Sáng 18-10, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chủ trì buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; lãnh đạo Tòa án nhân dân thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố chuẩn bị cho kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV.
Tham dự cuộc làm việc có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu.
Cùng dự hội nghị còn có Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai, lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố.
Kinh tế, xã hội 9 tháng tăng trưởng ở mức cao
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV khai mạc ngày 21-10 có ý nghĩa quan trọng. Kỳ họp diễn ra trong 27 ngày, xem xét thông qua 12 luật, 24 nghị quyết, trong đó có một nghị quyết liên quan đến thành phố Hà Nội và cho ý kiến về 9 luật khác. Qua buổi làm việc, các đại biểu trong Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố mong muốn nắm bắt được tình hình thực tế cũng như tâm tư, nguyện vọng của cử tri, kiến nghị của các cơ quan thành phố để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ họp.
Tiếp theo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu đã báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng 9 tháng, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2019 và một số đề xuất, kiến nghị với Quốc hội.
Kết quả nổi bật trong 9 tháng qua là, kinh tế vĩ mô thành phố tiếp tục ổn định, tăng trưởng đạt cao hơn cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, GRDP tăng 7,35% (cùng kỳ năm 2018 tăng 7,01%); xuất khẩu tiếp tục duy trì tăng ở mức cao (tăng 20,4%); thu ngân sách được bảo đảm (186.589 tỷ đồng, đạt 70,9% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2018); thu hút đầu tư nước ngoài đạt 6,23 tỷ USD, dẫn đầu cả nước...
Liên quan đến Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, UBND thành phố cho biết, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9-2019 diễn ra ngày 2-10, Chính phủ đã họp và thông qua Dự thảo “Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại các quận, thị xã của thành phố Hà Nội”.
Thời gian tới, thành phố tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội thông qua nghị quyết trên; phối hợp với các bộ, ngành trung ương rà soát, hoàn thiện Dự thảo “Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội”.
UBND thành phố cũng nêu rõ về tình hình tổng kết 3 năm lần 2 về thi hành Luật Thủ đô với 4 nhóm kiến nghị, đề xuất. Trong đó, thành phố kiến nghị Quốc hội cho chủ trương về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Thủ đô cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đồng bộ và thống nhất với các luật chuyên ngành, bảo đảm tính khả thi của các cơ chế đặc thù trong việc xây dựng, phát triển Thủ đô.
Ngoài ra, UBND thành phố cũng nêu một số ý kiến, kiến nghị đối với các vấn đề lớn của Bộ luật Lao động, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Chính quyền địa phương về phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Trao đổi với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương nêu 5 nhóm ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; 8 kiến nghị của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội.
Đáng chú ý, cử tri và nhân dân Hà Nội kiến nghị Quốc hội tăng số lượng đại biểu chuyên trách, nâng cao chất lượng thẩm tra các dự án luật; đẩy mạnh chất vấn và giám sát việc thực hiện sau chất vấn; tiếp tục giám sát công tác giải ngân, nợ đọng thuế, giám sát đối với lĩnh vực xây dựng quy hoạch đô thị, dự án treo...
Về vấn đề kinh tế - xã hội, cử tri kiến nghị Quốc hội, thành phố Hà Nội kiểm tra tiến độ thực hiện dự án Công viên Kim Quy; làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; di dời cơ sở sản xuất, kho chứa hóa chất, các nhà máy ô nhiễm môi trường hiện đang nằm trong khu dân cư; đẩy nhanh tiến độ cấp nước sạch cho 100% quận, huyện, thị xã.
Thực hiện nghiêm quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt
Sau khi nghe đại diện Tòa án nhân dân thành phố và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố cung cấp thông tin kết quả hoạt động của ngành, các đại biểu Quốc hội đã nêu một số vấn đề đang được cử tri và nhân dân quan tâm, đề nghị thành phố làm rõ.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã trả lời cụ thể từng ý kiến, trong đó có các vấn đề đang được dư luận quan tâm như ô nhiễm không khí, vấn đề nước sạch sông Đà, ùn tắc giao thông...
Đáng chú ý, về ý kiến cho rằng Hà Nội xây dựng nhiều nhà cao tầng trong khu vực nội đô nên gây ùn tắc giao thông, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, những năm vừa qua, thành phố Hà Nội thực hiện nghiêm quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhất là về mật độ, chiều cao, dân số, các khu đô thị, các nhà riêng lẻ. Không chỉ tuân thủ quy hoạch, việc xây dựng các khu đô thị, nhà cao tầng trong nội đô cũng thực hiện Kế hoạch phát triển nhà ở của Chính phủ.
Chưa kể, phát triển đô thị và nhà cao tầng là xu hướng tất yếu của đô thị trên thế giới. Điều này càng cần thiết với Hà Nội khi dân số thành phố đến tháng 4-2019 đã là trên 8,05 triệu người và dân số cơ học của thành phố tăng khoảng 150.000 người/năm.
Đối với vấn đề ô nhiễm môi trường, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, thời gian qua, thành phố đã quyết liệt xử lý. Đó là thực hiện Chương trình trồng 1 triệu cây xanh - giải pháp không chỉ trước mắt mà tính đến lâu dài; cơ giới hóa phương tiện vệ sinh môi trường...
Tuy nhiên, đây là vấn đề đòi hỏi nguồn lực rất lớn và cả thời gian. Những thành phố lớn như ở Cộng hòa Liên bang Đức cũng phải mất hơn 20-30 năm mới khắc phục được. Đồng chí kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành cơ chế đặc thù để giúp thành phố có đủ nguồn lực xử lý ô nhiễm môi trường.
Nâng cao trách nhiệm, đúc rút kinh nghiệm và điều chỉnh quy định cho phù hợp
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đánh giá cao kết quả buổi làm việc. Thông tin từ các báo cáo và trao đổi, thảo luận đã giúp đại biểu Quốc hội nắm chắc và sâu về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của thành phố, tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị của cử tri và nhân dân, của các cơ quan thành phố; những giải pháp thành phố thực hiện nhằm giải quyết những vấn đề phức tạp mới phát sinh. Buổi làm việc còn là dịp giúp các cơ quan thành phố rà soát lại việc ứng phó với các sự cố xảy ra trên địa bàn, qua đó rút kinh nghiệm, nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành, nhất là việc bảo đảm an toàn, cung cấp thông tin cho người dân.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhằm chủ động dự báo và ứng phó với những nguy cơ mất an toàn với người dân, năm 2017, thành phố đã ban hành “Đề án về quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể thành thảm họa đối với thành phố Hà Nội”.
Tới đây, các cấp, các ngành phải quan tâm thực hiện tốt vấn đề án này. Quản lý đô thị dân cư đông như Hà Nội, từng cấp, từng ngành phải thường xuyên nâng cao trách nhiệm, đúc rút kinh nghiệm và điều chỉnh quy định cho phù hợp, ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân.
Đồng chí Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, UBND thành phố phải chỉ đạo có quy định, cơ chế kiểm soát chặt chẽ mọi thành phần tham gia cung cấp dịch vụ cho người, bảo đảm an ninh, an toàn, nhất là cung cấp nước sạch sinh hoạt; hướng dẫn người dân, các khu chung cư xây dựng quy trình, cơ chế giám sát bảo đảm an ninh, an toàn, ngay cả với bể nước nhà mình.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đề nghị các đại biểu Quốc hội một mặt tiếp tục quan tâm, trao đổi, góp ý cho chính quyền thành phố về các vấn đề quản lý, điều hành; đồng thời chuẩn bị tốt nhất cho kỳ họp sắp tới, nhất là có ý kiến trao đổi để các đại biểu Quốc hội cả nước quan tâm, sẻ chia và ủng hộ thành phố trong việc thực hiện Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị thành phố Hà Nội.
Theo HNM