3.518 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội

22/05/2019 - 09:15 AM
Sáng 20/5, tại Hà Nội, thay mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã trình bày trước Quốc hội các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân cả nước gửi tới kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIV. Ban Biên tập trân trọng đăng toàn văn báo cáo quan trọng này.
BÁO CÁO
Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân
(Tại kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIV)
Từ sau kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.518 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước thông qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên. Thay mặt Đoàn Chủ tịch, tôi xin trình bày trước Quốc hội các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân cả nước gửi tới kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIV như sau:
I. VỀ TÂM TƯ, NGUYỆN VỌNG CHUNG CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN
Cử tri, Nhân dân vui mừng, phấn khởi trước những kết quả toàn diện về kinh tế xã hội của đất nước năm 2018 và những tháng đầu năm 2019. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây; tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ người thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần; an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, việc chăm lo Tết Nguyên đán cho Nhân dân được các cấp, các ngành quan tâm; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện; quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Cử tri, Nhân dân đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát chuyên đề, giám sát các bộ, ngành, địa phương về thực hiện ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân. Chính phủ quyết liệt chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, giải quyết những vấn đề Nhân dân quan tâm, bức xúc. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, cắt giảm thủ tục hành chính. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và Nhân dân nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh đó, cử tri, Nhân dân còn lo lắng về một số vấn đề như: an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường chậm được cải thiện; xuất hiện một số hành vi thiếu chuẩn mực về đạo đức, lối sống trong xã hội; một số vụ án giết người nghiêm trọng gây hoang mang trong Nhân dân; tình hình mua bán, vận chuyển ma túy rất phức tạp; xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, cháy, nổ nghiêm trọng; việc điều chỉnh giá điện, giá xăng trong thời gian qua đã có ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh; Đến hôm nay giá xăng có giảm; tình hình khiếu nại, tố cáo còn bức xúc ở một số địa phương…
II. NHỮNG Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN
1. Về kinh tế - xã hội
Cử tri, Nhân dân phấn khởi về những kết quả của ngành nông nghiệp trong chuyển đổi cơ cấu ngành, nông nghiệp công nghệ cao được phát triển, chất lượng một số mặt hàng nông sản được nâng cao, thị trường xuất khẩu chính ngạch mở rộng. Tuy nhiên, thị trường “đầu ra” một số nông sản còn gặp nhiều khó khăn; đầu tư cho nông nghiệp còn thấp; ứng dụng khoa học kỹ thuật còn chậm; dịch tả lợn Châu Phi diễn biến rất phức tạp. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành có liên quan và địa phương chủ động trong dự báo, thông tin thị trường, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng thương hiệu nông sản, tiếp tục thực hiện các giải pháp có tính đột phá cơ cấu lại ngành nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất; trước mắt cần tập trung quyết liệt phòng chống dịch tả lợn Châu Phi.
Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, tích cực tuyên truyền người dân “nói không với thực phẩm bẩn”. Tuy nhiên, cử tri, Nhân dân rất bức xúc việc một số cơ sở, doanh nghiệp, trường học bất chấp quy định của pháp luật, cố tình sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm không an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, nhất là trẻ em; nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, kém chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, các bộ, ngành chức năng và địa phương tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, giám sát chặt chẽ an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Việc tổ chức lễ hội truyền thống có tiến bộ, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của Nhân dân. Đặc biệt, đại lễ Vesak năm 2019 vừa qua đã tổ chức thành công lớn được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, việc niêm yết giá dịch vụ tại nhiều lễ hội chưa được kiểm soát; việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng như “dâng sao giải hạn”, “thỉnh vong” để trục lợi ở một số nơi gây bức xúc trong Nhân dân; tổ chức lễ hội, việc cưới, việc tang ở một số nơi còn lãng phí. Đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành chức năng và địa phương tăng cường quản lý, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức của người dân đối với các hoạt động này, thực hiện tốt nếp sống văn hoá, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.
Công tác quản lý mạng xã hội chưa chặt chẽ, xuất hiện ngày càng nhiều đối tượng phát tán các hình ảnh, bài viết phản cảm, bạo lực, bịa đặt, làm ảnh hưởng xấu tới lối sống thanh, thiếu niên và trật tự an toàn xã hội. Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan tăng cường quản lý an ninh mạng, đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng để người dân sử dụng thông tin mạng theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội.
Cử tri, Nhân dân ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục trong thời gian qua. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm chấn chỉnh, nâng cao đạo đức, tác phong và phương pháp làm việc cho đội ngũ những người làm công tác giáo dục, giảm áp lực cho giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, một số quy định của ngành giáo dục và chính quyền địa phương vẫn còn bất cập, việc “chạy theo thành tích” vẫn tồn tại; các vụ “bạo lực học đường” liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi; sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ quản lý, lãnh đạo nhà trường và thiếu quyết liệt trong xử lý các vi phạm của cơ quan chức năng gây bức xúc trong Nhân dân. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có giải pháp hữu hiệu khắc phục các yếu kém đó; các ngành, các cấp, các địa phương và toàn xã hội cùng chung tay với ngành giáo dục, góp phần tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Cử tri, Nhân dân quan tâm, theo dõi ghi nhận việc Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan chức năng đã kiên quyết điều tra, xử lý các vụ gian lận điểm thi ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La. Đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, nhất là những cán bộ, công chức là lãnh đạo, quản lý để lấy lại niềm tin của Nhân dân. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát những hạn chế và khắc phục kịp thời những “lỗ hổng” trong quy chế thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, chủ động ngăn chặn gian lận trong kỳ thi Phổ thông trung học quốc gia năm 2019 và những năm tiếp theo.
2. Về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
Cử tri, Nhân dân ghi nhận việc Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận tiến hành nhiều hoạt động thiết thực để vận động toàn dân cùng chung tay bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng xả rác thải sinh hoạt, nước thải, chất thải công nghiệp chưa qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; phế thải nhựa tràn lan nhiều nơi; tình trạng nhập khẩu phế liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; một số nơi, việc bố trí, xây dựng các nhà máy xử lý rác thải chưa phù hợp; chỉ số ô nhiễm không khí nhiều thời điểm tại một số thành phố lớn ở mức nguy hại đến sức khỏe con người. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan chức năng, các địa phương tăng cường theo dõi, thanh tra, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức vi phạm; hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về chung tay hành động vì một Việt Nam có môi trường sống trong lành, an toàn và phát triển bền vững, giải quyết ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra.
Cử tri, Nhân dân tiếp tục phản ánh và bức xúc về tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, không phép vẫn xảy ra ở một số nơi nhưng chưa được xử lý nghiêm. Đoàn Chủ tịch đã nhiều lần kiến nghị trước Quốc hội về tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương nhưng các vi phạm vẫn tiếp diễn một cách công khai ở một số địa phương. Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo và có biện pháp triệt để chấm dứt tình trạng trên, làm rõ và xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, tổ chức, cá nhân bao che, tiếp tay cho vi phạm. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, thực hiện các giải pháp phát triển vật liệu thay thế, giảm phụ thuộc vào khai thác các vật liệu từ tự nhiên.
3. Về an ninh trật tự, an toàn xã hội
Trong thời gian qua, lực lượng Công an đã đẩy mạnh phòng, chống tội phạm, triển khai nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, cử tri, Nhân dân lo ngại về tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, tính chất tội phạm ngày càng nguy hiểm, manh động; số vụ bạo lực gia tăng; liên tiếp xảy ra các vụ án giết người, các vụ xâm hại tình dục, dâm ô với trẻ em; nhiều vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy với quy mô, số lượng rất lớn; quản lý đối tượng nghiện ma túy chưa chặt chẽ; hoạt động “tín dụng đen”, đánh bạc qua mạng ngày càng tinh vi. Đề nghị Bộ Công an, các ngành chức năng, địa phương có các biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết hơn nữa trong đấu tranh, trấn áp tội phạm.
Thời gian qua, tai nạn giao thông trên toàn quốc đã giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, cử tri, Nhân dân vẫn hết sức lo lắng trước việc liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm chết nhiều người, tình trạng nhiều lái xe sử dụng rượu, bia, ma túy dẫn đến mất kiểm soát hành vi, gây tai nạn nghiêm trọng; việc tổ chức thi và cấp giấy phép lái xe còn lỏng lẻo. Đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, các bộ, ngành có liên quan và địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đúng quy định khi tham gia giao thông; tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; chấn chỉnh việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; đề xuất sửa đổi, bổ sung những bất cập trong quy định xử lý vi phạm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức điều hành giao thông.
4. Về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Cử tri, Nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao việc Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo tổng rà soát công tác cán bộ từ Trung ương đến địa phương, phát hiện và xử lý nghiêm nhiều trường hợp sai phạm. Công tác cán bộ và quản lý cán bộ, công chức có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, cử tri, Nhân dân lo ngại về tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, tiêu cực trong tuyển dụng, chuyển ngạch công chức, viên chức. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ, các cơ quan chức năng và địa phương thường xuyên rà soát, tăng cường công khai, minh bạch trong tuyển dụng, thi tuyển và thi chuyển ngạch đối với công chức, viên chức; kịp thời sửa đổi các quy định chưa hợp lý; phân cấp, phân quyền trong tuyển dụng, bổ nhiệm, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Cử tri, Nhân dân hoan nghênh và ủng hộ Đảng, Nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; xử lý, kỷ luật nghiêm minh những cán bộ lãnh đạo có vi phạm, kể cả đương chức hay nghỉ hưu, thực hiện “không có vùng cấm” trong đấu tranh chống tham nhũng. Tuy nhiên, công tác phát hiện, xác minh, điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án còn chậm; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp; tình trạng “nhũng nhiễu”, “tham nhũng vặt” của một bộ phận công chức, viên chức chưa được khắc phục. Cử tri, Nhân dân đề nghị Đảng, Nhà nước, các ngành chức năng tiếp tục có những giải pháp quyết liệt, mạnh tay hơn nữa trong đấu tranh chống tham nhũng, xử lý kịp thời, nghiêm khắc những vụ tham nhũng lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.
5. Một số vấn đề khác
Cùng với những vấn đề nêu trên, cử tri, Nhân dân còn phản ánh về nhiều vấn đề như: quản lý đất đai, tài sản công chưa chặt chẽ gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước; việc tổ chức thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia thiếu tính đồng bộ; chậm tiến độ trong đầu tư công; một số dự án “treo” gây lãng phí; chưa có giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng sạt, lở bờ sông, bờ biển đang diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi; chất lượng khám chữa bệnh ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; việc thực hiện sáp nhập các trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở ở một số nơi chưa hợp lý, ảnh hưởng đến việc đi lại của học sinh; quản lý thực hiện quy hoạch đô thị còn nhiều hạn chế; một số nơi việc giải quyết tồn đọng hồ sơ người có công với cách mạng còn chậm, một số đối tượng lợi dụng chính sách người có công, người bị nhiễm chất độc da cam để “trục lợi”; việc chủ động thông tin những vấn đề người dân quan tâm và công tác tiếp công dân, đối thoại của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương với người dân ở một số nơi chưa được quan tâm thực sự.
III. KIẾN NGHỊ CỦA ĐOÀN CHỦ TỊCH ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
Tại kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch đã phản ánh 15 vấn đề thuộc một số lĩnh vực mà cử tri, Nhân dân quan tâm và đã có 6 kiến nghị gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan, chính quyền các cấp. Đoàn Chủ tịch ghi nhận việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương đã rút kinh nghiệm, thực hiện các giải pháp khắc phục những vướng mắc, hạn chế thuộc lĩnh vực quản lý của mình. Tuy nhiên, còn một số nội dung cử tri, Nhân dân và Đoàn Chủ tịch đã kiến nghị tại nhiều kỳ họp Quốc hội nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Đề nghị các bộ, ngành, chính quyền địa phương khẩn trương giải quyết những kiến nghị này.
Tại kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch kiến nghị 5 vấn đề sau:
Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, phát triển hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn, vùng kinh tế trọng điểm; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khơi dậy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, hợp tác xã kiểu mới trở thành những động lực quan trọng của nền kinh tế.
Thứ hai, đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền các địa phương đề ra giải pháp tối ưu trong phân loại, xử lý rác thải, khuyến khích xã hội hóa việc xử lý rác thải; tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong bảo vệ môi trường; quan tâm đầu tư cho ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu. 
Thứ ba, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, các bộ, ngành chức năng, chính quyền các địa phương tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân, có các giải pháp kiên quyết, kịp thời đấu tranh trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm liên quan đến ma túy, vi phạm trật tự an toàn giao thông, an ninh mạng, tội phạm công nghệ cao, băng nhóm “xã hội đen”. Đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng khẩn trương xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm pháp luật đã và đang gây bức xúc trong xã hội. Đề nghị Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là trật tự an toàn giao thông và phòng, chống ma túy, tội phạm.   
Thứ tư, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan khẩn trương xây dựng và ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện các luật, pháp lệnh mới có hiệu lực thi hành; các cơ quan tư pháp có văn bản hướng dẫn và thống nhất áp dụng pháp luật về một số hành vi, tội phạm liên quan đến ma túy, dâm ô với trẻ em, vi phạm trật tự an toàn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về sử dụng mạng xã hội để xử lý kịp thời, nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng ngừa tội phạm.
Thứ năm, đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc sắp xếp bộ máy đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế về quản lý, giám sát cán bộ; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 
Trên đây là ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân cả nước và các kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi đến kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIV. Trân trọng đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết và thông báo cho Đoàn Chủ tịch, cử tri và Nhân dân cả nước biết để giám sát theo quy định của Hiến pháp và pháp luật./.
CHỦ TỊCH
ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MTTQ VIỆT NAM
                        
Trần Thanh Mẫn
Các tin tức khác

Về thuật ngữ “đoàn kết”

04/11/2022 - 11.005 lượt xem
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020