Sáng ngày 18/02/2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thường Tín tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Tiến Minh - Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy; Tạ Hữu Thọ - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Lê Tuấn Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Huyện; Nguyễn Sỹ Tuyến - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện; lãnh đạo các ban xây dựng Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - xã hội, Văn phòng HĐND - UBND huyện, Phòng Tư pháp, Phòng Nội vụ huyện; thành viên Ban Tư vấn phản biện xã hội huyện; Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện; phóng viên Trung tâm Văn hóa - Thông tin & Thể thao huyện; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, thị trấn.
Nhằm hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý của Nhân dân với dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với nhiều điểm mới được bổ sung để kịp thời giải quyết những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành. Mục tiêu xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; tiếp tục thực hiện bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân là chủ của đất nước.
Tham gia ý kiến góp ý dự thảo Luật, phần lớn các đại biểu được lấy ý kiến đều thống nhất cho rằng việc ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là thật sự cần thiết nhằm xây dựng cơ sở pháp lý và cơ chế để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ đã được Hiến pháp năm 2013 quy định; đồng thời, giải quyết những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, 149/2018/NĐ-CP và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP Nghị định của Chính phủ quy định về thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp…
Toàn cảnh hội nghị tham gia ý kiến vào dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở
Các đại biểu đã đề nghị Ban soạn thảo rà soát và trình bày thống nhất quy ước viết tắt đối với khái niệm “đơn vị hành chính cấp xã” trong toàn Dự thảo; kiến nghị bổ sung, làm rõ về cách thức tổ chức, thực hiện, hướng dẫn chi tiết các văn bản như: Mẫu Biên bản đối với thôn/tổ dân phố, cấp xã; bổ sung mốc thời gian, số lượng hội nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư mỗi năm; thực hiện dân chủ ở các loại hình Trường học, Bệnh viện, Ban Quản lý chợ… nêu rõ vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc tổ chức thực hiện Luật ở cộng đồng dân cư; đề nghị xem xét, chỉnh sửa quy định về hiệu lực của Nghị quyết của cộng đồng dân cư về nội dung hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố trong dự thảo Luật cho thống nhất với quy định tại Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xem xét, chỉnh sửa quy định về tổ chức hội nghị đối thoại với Nhân dân cho thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương về số lần tổ chức và hình thức tổ chức hội nghị; bổ xung thêm nội dung Giám sát đầu tư của cộng đồng vào chương Thanh tran nhân dân…
Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý tại hội nghị, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tổng hợp, gửi cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, hoàn thện dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Lê Đức Anh - MTTQ huyện Thường Tín