Cử tri kiến nghị nhiều nhóm vấn đề về Luật Quản lý thuế

14/05/2019 - 05:22 PM
Ngày 14/5, Đoàn đại biểu (ĐB) Quốc hội TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri chuyên đề “Về thực trạng công tác quản lý thuế trên địa bàn TP Hà Nội và kiến nghị, giải pháp thực hiện Luật Quản lý thuế trong thời gian tới, góp ý vào một số nội dung lớn trong dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi)".
Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết, qua hơn 10 năm thực hiện Luật Quản lý thuế, công tác quản lý thuế, thu thuế đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đảm bảo quản lý chặt chẽ nguồn thu. Kết quả thu nội địa giai đoạn 2009 đến 2018 đạt 1.420.828 tỷ đồng, số thu qua các năm đều tăng và đều vượt mức hoàn thành vượt so với dự toán pháp lệnh (năm 2018 đạt 226.972 tỷ đồng, đạt 104% dự toán). Số lượng DN đang thực hiện khai thuế qua mạng đạt tỷ lệ trên 98%; đã thực hiện đôn đốc thu, cưỡng chế thu 89.386 tỷ đồng nợ thuế, đạt bình quân 89,2% kế hoạch thu nợ được giao.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều nhóm vấn đề đã được các cử tri quan tâm, tập trung thảo luận: Tình hình triển khai các kết quả công tác quản lý thuế trong giai đoạn hiện nay của TP Hà Nội (bức tranh thực trạng của công tác quản lý thuế từ cấp cơ sở đến TP; khó khăn; vướng mắc); nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến Luật Quản lý thuế (sửa đổi), nguyên tắc quản lý thuế, giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế quy định tại Dự thảo điều 8 và quản lý hoạt động thương mại điện tử; vấn đề khoanh nợ, xóa tiền nợ thuế, tiền chậm nộp và tiền phạt quy định tại Dự thảo 1213 thuộc chương 9 quy định về các vấn đề liên quan đến các đại lý thuế; các vấn đề về áp dụng hóa đơn và chứng từ điện tử.
Liên quan đến vấn đề về nguyên tắc hóa đơn điện tử, giao dịch điện tử, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho rằng, dù Hà Nội đã rất cố gắng phân loại các hình thức giao dịch điện tử: Bán hàng, cá nhân cung cấp các thông tin cho google… Tuy nhiên, chưa quản lý được luồng tiền và không nắm chắc được các giao dịch của ngân hàng. Qua đó, cử tri đề nghị làm rõ thêm chức năng nhiệm vụ của đại lý thuế. Có nên bổ sung chức năng kế toán của DN siêu nhỏ cho đại lý thuế vào hay không và tại sao phải bổ sung? Theo quy luật của quản lý thuế, cử tri cũng đề nghị làm rõ trường hợp cơ quan kiểm toán, thanh tra chính phủ trực tiếp thanh tra tại DN (nếu có quyền và chức năng) thì phải chịu trách nhiệm trước kết quả kiểm toán đó đến cuối cùng. Khi DN có khiếu nại thì trực tiếp khiếu nại với cơ quan kiểm toán thanh tra của Nhà nước để xử lý kết quả đó theo đúng quy định. Để xác định các nhiệm vụ về thuế, về kết quả thu nộp thuế, cần làm rõ nguyên nhân để tìm ra kết quả đó là thế nào?”, cử tri nêu ý kiến.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young (EY) Việt Nam Hương Vũ đề nghị Cục Thuế Hà Nội cần duy trì đường dây nóng như hiện nay, đồng thời mong muốn ĐB Quốc hội lưu ý đến vấn đề thỏa thuận giá trước để tránh chuyển giá.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Đống Đa Lê Quang Hùng, tại Chi cục Thuế quận Đống Đa có 1.588/11.381 DN sử dụng hóa đơn điện tử. Việc triển khai các DN sử dụng hóa điện tử đã mang lại lợi ích cho DN. “Tuy nhiên, để các tổ chức, DN, người dân thuận lợi trong quá trình thực hiện, Chi cục thuế kiến nghị cần có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng tốt yêu cầu cải cách, hiện đại hóa”, cử tri Hùng nói.
Góp ý vào quy định dự thảo Luật Quản lý thuế, theo quan điểm của Phó trưởng Phòng an ninh kinh tế (CATP Hà Nội) Đinh Thị Thu Thủy, trong điều kiện DN đã giao dịch điện tử với cơ quan thuế, thực hiện hóa đơn điện tử nên quy định DN tiếp tục gửi “Bảng kê hoá đơn hàng hoá, dịch vụ bán ra, mua vào” khi lập hồ sơ khai thuế thì sẽ không ảnh hưởng chi phí, thời gian của người nộp thuế. DN không phải xuất trình khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra. Như vậy, giảm được thời gian làm việc của các đơn kiểm tra tại trụ sở của DN. Cơ quan quản lý thuế sử dụng được dữ liệu về “Bảng kê hoá đơn hàng hoá, dịch vụ bán ra, mua vào” để phục vụ cho công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra nâng cao hiệu quả chống thất thu thuế.
Ngoài ra, các cử tri cho rằng, cần phải xây dựng một cơ chế phối hợp chặt chẽ, phù hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước: Ngành Công thương, thuế, ngân hàng. Cần phải minh chứng rõ lý do vì sao không khoanh nợ tiền thuế đối với các đối tượng có dấu hiệu trốn thuế hoặc vi phạm pháp luật trong kinh doanh. Không bổ sung việc khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đối với các trường hợp NNT bị thiên tai bất khả kháng.
Đáng chú ý, các cử tri cho rằng, phải xem xét về vai trò của cơ quan kiểm toán Nhà nước trong quản lý thuế. Cần phải phù hợp và ghi rõ trong luật  và theo hướng  cơ quan kiểm toán chỉ nên đưa ra các khuyến nghị.
Đánh giá cao nỗ lực của ngành Thuế nói chung và công tác quản lý thuế trên địa bàn TP Hà Nội trong nhiều năm qua, Đoàn ĐB Quốc hội TP cho rằng, các kết quả đạt được của hệ thống thuế Hà Nội đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nói chung của TP Hà Nội.
Tiếp thu các ý kiến của đại diện các cử tri, Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai nhấn mạnh, đây sẽ là nền tảng cơ bản cung cấp thông tin cho các ĐB Quốc hội cân nhắc, lựa chọn và thảo luận quyết định khi xem xét thông qua Dự án Luật Quản lý thuế tại kỳ họp thứ VII tới đây.
Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP cũng cho rằng, các ĐB đã tập trung vào 8 nhóm vấn đề, đề cập những khó khăn, giải pháp, đề xuất những nội dung cần sửa đổi trong Luật Thuế để luật đi vào cuộc sống.
Qua những ý kiến đóng góp cơ bản của các cử tri, đoàn ĐB Quốc hội TP xin tiếp thu ý kiến, đồng thời sẽ trình Quốc hội để xem xét thông qua nhằm cụ thể hóa và tăng rõ tính minh bạch so với luật hiện nay, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế vừa đảm bảo nguồn thu của ngân sách Nhà nước và từng bước tiếp cận công nghệ quốc tế.
Theo KTĐT
Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020