Chiến tranh biên giới phía Bắc đã đi qua 40 năm nhưng vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam (lúc bấy giờ là Vụ trưởng Vụ Phong trào, UBTƯ MTTQ Việt Nam) về vai trò của Mặt trận trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc.
Ông Nguyễn Túc
Động viên hàng triệu thanh niên sẵn sàng ra mặt trận
Nhớ lại những ngày đầu cuộc chiến, ông Túc cho biết, khi đó thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, Mặt trận Trung ương cùng MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã động viên toàn dân tích cực cùng các lực lượng vũ trang nhân dân tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc. Đó là thời điểm Trung ương Đảng ra lời kêu gọi Tổng động viên. Hưởng ứng lời kêu gọi, Mặt trận các cấp đã động viên đồng bào cả nước từ thành thị đến nông thôn, từ miền ngược đến miền xuôi, từ Bắc đến Nam, các tầng lớp nhân dân cũng như các dân tộc, tôn giáo tạo nên một phong trào mạnh mẽ, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến.
Bên cạnh đó, Mặt trận cùng với Hội Nhà văn, Hội Nhà báo, Hội Nhạc sĩ, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã động viên hàng trăm nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, nhà báo đi thực tế ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Ở nhiều nơi, Mặt trận và các đoàn thể các cấp huyện và xã đã có những hoạt động tích cực để giúp đỡ bộ đội, dân quân chiến đấu như: Chăm sóc thương binh, vận chuyển súng đạn, tiếp tế lương thực, tổ chức cho các cụ già, trẻ em đi sơ tán.
Theo ông Túc, ở nhiều địa phương, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đã thành lập Đội “Bạch đầu quân”, Hội “Mẹ chiến sĩ”; Tổ chức hội nghị “Đoàn kết quân dân”; hội nghị “Diên hồng bàn việc nước” để động viên khí thế chiến đấu. Công tác vận động nhân dân xây dựng đội tự vệ, dân quân du kích, xây dựng phòng tuyến chiến đấu đã được Mặt trận các tỉnh biên giới đặc biệt quan tâm. Nhiều làng xã chiến đấu, những Đội “Giữ gìn trật tự an ninh” đã được Mặt trận cùng với chính quyền các cấp tổ chức hầu như trên khắp các địa bàn của 6 tỉnh biên giới.
Công tác hậu phương ở tuyến sau nổi bật nhất là, Mặt trận các cấp tại 6 tỉnh đã tổ chức đón tiếp, giúp đỡ đồng bào vùng chiến sự đi sơ tán, vận động nhân dân ở các vùng biên giới, đóng góp lương thực thực phẩm ủng hộ cho tiền tuyến, động viên phong trào lao động sản xuất đảm bảo thực hiện phương châm tại chỗ. Đáng chú ý là phong trào “Vì tuyến đầu Tổ quốc” của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Trị Thiên (nay là ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên) phát động đã được các tỉnh thành khác trên cả nước hưởng ứng hết sức nhiệt tình.
Riêng Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh đã thành lập Ban “Vì tuyến đầu Tổ quốc” do Phó Chủ tịch MTTQ TP Hồ Chí Minh Uông Ngọc Ky trực tiếp chỉ đạo, đi 6 tỉnh biên giới phía Bắc để nắm tình hình đời sống của người dân tại các tỉnh đó rồi về đặt vấn đề với Thành ủy và MTTQ TP Hồ Chí Minh để cung cấp các vật lực cho tiền tuyến. Có thể nói điểm nổi bật nhất trong cuộc vận động “Vì tuyến đầu Tổ quốc” được duy trì có chiều sâu, tác động tốt đến các phong trào sản xuất, tiết kiệm, xây dựng hậu phương vững mạnh.
Ảnh tư liệu. TTXVN.
Kêu gọi kiều bào giúp sức cho Tổ quốc
“Trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, Mặt trận đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ những điển hình tiên tiến trong phong trào “Bảo vệ Tổ quốc”, gặp gỡ những già làng, trưởng bản có công trong việc động viên nhân dân bảo vệ Tổ quốc, gặp gỡ cán bộ chiến sĩ có nhiều thành tích trong chiến đấu, tổ chức gặp gỡ những gia đình đã có đóng góp lớn trong phong trào giúp đồng bào các tỉnh biên giới di cư ổn định cuộc sống và tạo điều kiện vật chất để những gia đình đó được ổn định trong thời gian chiến tranh. Nhớ lại thời đó thấy rằng hoạt động của MTTQ Việt Nam rất sôi động”-ông Túc nói trong niềm tự hào.
Song điều được ông Túc nhớ mãi chính là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc đã tạo nên một sức mạnh to lớn. Đó là thực hiện lệnh tổng động viên, UBTƯ MTTQ Việt Nam có ra lời kêu gọi toàn dân không chỉ trong nước mà kiều bào ta ở nước ngoài và lời kêu gọi của Mặt trận đã được hưởng ứng tích cực bằng việc nhiều lớp thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ, kiều bào ở nước ngoài gửi rất nhiều tiền bạc, vật chất cần thiết cho cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở phía Bắc. Đặc biệt, các tôn giáo như phật giáo, thiên chúa giáo có những quyên góp để góp sức bảo vệ cho đồng bào các tỉnh biên giới đảm bảo cuộc sống, góp phần làm cho cuộc sống của cán bộ chiến sĩ bớt phần thiếu thốn.
Ông Túc kể: “Tôi còn nhớ, rất nhiều tổ chức đã đóng góp tiền để mua xe cứu thương, mua thuốc chữa bệnh cho các thương bệnh binh ở trên tuyến đầu vì thời đó thuốc và các phương tiện rất khó khăn chứ không như bây giờ. Cuộc vận động của Mặt trận được nhân dân hưởng ứng đã góp phần rất quan trọng về vật chất để đáp ứng yêu cầu của tiền tuyến trong hoàn cảnh đó”.
“Tại Đại hội II của MTTQ Việt Nam diễn ra vào tháng 5-1983, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã nhận định: 8 năm sau khi giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc, nhìn lại chặng đường vừa qua, nhìn lại giai đoạn lịch sử cuộc cách mạng tháng Tám, nhìn lại toàn bộ lịch sử dân tộc chúng ta, không lúc nào Tổ quốc Việt Nam ta, dân tộc ta vững vàng và mạnh mẽ như ngày hôm nay. Sức mạnh đó bắt nguồn từ khối đại đoàn kết toàn dân, vũ trang và những tư tưởng lớn của Đảng, tư tưởng “Bách chiến bách thắng” của Chủ nghĩa Mác- Lê Nin thời gian qua được thể hiện rõ nét cụ thể, nhất là cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Thời gian càng trôi qua thì càng làm sáng tỏ ý nghĩa sâu sắc của chiến công đánh thắng chiến tranh ở biên giới phía Bắc và ở phía Tây Nam nước ta. Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự động viên cổ vũ của MTTQ đã bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế, góp phần vào sự nghiệp giải phóng của nhân dân Campuchia…” - ông Túc nói về những vai trò vị trí, những đóng góp của Mặt trận tại thời điểm đó đã được Đảng, Nhà nước, và nhân dân ghi nhận.
H.Vũ (ghi)