Vài suy nghĩ về vấn đề đại đoàn kết dân tộc trong điều kiện hội nhập dưới ánh sáng tư tưởng HCM

17/05/2010 - 12:00 AM

Ts. Chu Đức Tính

Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh

Ts. Chu Đức Tính

Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh là linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Người nói: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công. 14 chữ vàng trên, được ghi trong sổ vàng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trở thành mục tiêu và phương châm hành động cho toàn Đảng, toàn dân ta. Đó là tài sản tinh thần quý báu của Đảng và dân tộc ta. Trong thời đại ngày nay tư tưởng đại đoàn kết của Người vẫn tỏa sáng. Thực tiễn cách mạng Việt Nam hơn 70 năm qua đã chứng minh sức mạnh vĩ đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết. Đại đoàn kết là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, góp phần làm nên những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam.

1. Quán triệt những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề đại đoàn kết dân tộc.

Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, trong xu thế khu vực hóa, toàn cầu hóa kinh tế ngày càng phát triển, với những thời cơ và thách thức đan xen nhau, đang thường xuyên có tác động đến khối đại đoàn kết dân tộc, đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải nắm vững và phát huy sáng tạo những quan điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Bởi vì, lịch sử cách mạng Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua đã chứng minh, lúc nào, nơi nào tư tưởng đại đoàn kết dân tộc được quán triệt và thực hiện đúng thì cách mạng phát triển mạnh mẽ và giành được thắng lợi; lúc nào xa rời tư tưởng Hồ Chí Minh thì cách mạng gặp nhiều khó khăn và bị tổn thất. Đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định thành công của cách mạng, là vấn đề sống còn của cách mạng. Trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng, có thể điều chỉnh chính sách và phương pháp tập hợp với những đối tượng khác nhau, nhưng đại đoàn kết luôn luôn là chiến lược của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định: “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta"; "Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi"; Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là then chốt của thành công". Do đó, đại đoàn kết dân tộc là một mục tiêu, một nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng, phải được quán triệt trong mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên của Mặt trận dân tộc thống nhất, lại vừa là lực lượng lãnh đạo Mặt trận, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững chắc. Đảng có sứ mệnh thức tỉnh, tập hợp, tổ chức nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do cho dân tộc, vì hạnh phúc ấm no cho mọi con người.

Đại đoàn kết dân tộc là đại đoàn kết toàn dân, bao gồm các dân tộc, các giai cấp, tầng lớp, đảng phái, tôn giáo, nhân sĩ, trí thức, đồng bào ở trong nước và kiều bào ở nước ngoài, là "mọi con dân nước Việt", "mỗi một người con rồng cháu tiên" "không phân biệt già trẻ, trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, chủng tộc, cùng nhau đoàn kết để giữ vững nền độc lập và mưu cầu hạnh phúc tự do".

Đại đoàn kết dân tộc không chỉ dừng lại ở quan niệm, tư tưởng, ở những lời kêu gọi mà phải trở thành một chiến lược cách mạng, trở thành khẩu hiệu hành động của toàn Đảng, toàn dân ta, phải được tập hợp trong một tổ chức, đó là Mặt trận dân tộc thống nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết:

"Đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh, nhân dân ta đã làm cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Đoàn kết trong Mặt trận Liên Việt, nhân dân ta đã kháng chiến thắng lợi, lập lại hòa bình ở Đông Dương, hoàn toàn giải phóng miền Bắc.

Đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhân dân ta đã giành được thắng lợi trong công cuộc khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa và trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc"

Ngày nay, mục tiêu của đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước là để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khắc phục những tụt hậu về kinh tế, khoa học kỹ thuật, công nghệ so với các nước trong khu vực và trên thế giới, để "xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh", xây dựng một "xã hội dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", để đất nước ta có thể "sánh vai với các cường quốc ở năm châu" như Bác Hồ hằng mong muốn.

2. Đại đoàn kết dân tộc trong điều kiện thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập.

  Đại đoàn kết dân tộc phải gắn liền với đoàn kết quốc tế. Từ đại đoàn kết dân tộc phải đi đến đại đoàn kết quốc tế. Đại đoàn kết dân tộc là cơ sở cho việc thực hiện đoàn kết quốc tế.

Đại đoàn kết dân tộc nhằm khơi dậy tinh thần tự tôn dân tộc, quyết tâm chấn hưng đất nước, không bỏ lỡ thời cơ, vận hội, phải cố gắng tiến kịp sự chuyển động theo gia tốc của thế giới đang ngày càng phát triển; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đẩy lùi mọi nguy cơ, vượt qua mọi thách thức.

Đại đoàn kết dân tộc là yếu tố nội sinh, quyết định, là cơ sở vững chắc cho hội nhập. Đại đoàn kết dân tộc để nhằm tạo lực và thế để vươn ra nước ngoài. Ngược lại mở cửa, hội nhập quốc tế nhằm làm cho thế và lực ở trong nước ngày càng tăng thêm. Nhưng có đại đoàn kết dân tộc vững chắc mới có đủ sức mạnh, bản lĩnh và lòng tự tin để hội nhập một cách bình đẳng, không bị đồng hóa, hòa tan. Trong bối cảnh quốc tế mới đầy phức tạp hiện nay, có nhiều nhân tố tác động đến tinh thần đại đoàn kết dân tộc như nền kinh thế thị trường đã dẫn đến những thay đổi trong xã hội, tạo ra sự chênh lệch ngay càng nhiều giữa giàu và nghèo. Kinh tế thị trường cũng tạo ra tâm lý chạy theo đồng tiền, cạnh tranh không lành mạnh, làm phai nhạt truyền thống tương thân, tương ái trong cộng đồng dân tộc. Kinh tế thị trường cũng đẻ ra nhiều tệ nạn xã hội: Tham ô, tham nhũng, quan liêu, cửa quyền vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, khiến lòng dân không yên... Nếu không khắc phục sẽ có nguy cơ đe dọa khối đại đoàn kết dân tộc. Vấn đề đoàn kết giữa các dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam; vấn đề tôn giáo cũng đang là những vấn đề thời sự nóng hổi cần phải được giải quyết một cách êm đẹp trong nội bộ. Có giải quyết tốt các vấn đề về củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thì chúng ta mới có sự đồng lòng nhất trí để đoàn kết, hợp tác với các nước trên thế giới nhằm xóa dần sự cách biệt về sự phát triển về kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật.

Đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ hội nhập cần chú trọng đến phạm vi, đối tượng, chính sách, phương pháp tập hợp. Trong đó cần lưu ý những đối tượng như trí thức, thanh niên, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trí thức là những người có thể giúp cho Việt Nam hội nhập thành công. Vì họ là những người có năng lực trí tuệ, nắm bắt được tri thức, khoa học, giúp cho chúng ta trong việc hợp tác, tiếp thu công nghệ, trong việc ký kết, tư vấn về pháp luật... Còn cộng đồng người Việt Nam ở hơn 100 nước trên thế giới, một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước. Với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, chúng tôi cho rằng cần có chính sách hết sức linh hoạt để thu hút sự quan tâm của gần 4 triệu kiều bào đóng góp cho sự phát triển đất nước. Thu hút không chỉ nhằm để đồng bào chuyển về nhiều kiều hối, để vận động đóng góp hay đầu tư về quê hương, mà quan trọng là đồng cảm với kiều bào, thông qua sự hiển diện của kiều bào ở các nước để thế giới hiểu và thông cảm với Việt Nam, từ đó họ tích cực ủng hộ Việt Nam trên mọi phương diện. Chúng tôi cho rằng đấy mới chính sách lâu dài với kiều bào. Vì trong hơn 4 triệu kiều bào ta ở nước ngoài, cũng không ít người còn khó khăn về kinh tế, còn chưa được hòa nhập với cộng đồng sở tại. Nếu ta chỉ chú trọng việc vận động kiều bào đóng góp kinh tế cho đất nước, vô tình đã làm khó cho kiều bào.

Về đoàn kết quốc tế:  Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Không một quốc gia nào có thể phát triển trong sự tách biệt với thế giới. Năm 1945, sau khi nước ta giành được độc lập, trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta, trong nhiều bài nói, bài viết của mình Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ quan điểm của Người về đoàn kết, hợp tác hữu nghị với các nước trên thế giới. Nửa thế kỷ đấu tranh, xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã qua, nhưng khi đọc lại những bài viết, những bài trả lời phỏng vấn báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng thấy ý nghĩa vượt thời gian của tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có vấn đề đoàn kết quốc tế của Người. Trong thư chúc tết gửi đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ, khi nói đến chính sách ngoại giao của Chính phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Chỉ có một điều là thân thiện với tất cả các nước dân chủ trên thế giới để giữ gìn hòa bình". Đó là lời tuyên ngôn của vị Chủ tịch Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam á và là tư tưởng chỉ đạo suốt tiến trình cách mạng Việt Nam. Người bày tỏ lập trường, quan điểm đoàn kết, hợp tác: "Thái độ của Việt Nam đối với các nước á châu là một thái độ anh em, đối với ngũ cường  là thái độ bạn bè". Hợp tác thân thiện vì mục đích chung và ngay từ khi Việt Nam mới độc lập, còn là một nước nhỏ bé, chưa được nhiều nước trên thế giới biết đến, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chủ trương hợp tác một cách bình đẳng. Quan điểm này của Người càng thể hiện rõ hơn khi trả lời phỏng vấn của hãng Ang-ta-ra ở Nam Dương (Inđônêxia), tháng 7-1949: "Chúng tôi hoan nghênh ngoại quốc đầu tư, miễn là hai bên cùng hưởng lợi nhuận ngang nhau và người ta không lợi dụng sự đầu tư ấy để áp bức chúng tôi". Khi được hỏi về dự đoán tương lai của Việt Nam, của châu á và của chung thế giới, Người tuyên bố: "Nước Việt Nam độc lập muốn hợp tác thân thiện với tất cả các nước anh em ở châu á và giữ mối giao hảo với toàn thế giới". Như vậy đoàn kết, hợp tác trước hết là với các nước láng giềng gần gũi. Tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Đảng và Nhà nước ta vận dụng và phát triển trong chiến lược đoàn kết, hợp tác hôm nay. Đó là xây dựng mối quan hệ giữa các nước láng giềng gần gũi ổn định, phát triển, theo phương châm mà Việt Nam đã xác định với CHND Trung Hoa là một minh chứng: "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn đinh định lâu dài, hướng tới tương lai", "là đồng chí tốt, bạn bè tốt, láng giềng tốt, đối tác tốt."

Tháng 1-1950, khi các nước trên thế giới lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố rằng: "Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây dắp dân chủ thế giới."

Miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, trong chuyến đi thăm hữu nghị chính thức đầu tiên nước CHND Trung Hoa, ngày 25-6-1955, vừa đặt chân xuống sân bay Bắc Kinh, trong đáp từ lời chào mừng của Đảng và Chính phủ Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi đi một thông điệp: "Nhân dân Việt Nam tin chắc rằng mọi sự phân tranh trên thế giới đều có thể giải quyết bằng cách hòa bình; tin chắc rằng các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau cũng đều có thể chung sống hòa bình được. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt mọi quan hệ thân thiện hợp tác với bất cứ một nước nào trên nguyên tắc: tôn trọng sự hoàn chỉnh về chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp nội trị của nhau, bình đẳng cùng có lợi và chung sống hòa bình. Chúng tôi tin chắc rằng sự hợp tác đó sẽ có lợi cho cả đôi bên và có lợi chung cho công cuộc hòa bình toàn thế giới".

Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, khi mà đối tượng, đối tác hợp tác của đất nước ta đã mở rộng rất nhiều, thì việc vận dụng sáng tạo và phát huy tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong quá trình hợp tác, hội nhập phải luôn tỉnh táo, sáng suốt, không vì lợi ích trước mắt, hay lợi ích kinh tế mà bỏ qua lợi ích lâu dài của quốc gia, dân tộc; phải đảm bảo độc lập chủ quyền, không xâm phạm về lãnh thổ, kinh tế, chính trị, nội trị của nhau.

Những tư tưởng, định hướng về đoàn kết, hợp tác hữu nghị trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được quán triệt trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ mở cửa, hội nhập. Những nguyên tắc, bài học về đoàn kết, hợp tác quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược."; "Dĩ bất biến, ứng vạn biến"; "Nói nên nhu, làm nên cương", luôn luôn giương cao ngọn cờ hòa bình, độc lập, hợp tác và phát triển mãi mãi là cẩm nang trong việc thực thi chính sách đoàn kết, hợp tác của Đảng và Nhà nước ta.

                                                                                    Tháng 1-2008 

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020