Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX đã khép lại, một nhiệm kỳ mới 2019-2024 lại bắt đầu, mở ra một chặng đường mới với quyết tâm mới của người Mặt trận. Tinh thần ấy lan toả trong Lời kêu gọi của Đại hội IX MTTQ Việt Nam, kêu gọi nhân dân chung sức chung lòng, đồng tâm hiệp lực, hướng tới một tương lai tươi sáng của dân tộc.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu dự Đại hội IX. Ảnh: Quang Vinh.
Đất nước đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi lớn, nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức, hơn bao giờ hết chỉ có sự đồng lòng, nhất trí của toàn thể nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc mới trở thành sức mạnh để vượt qua những thách thức ấy.
Trong Lời kêu gọi từ Đại hội IX MTTQ Việt Nam, ông Trần Thanh Mẫn- Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã một lần nữa truyền đi thông điệp đoàn kết, để củng cố và phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, của đồng bào trong nước, của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Để thực hiện được sứ mệnh này, ngay trong những ngày diễn ra Đại hội, chúng tôi nhận thấy một nỗi trăn trở trong tâm tư của không ít đại biểu, nhất là những cán bộ Mặt trận trực tiếp ở cơ sở, là làm thế nào để thực hiện được đúng chức năng nhiệm vụ của mình.
Ông Giàng Seo Vần- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai, Uỷ viên UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX đánh giá rất cao công tác chuẩn bị của MTTQ Việt Nam khóa VIII về công tác nhân sự trình Đại hội. Nhìn vào cơ cấu, độ tuổi, trình độ những Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam cho thấy độ trẻ hóa trong đội ngũ cán bộ MTTQ đã được nâng lên.
“Tôi có niềm tin rằng, trong nhiệm kỳ này, với sự đổi mới, đội ngũ cán bộ trẻ hóa trong hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp, đặc biệt khóa IX này, tất cả những nhiệm vụ, chương trình hành động của Đại hội đã được đề ra sẽ được cụ thể hóa, triển khai để đạt kết quả tích cực”- ông Giàng Seo Vần khẳng định.
Để tập hợp được sức mạnh nhân dân, để vận động được nhân dân tham gia các phong trào, các cuộc vận động, để nhân dân tham gia giám sát, phản biện, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, theo ông Giàng Seo Vần, trước hết phải tạo được niềm tin với nhân dân.
Điều này thông qua những nhiệm vụ cụ thể như xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong đó có công tác giám sát, phản biện theo Quyết định 217/QĐ-TW. Theo ông Giàng Seo Vần, trong 5 năm qua, MTTQ đã triển khai nhiệm vụ giám sát, phản biện khá tốt, đã lựa chọn những vấn đề, nội dung quan trọng, được nhân dân quan tâm để tổ chức giám sát.
Tuy nhiên, trong công tác phản biện cần tiếp tục có hướng dẫn, quy định cụ thể. Đặc biệt vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc phản biện cần rõ hơn, mạnh hơn, hiệu quả hơn. Bởi hiện nay công tác phản biện thực hiện trên cơ sở hướng dẫn nên MTTQ các cấp đang có những khó khăn.
“Chẳng hạn, để đánh giá thực chất công tác phản biện, chúng ta phải lấy được ý kiến rộng rãi của nhân dân để tham gia vào các dự thảo chương trình, nghị quyết, đề án trước khi nó được ban hành mới tạo được sự thống nhất. Nhiệm vụ lấy các ý kiến phản biện đó phải được giao cho MTTQ thực hiện”- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai khẳng định.
Ông Giàng Seo Vần cũng chỉ ra rằng, trong thực tế thực hiện triển khai hoạt động phản biện thì không được như mong muốn. Các cơ quan được giao dự thảo các văn bản đó không đề nghị phản biện, bởi vì trong Quyết định 217 có nói, chỉ tổ chức phản biện một số dự thảo khi được yêu cầu, thế nên mới có chuyện nhiều văn bản được ban hành nhưng MTTQ không được mời cho ý kiến phản biện.
“Tôi cho rằng các văn bản liên quan đến lĩnh vực, liên quan đến nhân dân thì nhất định phải có quy định MTTQ phản biện trước khi thông qua HĐND, Quốc hội. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn có quy định, hướng dẫn cụ thể hơn để cụ thể hóa chủ trương này. Nếu làm tốt công tác này sẽ tạo được sự đồng thuận trong nhân dân qua đó nâng cao vai trò, vị thế của Mặt trận”- ông Giàng Seo Vần cho biết.
Có thể nói, thời gian qua MTTQ các cấp đã thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW về giám sát, phản biện, bên cạnh những thuận lợi thì còn nhiều khó khăn. Chẳng hạn với vấn đề giám sát thì hầu hết các tỉnh thành làm khá tốt. Kiên Giang cũng là một trong những địa phương làm tốt vấn đề này. Tuy nhiên, chia sẻ với Đại Đoàn Kết, bà Lê Thị Vệ- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam khoá IX cho rằng, chỉ giám sát thôi thì chưa đủ, quan trọng là hậu giám sát. Thế nhưng khâu này vẫn còn nhiều hạn chế.
“Chúng ta vẫn chủ yếu thực hiện hậu giám sát về mặt giấy tờ. Đó là sau khi giám sát, Mặt trận công bố kết luận của cuộc giám sát đó, đề xuất kiến nghị đến cơ quan chủ quản của đối tượng giám sát, các cơ quan chủ quản cũng tiếp thu, chỉ đạo vấn đề được giám sát. Nhưng cả quá trình tiếp theo chuyển biến ra sao thì Mặt trận chưa theo được. Cho nên, tôi rất kỳ vọng, trong nhiệm kỳ mới này, những người được trao trọng trách mới tới sẽ đủ tâm đủ tầm đeo đuổi đến cùng những vấn đề mà Mặt trận đã và đang thực hiện giám sát, qua đó góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Mặt trận’- bà Lê Thị Vệ khẳng định.
Giám sát, phản biện đang là một hoạt động để nâng cao vai trò, vị thế của Mặt trận, để Mặt trận trở thành người đại diện cho tiếng nói của nhân dân. Nhưng đại diện cho tiếng nói của nhân dân thì không gì tốt hơn là lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân.
Một yêu cầu đặt ra như một nguyên tắc trong hoạt động Mặt trận: Làm sao không để tình trạng người dân muốn nói mà không có ai nghe, chỗ nào người dân cảm thấy chưa được nghe, thì Mặt trận chính là địa chỉ để người dân phản ánh. Lắng nghe nhân dân, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân, giải tỏa nỗi bức xúc của nhân dân chính là để hoàn thiện hơn thể chế, là động lực cho đất nước phát triển.
Để làm được điều này, bà Võ Thị Minh Sinh- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam khoá IX cho rằng, nhiệm kỳ này MTTQ Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về nội dung và phương thức vận động.
Điều bà Võ Thị Minh Sinh đặc biệt quan tâm là công tác đối thoại với nhân dân, đặc biệt là đối thoại từ cơ sở. Bà Sinh cho rằng, trên thực tế, chúng ta có hình thức tiếp xúc với cử tri, có tiếp dân và người đứng đầu cấp ủy chính quyền đối thoại với nhân dân. Tuy nhiên, vấn đề đối thoại với nhân dân cần làm tốt hơn nữa.
Để giảm thiểu đơn thư khiếu kiện, thì cần cung cấp thông tin cho dân về những vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn để nắm được những vấn đề manh nha trong địa phương có thể phát sinh để giải quyết ngay tại chỗ.
“Nếu chúng ta coi việc đối thoại với dân, tiếp dân là hình thức tiếp xúc cử tri nhưng nếu không cẩn thận các vấn đề này sẽ đánh đồng với nhau. Đối thoại nhân dân nếu được làm tốt ngay từ cơ sở sẽ tránh bức xúc, góp phần ổn định chính trị”- bà Võ Thị Sinh chia sẻ.
Việc thực hiện tốt đối thoại với dân cũng là một cách để người dân tin và tìm đến với Mặt trận nhiều hơn. Hiện nay chúng ta nói nhiều đến việc thấu hiểu lòng dân, nhưng nói thì dễ làm không dễ. Cho nên, trong tâm nguyện của những người làm công tác Mặt trận thì từ những yêu cầu đặt ra của mỗi kỳ Đại hội, ở nhiệm kỳ mới, là phải làm việc gì cụ thể để thực hiện trách nhiệm đại diện và bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Quyết tâm này đã được Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khoá IX Trần Thanh Mẫn khẳng định trong lời phát biểu nhận nhiệm vụ, “chúng tôi sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả và kinh nghiệm qua các nhiệm kỳ trước. Chân thành lắng nghe, giữ mối liên hệ, phát huy trí tuệ, trách nhiệm, kinh nghiệm của mỗi người, đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất cao và không ngừng học hỏi, rèn luyện, hành động, xứng đáng là đại biểu tiêu biểu, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội đề ra”.
Cũng theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, ngay sau Đại hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp sẽ triển khai ngay việc phổ biến, tuyên truyền sâu rộng về kết quả Đại hội, quyết tâm thực hiện có kết quả, hiệu quả Nghị quyết Đại hội thông qua các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể và sẽ là hoạt động thường xuyên của MTTQ Việt Nam các cấp trong thời gian tới.
Theo Đại đoàn kết