Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 7 của Quốc hội tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9.5, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã chỉ ra hàng loạt những vấn đề bức xúc trong nhiều lĩnh vực khác nhau thông qua gần 2.000 ý kiến của cử tri được tổng hợp.
Cụ thể, ông Mẫn cho biết, thời gian qua, các bộ, ngành và địa phương đã tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm, tích cực tuyên truyền người dân “nói không với thực phẩm bẩn”.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân rất lo lắng, bức xúc về một số cơ sở, doanh nghiệp, trường học bất chấp các quy định của pháp luật, cố tình sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm không an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, nhất là trẻ em.
"Nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất và quyền lợi người tiêu dùng", ông Mẫn nói.
Bên cạnh đó, ý kiến cử tri còn cho rằng, việc tổ chức các lễ hội truyền thống có nhiều tiến bộ, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân. "Tuy nhiên, việc niêm yết giá các dịch vụ vẫn chưa được kiểm soát; việc lợi dụng, thương mại hóa hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như “dâng sao giải hạn”, “thỉnh vong” gây bức xúc trong nhân dân", ông Mẫn nhấn mạnh.
Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dẫn chứng vụ việc chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh lợi dụng niềm tin của người dân thực hiện “lễ thỉnh vong oan gia trái chủ” nhằm mục đích thu lợi cá nhân, gây bức xúc trong nhân và đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ việc tổ chức lễ hội, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức của người dân đối với các hoạt động này.
Bên cạnh đó, theo ông Mẫn, việc quản lý các trang mạng xã hội chưa chặt chẽ, xuất hiện ngày càng nhiều đối tượng phát tán các clip, hình ảnh tuyên truyền lối sống, hành vi phản cảm, bạo lực trên mạng xã hội, làm ảnh hưởng xấu tới đạo đức thanh thiếu niên và trật tự an toàn xã hội.
Theo ông Mẫn, một số vụ việc như: vụ “Khá BảnH”, vụ Phúc “XO”... phát tán nhiều clip và hình ảnh có tính chất “giang hồ” trên mạng xã hội với mục đích “đánh bóng tên tuổi” nhằm “trục lợi” đã ảnh hưởng xấu tới đạo đức thế hệ trẻ và trật tự an toàn xã hội.
Liên quan tới vấn đề này, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển cho rằng, qua báo cáo thực hành tiết kiệm chống lãng phí của Chính phủ cho thấy, hiện nay các hình thức ma chay, cưới xin, lễ hội ở các địa phương khá rề rà, gây lãng phí.
"Có tình trạng tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng 2 lễ hội, tháng 3 rượu chè. Một năm 4 quý mà quý 1 ăn chơi nhảy múa thì rất gay", ông Hiển nói và chỉ rõ, hiện có tình trạng cấp xã, cấp huyện ngày một to với cờ quạt, trống chiêng gây lãng phí thời gian, tiền bạc của xã hội.
Cử tri cho rằng có tổ chức, cá nhân bảo kê cho cát tặc
Phản ánh ý kiến cử tri về lĩnh vực giáo dục, ông Mẫn cho biết, cử tri đề nghị các cơ quan chức năng sớm xử lý nghiêm và công khai các đối tượng có liên quan đến vi phạm, nhất là đối với những cán bộ, công chức là lãnh đạo, quản lý, gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; thống nhất cách xử lý đối với các thí sinh gian lận điểm thi, bảo đảm công bằng xã hội.
Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo tiếp tục rà soát, khắc phục triệt để những hạn chế trong tổ chức thi của các năm trước, trước hết là những “lỗ hổng” trong quy chế thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, ngăn chặn kịp thời gian lận trong thi cử của năm học 2019 - 2020.
Cử tri và nhân dân bức xúc trước tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, không phép vẫn xảy ra ở một số nơi mà không bị xử lý nghiêm, mặc dù Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quyết liệt chỉ đạo.
"Cử tri và nhân dân cho rằng, phải có sự bao che, “bảo kê” của những tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để cho tình trạng tiếp tục tiếp diễn", ông Mẫn cho hay và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương kiên quyết rà soát, điều tra nghi vấn “lợi ích nhóm”, làm rõ và xử lý nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền, cơ quan chức năng ở các địa phương còn để xảy ra vi phạm như kiến nghị của Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại nhiều kỳ họp Quốc hội.
Ông Mẫn cũng cho biết, cử tri và nhân dân vẫn rất lo ngại về tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, tính chất tội phạm ngày càng nguy hiểm, manh động; số vụ bạo lực gia tăng; liên tiếp xảy ra các vụ án giết nhiều người, các vụ xâm hại tình dục, dâm ô với trẻ em; nhiều vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy với quy mô, số lượng rất lớn; hoạt động “tín dụng đen”, đánh bạc qua mạng ngày càng tinh vi, có dấu hiệu bao che, “tiếp tay” của những cán bộ, công chức có trách nhiệm.
"Đề nghị Bộ Công an, các ngành chức năng và các địa phương có các biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết đấu tranh, trấn áp tội phạm, nhất là các tội phạm về ma túy, đối tượng côn đồ, “xã hội đen”, làm rõ trách nhiệm của những cán bộ, công chức chưa quyết liệt trong xử lý vi phạm, nhất là những trường hợp bao che, tiếp tay cho tội phạm", ông Mẫn nhấn mạnh.