Phản biện xã hội: Về phê duyệt danh mục di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu vực 12 quận nội thành

08/11/2019 - 03:34 PM
Sáng 8-11, Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội vào dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố “Về phê duyệt danh mục di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu vực 12 quận nội thành”.  

Toàn cảnh hội nghị


Thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, ngày 22/4/2003, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, UBND thành phố Hà Nội đã chủ động hướng dẫn di dời các cơ sở công nghiệp không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị. Tuy nhiên, kết quả thực hiện di dời  còn chậm do tâm lý doanh nghiệp không muốn di chuyển ra xa nội thành, muốn dựa vào lợi thế vị trí đất để sản xuất kinh doanh, thuận tiện đi lại sinh hoạt; năng lực tài chính của hầu hết các doanh nghiệp còn hạn chế trong việc đầu tư thay đổi công nghệ sạch…
 
Thực hiện Chỉ đạo của UBND Thành phố về việc rà soát, thiết lập hồ sơ danh mục 113 cơ sở công nghiệp đề xuất di dời do không phù hợp với quy hoạch xây dựng, Tổ công tác liên ngành đã rà soát phân loại các quận và các doanh nghiệp có cơ sở sản xuất công nghiệp. Theo đó, loại bỏ 32 cơ sở nằm trong 113 cơ sở; bổ sung 09 cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng đất do không phù hợp với quy hoạch. Như vậy, đến nay, danh mục sản xuất công nghiệp đề xuất di dời do không phù hợp quy hoạch gồm 90 cơ sở. 
 
Tại hội nghị, các ý kiến đều cho rằng: Việc di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành là cần thiết, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và xu thế phát triển của xã hội nói chung và của Thành phố nói riêng. Tuy nhiên, để việc xử lý di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực 12 quận một cách đồng bộ, đảm bảo tính nhất quán, công bằng, đề nghị UBND TP có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho di dời cả các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch của các bộ, ngành thuộc Trung ương đóng trên địa bàn 12 quận thuộc Thành phố. Việc này cùng làm đồng thời với các cơ sở thuộc Thành phố quản lý. Bên cạnh đó, Thành phố sớm nghiên cứu, đề xuất bổ sung các cơ chế chính sách hỗ trợ việc di dời các cơ sở sản xuất và dịch vụ gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch nhiều hơn nữa, thỏa đáng hơn… TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội lại cho rằng, bài học từ vụ cháy tại Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông cho thấy cần phân loại danh mục gây ô nhiễm môi trường để xác định yêu cầu cấp bách…
 
Tiếp thu các ý kiến phát biểu của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBMTTQ Thành phố Đàm Văn Huân cho rằng, vai trò của MTTQ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Việc phản biện được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố tổ chức theo tinh thần đổi mới, chủ động công tác giám sát, phản biện. Trước khi tổ chức phản biện, UB MTTQ thành phố cũng tổ chức các đoàn khảo sát để khảo sát vấn đề này. Tuy nhiên, ông Đàm Văn Huân cũng đề nghị, các nội dung giám sát, phản biện phải được tổ chức sớm hơn, tạo điều kiện cho các cơ quan của Thành phố có điều kiện tiếp thu, điều chỉnh trước khi trình HĐND thành phố.
Theo CTTĐT

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020