Dự Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ XVII, các đại biểu đều bày tỏ mong muốn củng cố, phát huy hơn nữa sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời gian tới. Ban biên tập điện tử trích đăng một số ý kiến tham luận tại Đại hội.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Nghinh:
Tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền
Thời gian tới, Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục quán triệt và tổ chức cho cán bộ, hội viên thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu là kiên quyết bảo vệ các thành quả cách mạng, góp phần làm thất bại âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Hội sẽ tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa...
Đặc biệt, Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội sẽ tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng; thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) của Đảng với phương châm kết hợp giữa xây và chống, lấy xây là chính, phòng ngừa là cơ bản; thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội:
Hưởng ứng mạnh mẽ các phong trào ích nước, lợi dân
Thực hiện phương châm hoạt động của Giáo hội “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” và với tư cách là một tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội cùng tăng ni, phật tử sẽ tích cực tham gia các phong trào ích nước, lợi dân, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng nếp sống mới trên địa bàn khu dân cư.
Đặc biệt, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ tích cực hơn nữa trong các hoạt động từ thiện xã hội, xóa đói, giảm nghèo, ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa, cứu trợ đồng bào các vùng khó khăn. Tăng ni và phật tử Thủ đô luôn giữ vững lập trường, phát huy truyền thống đoàn kết, hòa hợp, độc lập dân tộc, theo hướng đi lên của thời đại, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.
Linh mục Dương Phú Oanh, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội:
Tập trung xây dựng “Xứ, họ đạo tiên tiến”
Thời gian tới, đồng bào Công giáo Thủ đô sẽ thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các quy định của địa phương. Ủy ban Đoàn kết Công giáo sẽ quan tâm củng cố tổ chức và thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, tranh thủ tập hợp những linh mục, tu sĩ trẻ, giáo dân là trí thức, doanh nhân thành đạt tham gia vào tổ chức Ủy ban Đoàn kết Công giáo để thực hiện tốt nhiệm vụ của Ủy ban với vai trò là thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội.
Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố phát động sẽ được Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội đẩy mạnh và nâng cao chất lượng gắn với phong trào thi đua xây dựng “Xứ, họ đạo tiên tiến” trong đồng bào Công giáo...
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Lê Thị Kim Anh:
Phát huy vai trò hạt nhân đoàn kết, hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế
Là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, với gần 900.000 hội viên, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội luôn bám sát mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, từ đó chủ động hướng dẫn, hỗ trợ hội viên tham gia phát triển kinh tế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. Trong đó, Hội luôn ưu tiên các hoạt động và nguồn vốn hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ đơn thân phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Nhiệm kỳ tới, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố mong muốn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố phát huy hơn nữa vai trò hạt nhân đoàn kết các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội nghề nghiệp... trong việc khai thác các nguồn lực hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tăng cường chủ trì thực hiện công tác phản biện xã hội, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo; đào tạo nghề mới, tạo việc làm mới cho nông dân.
Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt:
Khẳng định vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo
Là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Đoàn Thanh niên đã thể hiện vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên Thủ đô trong tham gia xây dựng và bảo vệ Thủ đô, đất nước.
Thời gian tới, Đoàn Thanh niên thành phố Hà Nội sẽ chủ động lựa chọn, đăng ký phần việc của thanh niên tham gia giải quyết các vấn đề được thành phố và xã hội quan tâm; tiếp tục chủ động phối hợp với các cấp, ngành thành phố chú trọng tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi, làm giàu chính đáng.
Các cấp bộ Đoàn toàn thành phố cũng tiếp tục tập trung, tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, hoài bão, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, lịch sử cho đoàn viên thanh niên bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động để thu hút, giáo dục thanh niên rèn luyện và xây dựng lối sống lành mạnh, có văn hóa, tôn trọng đạo đức, pháp luật; nâng cao tinh thần cảnh giác và tăng cường khả năng “tự đề kháng” trước những âm mưu, thủ đoạn lôi kéo, kích động, lợi dụng thanh niên, nhất là trên không gian mạng…
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Ba Vì Phùng Huy Hiền:
Vận động đồng bào dân tộc phát triển kinh tế
Cùng với các hoạt động khác, thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Ba Vì và hệ thống chính trị cơ sở tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với chăm lo phát triển các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng và thực hiện tốt các chương trình, đề án phát triển kinh tế cho các xã miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Ngoài ra, mặt trận sẽ phối hợp với cấp ủy, chính quyền cùng cấp xây dựng và nhân rộng các điển hình, mô hình trong các lĩnh vực về chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, xây dựng trang trại giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.