Sáng ngày 12/10/2018, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 217 và 218 - QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, việc thực hiện chương trình hành động số 3 của MTTQ Việt Nam khóa VIII. Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Quang Minh – Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Bùi Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội; Phó Chủ tịch, Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội; đại diện lãnh đạo phòng chuyên môn Ban Dân vận Thành ủy, đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã.
Đồng chí Phạm Quang Minh - Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại hội nghị
Báo cáo đánh giá kết quả 5 năm cho thấy, việc triển khai thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) và Kế hoạch 109 của Thành ủy đã được các cấp ủy đảng, chính quyền cá ngành, các cấp ban hành văn bản chỉ đạo, phối hợp, tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát nhằm khắc phục những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, những mặt tích cực; phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; động viên các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng các quyết sách của Nhà nước, của Thành phố; kiến nghị những nội dung thiết thực, phù hợp với qui định của pháp luật và thực tiễn đời sống xã hội tạo ra sự đồng thuận trong nhân dân đối với các quyết sách trước khi được ban hành và thực hiện.
Trong 5 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã chủ trì tổ chức 12 đoàn giám sát, tổ chức giám sát qua nghiên cứu văn bản 9 cuộc, tham gia phối hợp giám sát 148 cuộc; tổ chức 18 hội nghị phản biện xã hội tham gia đóng góp ý kiến, kiến nghị vào Tờ trình và dự thảo Nghị quyết HĐND Thành phố, dự thảo Quyết định, Quy định của UBND Thành phố trình tại kỳ họp. Tổ chức góp ý kiến đối với Dự án của UBND Thành phố về “Rà soát điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn Thành phố Hà Nội”, phối hợp tổ chức 16 hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Thành phố với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân. MTTQ Việt Nam cấp huyện đã tổ chức thành lập 609 đoàn giám sát, giám sát thông qua nghiên cứu, xem xét văn bản là 1.667 cuộc và phối hợp tham gia giám sát là 3.130 cuộc, chủ trì tổ chức 204 hội nghị phản biện xã hội; gửi văn bản góp ý đối với dự thảo là 499 cuộc, tổ chức 177 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp Nhân dân; MTTQ cấp xã đã tổ chức thành lập 7.190 đoàn giám sát, giám sát thông qua nghiên cứu, xem xét văn bản là 7.440 cuộc và phối hợp tham gia giám sát là 19.581 cuộc, tổ chức được 2.371 hội nghị phản biện xã hội, gửi văn bản góp ý dối với dự thảo là 2.558 cuộc, tổ chức 1.716 cuộc đối thoại với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp và các tầng lớp Nhân dân.
Đồng chí Bùi Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố phát biểu tại hội nghị
Thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, nhiều ý kiến, kiến nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, của các tổ chức chính trị - xã hội đã được các cơ quan tiếp thu, đánh giá cao, giúp cấp ủy, chính quyền khi xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện cũng còn một số khó khăn, đó là: Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về vai trò, ý nghĩa của hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ còn chưa đầy đủ, nhất là cấp xã, do đó chưa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ. Việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội ở một số tổ chức chính trị - xã hội và MTTQ Việt Nam cấp xã có nơi còn lúng túng. Việc triển khai góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền còn chậm, chưa tham gia được nhiều ý kiến vào các chương trình, kế hoạch, đề án của cấp ủy, chính quyền. Việc cung cấp dự thảo văn bản phản biện xã hội còn chưa kịp thời, thời gian nghiên cứu của các chuyên gia, các nhà khoa học hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng hội nghị phản biện. Việc cung cấp thông tin về các chương trình, dự án của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại một số địa phương còn chậm, chưa dầy đủ, gây khó khăn cho hoạt động giám sát của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ. Năng lực thực hiện giám sát, phản biện xã hội của cán bộ Mặt trận các cấp còn lúng túng. Kinh phí dành cho hoạt động này có nhiều khó khăn, nhất là ở cấp xã và những địa phương thu ngân sách thấp…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Minh – Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá cao kết quả thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội trong 5 năm qua, như: Đã xây dựng được quy chế phối hợp, chương trình công tác với Đoàn ĐBQH, HDND, UBND cùng cấp; ban hành các văn bản chỉ đạo và tổ chức tốt các hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; thực hiện tốt công tác phản biện xã hội đối với các dự thảo của UBND Thành phố trước khi trình HĐND nghiên cứu, xem xét quyết nghị. Đồng chí đề nghị, trong thời gian tới MTTQ các cấp cần quan tâm tới việc giám sát tiếp thu các ý kiến, kiến nghị, phản ánh của nhân dân qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đề nghị: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội cần bám sát các chương trình phối hợp của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, của MTTQ cấp trên, đồng thời căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ chính trị, dư luận Nhân dân của địa phương để lựa chọn nội dung giám sát, phản biện xã hội như: Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; giám sát việc quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, giống cây tròng, giống vật nuôi…, những vấn đề xã hội Nhân dân đang quan tâm… để tiến hành hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đem lại hiệu quả thiết thực, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị ở địa phương, góp phần phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.
Từ Ngọc Lâm