Hiện nay chi phí đầu tư, quản lý, vận hành, bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa hệ thống thoát nước phần lớn do Nhà nước chi trả các đơn vị cung cấp dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải, mức thu hiện nay được quy định là phí thoát nước theo Quyết định số 34/2014/QĐ-UBND ngày 20/8/2014 của UBND Thành phố về việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn Thành phố, trong đó phí thoát nước là 10% theo giá nước sạch qua hệ thống cấp nước sạch của Thành phố. Do mức thu phí thấp nên hầu như toàn bộ chi phí cho công tác quản lý, duy tu, bảo trì, vận hành cũng như đầu tư mới, cải tạo hệ thống phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách, hạn chế hiệu quả công tác vận hành, duy trì hệ thống thoát nước và không thu hút được các nguồn vốn xã hội hoá đầu tư vào lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải đô thị. Ngày 06/8/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2014/NĐ-CP thay thế Nghị định số 88/2007/NĐ-CP, trong đó đã quy định chuyển phí thoát nước thành Giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải (gọi tắt là giá dịch vụ thoát nước) để thực hiện các nhiệm vụ thoát nước và xử lý nước thải, từng bước hướng tới mục tiêu thu sẽ phải đủ bù chi, giảm áp lực cho ngân sách; tăng ý thức người dân thông qua việc đóng góp và duy trì công trình thoát nước. Do vậy, cần xác định giá dịch vụ thoát nước phù hợp với hệ thống thu gom và các nhà máy xử lý nước thải cũng như đảm bảo nguyên tắc các chi phí sản xuất được tính đúng, tính đủ cho một mét khối nước thải (1m3) để thực hiện các nhiệm vụ thoát nước và xử lý nước thải tại khu vực được cung cấp dịch vụ theo đặc thù của Thành phố, đồng thời huy động nguồn lực từ cộng đồng để đầu tư, quản lý, vận hành hệ thống thoát nước là phù hợp với Nghị định số 80/2014/NĐ-CP và quy luật xã hội.
Đ/c Đàm Văn Huân – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội phát biểu kết luận Hội nghị
Tuy nhiên với thực tế hiện nay, hệ thống thoát nước của Hà Nội còn rất nhiều hạn chế, vẫn ngập úng khi mưa bão, tỷ lệ nước thải sinh hoạt chưa được xử lý vẫn còn cao; hệ thống sông, hồ, kênh rạch trong nội thành vẫn bị ô nhiễm. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở Xây dựng đã phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng Đề án giá dịch vụ thoát nước sinh hoạt và đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố phản biện.
Căn cứ Luật MTTQ Việt Nam năm 2015; Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14 – CP – ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 15/6/2017 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Chính Phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam; Quy chế phối hợp tổ chức phản biện xã hội số 03/QCPH – HĐND – UBND - UBMTTQVN ngày 31/1/2015 giữa HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, sáng ngày 24/12/2019, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án giá dịch vụ thoát nước sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội.
Dự hội nghị có các đồng chí: Đàm Văn Huân – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành, có liên quan; thành viên các Hội đồng tư vấn Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, các nhà khoa học, chuyên gia và quản lý trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải và đại diện UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Thành phố trình bày và giải trình về một số nội dung cơ bản trong dự thảo Đề án và 12 ý kiến phát biểu thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu dự hội nghị, đồng thời nghe giải trình về một số nội dung của dự thảo Đề án Giá dịch vụ thoát nước sinh hoạt trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Ông Phạm Ngọc Thảo – Chủ nhiệm HĐTV Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố phát biểu ý kiến phản biện đối với dự thảo Đề án
Các đại biểu đều nhất trí việc chuyển từ phí dịch vụ sang giá dịch vụ thoát nước theo quy định tại Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải là hết sức cần thiết. Mức giá đề xuất như trong dự thảo mang tính khả thi do ít ảnh hưởng đến thu nhập và khả năng thanh toán của người dân, giúp người dân và các đối tượng xả thải dần quen và hiểu biết về trách nhiệm phải chi trả giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải. Mặt khác do hệ thống thoát nước tại Hà Nội chưa hoàn thiện, đồng bộ, một số nơi vẫn ngập úng khi mưa bão; Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý chưa cao (khoảng 20% nước thải sinh hoạt), hệ thống mương sông trong nội thành vẫn còn bị ô nhiễm, chất lượng hoạt động thoát nước và xử lý nước thải vẫn còn hạn chế. Do vậy, mức giá đề xuất cơ bản phù hợp với thực tế hiện trạng công tác thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn Thành phố.
Tuy nhiên, các đại biểu còn băn khoăn: Mức thu đề xuất này mới đảm bảo chi phí vận hành duy tu, duy trì hệ thống thoát nước, chưa thể thu hồi được chi phí đầu tư hệ thống thu gom và hệ thống xử lý nước thải hàng năm, do vậy chưa có tích lũy nguồn lực để tái đầu tư, cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước. Lộ trình thu cần cân nhắc kỹ, mức giá tăng theo lộ trình cần nghiên cứu kỹ hơn để phù hợp với đời sống của đại đa số người sử dụng. Đối với những địa phương chưa có trạm xử lý nước thải thì việc triển khai thu giá dịch vụ cũng cần cân nhắc để sau khi có hệ thống thu gom, xử lý ô nhiễm môi trường từ nước thải thì bắt đầu thu.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đàm Văn Huân – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP cho rằng: Chủ trương ban hành quy định về giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải là hoàn toàn cần thiết để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nhận được sự đồng thuận của nhân dân; dự thảo Đề án đã đảm bảo đầy đủ các cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học và thực tiễn. Đồng chí đề nghị TP cần sớm ban hành quy định này, tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu chủ trương và sự cần thiết ban hành quy định này, đồng thời đề nghị HĐND TP và các cơ quan hữu quan phối hợp với MTTQ giám sát việc triển khai thực hiện quy định này.
Từ Ngọc Lâm