ý kiến của nhân dân vào các kỳ Đại hội Đảng các cấp,
được nhân dân hưởng ứng tích cực. Động viên, giới thiệu những người ưu
tú trong các tổ chức chính trị, xã hội phấn đấu trở thành đảng viên, xây
dựng cơ sở Đảng vững mạnh. Trong xây dựng chính quyền, Mặt trận tích
cực tham gia vận động trong các cuộc bầu cử nên tỷ lệ cử tri đi bầu cử ở
Hà Nội luôn rất cao, kết quả bầu cử đã bầu đủ số lượng đại biểu Quốc
hội, đại biểu HĐND, đảm bảo tổ chức, cơ cấu, thể hiện dân chủ, đúng pháp
luật trong bầu cử; không có sai phạm nghiêm trọng, vi phạm pháp luật,
vi phạm quyền làm chủ nhân dân. Ngày bầu cử thực sự là ngày hội, là đợt
sinh hoạt chính trị rộng khắp ở Thủ đô. Mặt trận phối hợp chặt chẽ với
HĐND, UBND trong việc tiếp xúc cử tri đến phản ánh nguyện vọng tâm tư và
kiến nghị của cử tri đến các cấp chính quyền Thành phố. Tăng cường quan
hệ giữa nhân dân với chính quyền các cấp. Mặt trận chủ trì trong việc
tổ chức lấy ý kiến, bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do HĐND ở
phường, xã bầu ra như Chủ tịch HĐND, UBND ở các phường, xã, thị trấn.
Qua đó, chính quyền biết và có biện pháp hiệu quả trong việc xây dựng
đội ngũ và quản lý cán bộ. Tránh tình trạng tùy tiện, cơ hội trong việc
lấy ý kiến, bỏ phiếu tín nhiệm. Đây là những cách xây dựng chính quyền
rất thiết thực. Trong công tác đối ngoại nhân dân, Mặt trận phối hợp với
Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị thành phố tham gia tuyên truyền, tiếp
đón, giới thiệu, cử các đoàn tham gia công tác đối ngoại, phối hợp với
Chính Hiệp Bắc Kinh, Mặt trận Lào Xây dựng đất nước, Mặt trận Cam Pu
Chia nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước... và tổ chức các hoạt
động với các tổ chức nhân đạo từ thiện quốc tế. Qua những hoạt động như
vậy, vai trò và vị trí Mặt trận Tổ quốc thành phố ngày càng được củng cố
và phát huy trên địa bàn Thủ đô, được Đảng, Chính quyền và nhân dân ghi
nhận.
Tuy nhiên, công tác Mặt trận hiện nay ở Hà Nội còn có
những hạn chế. Đó là việc tổ chức phong trào vận động nhân dân chưa
đồng đều trong các tầng lớp nhân dân. Giám sát của Mặt trận tuy đã tăng
so với trước đây nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Tổ
chức hoạt động Mặt trận Tổ quốc ở một số nơi chưa đủ mạnh do việc bố trí
cán bộ chưa sắp xếp hợp lý và kịp thời.
PV: Những kinh nghiệm quý báu của đồng chí để làm tốt công tác Mặt trận trong thời gian qua là gì?
Đồng chí Phạm Lợi: Một điều tưởng
rất đơn giản nhưng vẫn cần phải nhắc lại đó là người làm công tác Mặt
trận buộc phải nắm vững chức năng, nhiệm vụ và nguyên tắc tổ chức của
MTTQ Việt Nam. Muốn làm tốt công tác Mặt trận, cán bộ phải nắm vững điều
này. Trên thực tế, hiện nay, đội ngũ làm công tác Mặt trận luôn biến
động, thay đổi và cũng chưa có một trường lớp nào đào tạo cán bộ Mặt
trận. Kinh nghiệm thứ hai đồng thời cũng là tiền đề của hoạt động Mặt
trận, đó là cán bộ Mặt trận phải gần dân, hiểu dân và nắm được tình hình
nhân dân ở Thủ đô. Đặc biệt, sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành
chính, thành phố có kết cấu dân cư rất phong phú, đa dạng, có nhiều tôn
giáo, dân tộc, hoạt động Mặt trận trong lực lượng này rất khó khăn. Do
đó, cán bộ Mặt trận phải thực sự "gần dân, hiểu dân". Sức mạnh của Mặt
trận chính là "nắm" được dân, nói tiếng nói của dân. Kinh nghiệm thứ ba
là trong hoạt động Mặt trận có nhiều công việc nhưng Mặt trận phải nắm
vững kinh nghiệm xây dựng Đại đoàn kết toàn dân là trung tâm, phát huy
dân chủ trong dân là động lực và cơ sở khu dân cư là địa bàn trọng yếu.
Kinh nghiệm thứ tư là phải sáng tạo các phương pháp, hình thức hoạt
động phong phú hợp với các hoạt động và địa bàn dân cư. Qua kinh nghiệm
thực tiễn tập hợp nhân dân qua các phong trào nhân dân và cuộc vận động
chính trị, xã hội, tổ chức Mặt trận chủ trì cùng chính quyền tổ chức
hội nghị đại biểu nhân dân ở các phường, xã, thị trấn chuyên bàn về xây
dựng đời sống văn hóa ở cơ sở "dân bàn, dân quyết định". Hội nghị này
đã duy trì được 10 năm nay, đã phát huy tính dân chủ trong nhân dân,
khơi dậy ý thức tự nguyện của nhân dân trong phong trào nhân dân xây
dựng đời sống văn hóa, thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân
kiểm tra". Kinh nghiệm thứ năm là xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận phải
đi đôi với củng cố Mặt trận vững mạnh. Đây là hai vế của một vấn đề để
Mặt trận xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và xây dựng Mặt trận cơ sở.
Do cán bộ Mặt trận luôn thay đổi nên bồi dưỡng cán bộ có ý nghĩa quyết
định. Cán bộ Mặt trận phải thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng, phải
quan tâm đến vấn đề đổi mới phong cách cán bộ. Bản thân cán bộ Mặt trận
phải là người gần dân, hiểu dân, biết vận động nhân dân, trọng tâm công
tác lấy vận động là chủ yếu, phải biết cách phối hợp hành động với các
tổ chức thành viên. Cán bộ Mặt trận phải gương mẫu để nói dân tin và làm
theo.
PV: Vậy, thưa đồng chí, điều gì là động lực để thúc đẩy hoạt động Mặt trận trên địa bàn Thủ đô?
Đồng chí Phạm Lợi: Đó chính là phát
huy tính dân chủ trong nhân dân. Dân chủ trong nhân dân chính là động
lực chính trị, động lực tinh thần. Trên thực tế, ở nơi nào phát huy được
tính dân chủ trong nhân dân thì ở nơi đó Đại đoàn kết mới thực sự,
người dân mới phấn khởi. Mất dân chủ là mất đoàn kết. Khẩu hiệu mà Mặt
trận đề ra là "Dân chủ, đoàn kết". Do đó, đoàn kết không có dân chủ chỉ
là đoàn kết gượng ép.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
T.M(thực hiện)