Sáng 16-11, tiếp tục thực hiện chương trình kết nối, hợp tác, phát triển “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức Hội nghị hợp tác, phát triển nhằm đánh giá kết quả hợp tác thời gian qua, xác định phương hướng thời gian tới.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị, về phía thành phố Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn; Nguyễn Lan Hương - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; Thường trực HĐND, UBND; lãnh đạo một số sở, ban, ngành.
Về phía tỉnh Thanh Hóa có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đỗ Trọng Hưng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng; cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành.
Chủ động, thường xuyên giữ mối quan hệ hợp tác
Trình bày báo cáo đánh giá kết quả hợp tác giữa hai địa phương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa và thành phố Hà Nội đã có nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác, duy trì mối quan hệ trao đổi, học tập kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực công tác.
Điển hình là năm 2012, lãnh đạo hai tỉnh, thành phố đã có buổi làm việc về kế hoạch hợp tác giai đoạn 2011-2015. Trên cơ sở đó, cùng với các hoạt động trao đổi kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, đặc biệt là các doanh nghiệp của Hà Nội đã chủ động, thường xuyên giữ mối quan hệ hợp tác với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp của tỉnh Thanh Hóa và đã có những kết quả bước đầu hiệu quả nhằm thúc đẩy kinh tế hai địa phương cùng phát triển.
Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 65 dự án của các nhà đầu tư đến từ Hà Nội với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 45.500 tỷ đồng. Trong đó có một số dự án quy mô lớn được thực hiện và đưa vào vận hành khai thác với hệ thống hạ tầng kỹ thuật được xây dựng đồng bộ, chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa như: Dự án số 1 Khu đô thị Trung tâm thành phố Thanh Hóa; Dự án khu đô thị sinh thái FLC Sầm Sơn; Thủy điện Trung Sơn …
Hai địa phương còn phối hợp chặt chẽ và thường xuyên trao đổi thông tin đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm hoạt động liên tỉnh. Đặc biệt, Hà Nội có nhiều hoạt động hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa về công tác an sinh xã hội.
Trong đó, năm 2010, thành phố Hà Nội hỗ trợ xây dựng Tượng đài chiến thắng Hàm Rồng và Đền thờ các anh hùng liệt sĩ của tỉnh Thanh Hóa với tổng kinh phí 30 tỷ đồng. Trong hai năm 2011-2012, Hà Nội hỗ trợ Thanh Hóa khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 7 tỷ đồng...
Xác định 12 nội dung thúc đẩy hợp tác, phát triển
Thẳng thắn trao đổi, thảo luận, đại biểu hai địa phương chỉ ra rằng, kết quả hợp tác thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; còn nhiều nội dung, lĩnh vực có triển vọng hợp tác lớn giữa Hà Nội và Thanh Hóa. Trên cơ sở đó, hai địa phương thống nhất 12 nội dung định hướng thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới.
Trong đó, hai bên sẽ chia sẻ kinh nghiệm trong đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao sức chiến đấu của các cấp ủy đảng; quản lý, vận hành hệ thống và xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; tổ chức đại hội đảng bộ các cấp; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới…
Hà Nội và Thanh Hóa cũng sẽ trao đổi về các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); nâng cao hiệu quả quản lý dự án đầu tư sau cấp phép, xử lý các dự án chậm tiến độ. Hai bên đồng thời đẩy mạnh hợp tác chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp; hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong kiểm soát nguồn thải, quản lý tài nguyên nước; phát triển các tuyến du lịch...
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến cho biết, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) từ đầu năm đến nay ước đạt 20,25%, là mức tăng cao nhất từ trước đến nay và cao nhất cả nước.
Nhờ có dự án mang tính động lực là Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, 9 tháng năm 2019, tỉnh đã thu ngân sách đạt 19.727 tỷ đồng, với đà này dự kiến năm nay, tỉnh sẽ đáp ứng được 92% chi ngân sách, sớm cân đối được thu chi trong thời gian tới.
“Tác động từ những dự án có tính chất động lực không thể tính hết được, vị thế của tỉnh nhờ đó cũng được nâng lên”, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nói.
Đánh giá cao kết quả hội nghị hợp tác, phát triển cũng như mối quan hệ giữa hai địa phương thời gian qua, đồng chí Trịnh Văn Chiến trân trọng cảm ơn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội về tình cảm, sự quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ Thanh Hóa mỗi khi nhân dân tỉnh gặp khó khăn.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị thành phố Hà Nội bên cạnh các nội dung đã được thống nhất, quan tâm định hướng doanh nghiệp thực hiện một số dự án cụ thể tại Thanh Hóa như đầu tư 1 cảng biển, phát triển Cảng hàng không Thọ Xuân...
Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải Hà Nội khẳng định, Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt, một vùng đất cổ, có mối quan hệ mật thiết với Thủ đô Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc; đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Đồng chí chúc mừng và đánh giá cao những kết quả phát triển toàn diện của tỉnh Thanh Hóa những năm qua.
Đồng tình với Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến về ý nghĩa của những dự án động lực, đồng chí Hoàng Trung Hải cho rằng, dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế cho tỉnh Thanh Hóa, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng về bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giúp nâng dự trữ năng lượng quốc gia từ 8,5 ngày lên 30 ngày. Điều quan trọng là dự án này sử dụng nguồn dầu từ nước ngoài đã được ký kết cung cấp hàng trăm năm giữa lúc trữ lượng dầu, khí trong nước càng ngày càng giảm.
Nhấn mạnh hội nghị hợp tác, phát triển giữa Hà Nội và Thanh Hóa có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy hợp tác, phát huy tiềm năng, lợi thế, đóng góp lớn hơn nữa cho sự phát triển của mỗi địa phương và cả nước, đồng chí Hoàng Trung Hải đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ký kết biên bản hợp tác, giao hai Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức thực hiện. UBND mỗi tỉnh, thành phố phân công một Phó Chủ tịch theo dõi, đôn đốc; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hai bên làm đầu mối triển khai cụ thể hóa hợp tác về kinh tế - xã hội.
Bí thư Thành ủy Hà Nội trân trọng mời Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ra Hà Nội thăm và làm việc, đồng thời tổ chức “Ngày văn hóa Thanh Hóa tại Hà Nội” nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm 2020.
Về kiến nghị Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết về phát triển tỉnh Thanh Hóa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng rất cần thiết. Thành phố Hà Nội sẵn sàng hỗ trợ tỉnh trong việc xây dựng nội dung dự thảo nghị quyết này.
Đồng chí Hoàng Trung Hải tin tưởng với truyền thống đoàn kết, anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục đạt được những kết quả to lớn hơn, đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước.
Nhân dịp này, với tình cảm sẻ chia và tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, lãnh đạo thành phố đã trao tặng tỉnh Thanh Hóa 3 tỷ đồng phục vụ công tác an sinh xã hội.
* Trước đó, Đoàn công tác thành phố Hà Nội do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hoàng Trung Hải làm Trưởng đoàn đã dâng hương tưởng niệm vua Lê Thái Tổ tại tượng đài “Anh hùng dân tộc Lê Lợi (1385-1433)”, thành phố Thanh Hóa.