Xứ đạo Bách Lộc: Xây dựng cộng đoàn bác ái yêu thương

25/09/2010 - 12:00 AM

Làm bác ái với tinh thần tự nguyện, cởi mở.

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi khi đến Họ giáo Bách Lộc (thuộc Giáo phận Hưng Hóa), thôn Ổ Thôn, xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) là gia đình chị Nguyễn Thị Đại, anh Doãn Văn Thành - một gia đình giáo dân tiêu biểu. Chị Đại là Chủ tịch Hội LHPN xã Thọ Lộc; còn anh Thành, nguyên là Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ (HĐGX) Bách Lộc (nhiệm kỳ III, 2004 - 2007). Ấn tượng  đầu tiên khi bước vào nhà chị Đại là chiếc hòm Bác ái chia làm hai ngăn, một để quyên góp cho người nghèo khó, một để ủng hộ quỹ khuyến học  được gia đình đặt trang trọng dưới bàn thờ Chúa và Đức mẹ Maria.

Anh Thành  cho biết: "Năm 1998, sau khi Cha xứ Bách Lộc, Joan Lương Đình Nghi bắt đầu phát động phong trào Bác ái tới các hộ giáo dân toàn xứ, 100% số hộ giáo dân trong Họ giáo Bách Lộc hưởng ứng ngay. Cũng từ đó, bác ái là công việc thường xuyên của mỗi giáo dân với tinh thần hoàn toàn tự nguyện và cởi mở. Đến nay, phong trào càng có ý nghĩa hơn khi mỗi giáo dân trong Họ đã thấm nhuần đạo Chúa Ki Tô và tình yêu Chúa được truyền cảm cả chiều sâu lẫn bề rộng, từ đó mở rộng bác ái, yêu thương, để  "Sống phúc âm giữa lòng dân tộc"".

Ngay sau khi phong trào bác ái được phát động, HĐGX thành lập Ban bác ái, mỗi họ giáo trong Giáo xứ thành lập một Tiểu Ban bác ái. Theo đó, Tiểu ban Bác ái Họ giáo Bách Lộc đã vận động mỗi giáo dân đóng góp 600 đồng/tháng (trong đó một nửa dành cho quỹ Bác ái và một nửa dành cho Quỹ khuyến học). Chỉ tính trong 4 năm (2004 - 2007), Quỹ Bác ái và Quỹ Khuyến học của toàn giáo xứ Bách Lộc đã thu được 136 triệu 495 nghìn đồng. Với số tiền ủng hộ tự nguyện của bà con giáo dân, HĐGX đã làm bác ái đối với hàng trăm giáo dân bị ốm đau lâu ngày, bị tai nạn rủi ro, tàn tật cô đơn... mỗi suất 30 đến 50 nghìn đồng. Quỹ khuyến học, hàng năm dành làm phần thưởng cho các cháu học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó, các cháu đỗ đại học, cao đẳng và một phần dành chi phí, trao phần thưởng trong hai kỳ thi giáo lý kinh nguyện truyền thống hàng năm của Giáo xứ tổ chức vào tháng 4 và tháng 8. Không chỉ làm bác ái trong Họ giáo, Giáo xứ mình, bà con giáo dân đã làm bái ái với các tôn giáo bạn như ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo xã, huyện, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do các cơn bão gây nên. Bên cạnh việc sử dụng Quỹ Bác ái, Quỹ Khuyến học giúp đỡ người nghèo, học sinh nghèo... từ nhiều năm nay, Họ giáo Bách Lộc còn duy trì việc hỗ trợ hàng tháng cho các hộ thuộc diện nghèo trong thôn (gồm cả  hộ bên lương và bên giáo), mỗi hộ 10kg gạo/tháng. Hiện nay, có 8 hộ nghèo, trong đó có 4 hộ bên lương đang được hỗ trợ. Ngoài ra, có 30 cháu có hoàn cảnh khó khăn trong Họ giáo Bách Lộc hỗ trợ 220.000 đồng/tháng và các cháu đang học đại học mỗi cháu 80.000 đồng/tháng.

Đồng lòng xây dựng quê hương

Về thăm Họ giáo Bách Lộc lần này chúng tôi thực sự vui mừng bởi đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Cách đây 4 năm, cuộc sống của bà con vẫn còn khó khăn lắm. Từ trụ sở xã Thọ Lộc, con đường bê tông thẳng tắp dẫn chúng tôi tới thôn Ổ Thôn. Xa xa, những ngôi nhà cao tầng của bà con lương, giáo nằm xen giữa những hàng cau cao vút và màu xanh của cây trái đã tạo nên một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp về một vùng quê yên bình.

Dẫn chúng tôi đi, bà Kiều Thị Ninh, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã Thọ Lộc khoe: "Các chị thấy Ổ Thôn khác mấy năm trước nhiều không? Năm nào thôn cũng có vài ngôi nhà cao tầng mọc lên đấy. Đời sống người dân được nâng lên nên bây giờ gần 100% số hộ dân trong thôn đều mua sắm được xe máy và nhiều đồ dùng đắt tiền khác". Chứng kiến không khí làm việc khẩn trương thu hoạch lúa mùa, trồng cây vụ Đông của bà con Họ đạo Bách Lộc chúng tôi hiểu những điều bà Ninh nói rất đúng. Bà Ninh tiếp lời: "Các chị có tin không, sáng ở đây vẫn là ruộng lúa, chiều đã là ruộng đỗ tương. Đó là phong cách làm việc của bà con xã tôi đấy, rất khẩn trương để kịp thời vụ, thời đại CNH, HĐH mà".

Được biết: Thôn Ổ Thôn có xấp xỉ 330 hộ, trong đó có 125 hộ theo đạo Công giáo, với 680 giáo dân. Những năm trước, kinh tế trồng chờ vào nông nghiệp với 2 vụ lúa/năm nên đời sống của hầu hết bà con giáo dân trong thôn cũng chỉ đủ ăn. Nhưng đến nay, với sự năng động, dám nghĩ, dám làm, nhiều hộ giáo dân từ diện nghèo khó đã vươn lên làm giàu có của ăn, của để nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Để khích lệ bà con chuyển đổi, một số đảng viên trong thôn đã gương mẫu đi trước để bà con làm theo, tiêu biểu có gia đình đảng viên Nguyễn Thị Đại. Hiện nay, với diện tích 1,2 mẫu đất chuyển đổi chị đã quy hoạch ngăn nắp vừa thả cá, trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Và đã có nhiều hộ giáo dân khác mạnh dạn chuyển đổi từ đất 2 vụ lúa sang mô hình trang trại như anh Nguyễn Quang Khởi, Nguyễn Công Minh, Khuất Văn Mạnh... Đến nay, thôn ổ Thôn có trên 50 hộ thực hiện chuyển đổi mô hình canh tác diện tích cấy lúa sang mô hình trang trại thì có tới 35 hộ công giáo. Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều hộ gia đình ở Ổ Thôn đã vươn lên có cuộc sống khá giá, số hộ nghèo giảm hẳn. Nếu tính riêng 125 hộ giáo dân, giờ chỉ còn 4 hộ nghèo.

Chia tay Họ giáo Bách Lộc, chúng tôi nhớ mãi những dòng chữ trên chiếc hòm Bác ái: "Vinh danh Thiên chúa, mỗi Ki tô hữu Giáo xứ  Bách Lộc thực hiện: Bác ái với người nghèo khó, người tàn tật, rủi ro; khuyến học cho học sinh giỏi, học sinh quá nghèo và chung cho các cháu học sinh". Anh Thành tâm sự: Mỗi dòng chữ đó như một lời nhắc nhở giáo dân phải bác ái và yêu thương, bởi đó là bổn phận cao cả.

Thu Hằng - Lê Hương

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020