Phiên giải trình tại HĐND TP Hà Nội: Đại biểu "truy" trách nhiệm dự án chậm tiến độ

05/06/2020 - 05:16 PM
Sáng 5/6, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức phiên họp giải trình về tình hình thực hiện Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND ngày 6/12/2018 của HĐND thành phố về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay; kết quả thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật gắn với việc giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
Dự phiên giải trình có các đồng chí: Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy; Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND thành phố; lãnh đạo các quận, huyện, thị xã.
Phát biểu khai mạc Phiên giải trình, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trong năm 2018, trên cơ sở giám sát và báo cáo kết quả của Đoàn giám sát, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết 14/2018/NQ-HĐND ngày 6/12/2018 về kết quả giải quyết kiến nghị cử tri; kết quả thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật trên địa bàn TP. 
Theo đó, HĐND TP đã yêu cầu UBND TP tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Thứ nhất, rà soát, đánh giá việc giải quyết các kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ đến nay; rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng mà TP chưa có văn bản trả lời. 
Thứ hai, chỉ đạo các sở, ngành TP, các quận, huyện, thị xã phối hợp trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri; tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận giải quyết tố cáo đã có hiệu lực pháp luật. 
Thứ ba, tăng cường công tác lãnh đạo, kiểm tra, giám sát các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã trong việc tổ chức thực hiện nghị quyết và việc thực hiện nghị quyết này gắn với thực hiện Nghị quyết 15-NQ-TU của Thành ủy.
Thứ tư, nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường công tác tiếp công dân và tổ chức đối thoại với Nhân dân. Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc theo dõi, giải quyết kiến nghị cử tri và đơn thư khiếu nại, tố cáo của Nhân dân. Thứ sáu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận giải quyết tố cáo đã có hiệu lực pháp luật và kiến nghị của đoàn giám sát xong trong năm 2019. 
Theo Nghị quyết 14, yêu cầu UBND chỉ đạo giải quyết 397 vụ việc, trong đó: Các quyết định khiếu nại 114 vụ; thông báo kết luận giải quyết tố cáo 180 vụ việc; các vụ việc phức tạp theo Nghị quyết 15 của Thành ủy 103 vụ việc. 
Để đánh giá những kết quả đạt được, những khó khăn, tồn tại vướng mắc và xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, ngành và cơ quan, đơn vị liên quan sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết và đề ra lộ trình thực hiện tiếp theo, hôm nay Thường trực HĐND TP tổ chức phiên giải trình với các yêu cầu và nội dung cụ thể.
Đối tượng giải trình gồm UBND TP, các sở, ngành TP; UBND các quận, huyện, thị xã; các đơn vị có liên quan. Về nội dung, phạm vi giải trình, tập trung vào 2 nhóm vấn đề là kết quả giải quyết kiến nghị cử tri từ đầu nhiệm kỳ đến nay; kết quả thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật gắn với việc giải quyết các vấn đề phức tạp về ANCT-TTATXH trên địa bàn TP theo Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 4/7/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy.
Nguyên nhân nào chậm triển khai cụm công nghiệp Bình Minh?

Phạm Đình Đoàn (Quận Hoàng Mai) đặt câu hỏi, nếu vấn đề phát triển các cụm sản xuất làng nghề, nhu cầu DN vừa và nhỏ rất mong có nơi sản xuất và chủ trương của TP đẩy nhanh phát triển các cụm làng nghề ra khỏi khu dân cư để tạo ra môi trường sống tốt, phòng chống cháy nổ...

Cụm công nghiệp Bình Minh-Cao Viên thuộc huyện Thanh Oai đã được tỉnh Hà Tây cũ cấp giấy chứng nhận từ năm 2007 nhưng việc triển khai đến nay rất chậm, đề nghị Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết nguyên nhân chậm trễ và biện pháp thúc đẩy xây dựng, phát triển cụm làng nghề trong thời gian tới.

Đại biểu cũng cho biết thêm, đối với việc hội nhập, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng hóa thì hầu hết các nước phát triển đều có chuong trình đến thăm để xem các cơ sở có đủ điều kiện đầu tư không, từ đó họ mới giao dịch, mua bán, chứ không chỉ là hàng chất lượng tốt, giá thấp mà có thể hợp tác.

Phạm Thị Thanh Hương (Ứng Hòa) nêu câu hỏi, trên cơ sở kiến nghị của cử tri, HĐND TP Hà Nội đã giám sát vào tháng 7/2018 và kiến nghị kiểm tra, đôn đốc xử lý các vi phạm đối với các dự án chậm triển khai, vi phạm luật đất đai, UBND TP đã có nhiều chỉ đạo và có những kết quả tích cực tuy nhiên sau xử lý, các vi phạm về luật đất đai, nhiều diện tích đất ở dạng thu hồi vẫn tiếp tục chưa được xử lý dứt điểm còn tiếp tục sử dụng sai mục đích và chưa có phương án sử dụng hiệu quả.

Ví dụ như khu dịch vụ thương mại Mỹ Đình thuộc phường Mỹ Đình 2, phường Nam Từ Liêm như báo cáo vừa nêu, đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết nguyên nhân hạn chế nêu trên chưa được khắc phục triệt để, trách nhiệm thuộc về ai, nguyên nhân và giải pháp, lộ trình thực hiện trong thời gian tới?

Đại biểu Vũ Ngọc Anh (Nam Từ Liêm) nêu vấn đề, cử tri nhiều địa phương vẫn còn phản ánh công tác quản lý, duy tu hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, kênh mương thủy lợi còn chậm trễ, chưa kịp thời, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và cuộc sống của người dân. Như báo cáo tại HĐND TP vừa nêu, trên tuyến đường Nguyễn Thái Học, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng cắt tỉa cây xanh trên địa bàn phường Khương Mai, hệ thống xử lý nước thải tại đường Hoàng Văn Thái quận Thanh Xuân…

Đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng và Giám đốc Sở NN&PTNT làm rõ hơn nguyên nhân, trách hiệm cụ thể của từng đơn vị liên quan khi để xảy ra các tồn tại trong việc quản lý tiếp nhận và duy tu hệ thống hạ tầng đô thị nêu trên, các giải pháp nhằm khắc phục hạn chế này trong thời gian tới như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Quốc Khánh (Hoàng Mai) nêu câu hỏi, tại Kỳ họp thứ 2 – HĐND TP Hà Nội năm 2015, cử tri huyện Hoài Đức đề nghị UBND chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm xử lý nước thải làng nghề tại xã Sơn Đồng và tại xã Vân Canh để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, nhưng sau 5 năm thi công, trạm xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng vẫn chưa đi vào hoạt động và sử dụng, trạm xử lý tại xã Vân Canh chưa khởi công, đề nghị Giám đốc Ban quản lý cấp thoát nước và môi trường TP Hà Nội và Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết nguyên nhân và giải pháp trong thời gian tới.

Chủ đầu tư không phối hợp thực hiện giải phóng mặt bằng trong thời gian dài 

Về việc chậm triển khai cụm công nghiệp Bình Minh, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai giải trình việc sử dụng đất của của công ty cổ phần xây dựng Hà Tây, đơn vị được tỉnh Hà Tây trước đây cho phép đầu tư xây dựng cụm công nhiệp Bình Minh - Cao Viên.

Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Ooai, hiện đã bàn giao một phần đất cho doanh nghiệp tại xã Bích Hòa, diện tích đất còn lại nằm trên địa giới hành  chính 2 xã Cao Viên và Bình Minh chưa giải phóng mặt bằng, hiện trạng chủ yếu vẫn là đất sản xuất nông nghiệp. Phần đất được bàn giao, đến nay chưa được đầu tư xây dựng.

Do doanh nghiệp chưa hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của các sở, ngành và không phối hợp với địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng trong thời gian dài nên cử tri, nhân dân kiến nghị làm rõ doanh nghiệp có giải phóng mặt bằng hay không?

Đến ngày 16/3/2018 doanh nghiệp có văn bản đề nghị tiếp tục giải phóng mặt bằng. Đến nay, theo chủ đầu tư báo cáo, đang liên hệ với Sở Kế hoạch, Đẩu tư, Sở Công thương để điều chỉnh dự án đầu tư và quyết định thành lập cụm theo hướng dẫn các sở, ngành. Như vậy, trách nhiệm thuộc về nhà đầu tư trong việc phối hợp, chứng minh năng lực, cung cấp hồ sở để báo cáo cấp sở ngành thẩm quyền phê duyệt.

Trả lời thêm về vấn đề này, Giám đốc Sở KHĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai đã có báo cáo về quá trình, tiến độ triển khai thực hiện dự án nhưng hiện nay dự án vẫn còn vướng phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Nội dung này, theo Nghị định 68 của Chính phủ, Sở Công Thương là cơ quan đầu mối để lấy ý kiến của các sở ngành và đang làm việc Sở Công Thương để hoàn thiện thủ tục, hồ sơ thẩm định trên cơ sở đó báo cáo UBND TP để xem xét điều chỉnh dự án này, phấn đấu năm 2020 sẽ hoàn thành xong thủ tục để tiếp tục triển khai dự án theo tiến độ.

Chủ đầu tư không đến dự họp tháo gỡ khó khăn cho cụm công nghiệp

Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan trả lời thêm, với việc liên quan chậm trễ triển khai cụm công nghiệp Bình Minh-Cao Viên-Bích Hòa của huyện Thanh Oai, được quyết định chủ trương đầu tư năm 2007 nhưng chủ yếu là vướng công tác giải phóng mặt bằng và vướng cụ thể là năng lực của chủ đầu tư, phối hợp với Chủ tịch UBND huyện thực hiện việc này, chủ tịch UBND huyện Thanh Oai đã báo cáo cụ thể.

Thứ hai là do hợp nhất năm 2008 do đó cụm này nằm trong danh mục phải rà soát, thứ ba là vướng cơ chế chính sách như Thông tư 31 của liên bộ Kế hoạch-Đầu tư-Công thương rồi quyết định 105 của Chính phủ rồi triển khai theo Nghị định 68 của Chính phủ do đó một số cơ chế, chính sách có sự thay đổi nên chủ đầu tư cũng phải thay đổi theo.

Việc giải phóng mặt bằng trong 10 năm vừa rồi như huyện Thanh Oai báo cáo được có 3,5 ha, rất là ít. Giấy chứng nhận đầu tư của chủ đầu tư đã hết hạn do đó năm 2018, chủ đầu tư mới đề xuất để khởi động lại dự án này, Sở TN&MT đã có văn bản trả lời rõ trong việc giải phóng mặt bằng và chưa tiếp tục thực hiện được là do giấy chứng nhận của chủ đầu tư đã hết hạn.

Chủ đầu tư đề nghị Sở KH&ĐT điều chỉnh chủ trương đầu tư, nhưng lúc đó Nghị định 68 đã có hiệu lực do đó việc này phải thực hiện theo hướng dẫn của Nghị định 68 như đồng chí Quyền vừa báo cáo Sở KH&ĐT đã có hướng dẫn cho DN, chủ đầu tư phải thực hiện theo Nghị định 68 và theo Điều 14 của Nghị định 68 về quyết định thành lập cụm thì DN còn thiếu một số nội dung như thông tin chủ đầu tư, tổng mức đầu tư, phân kỳ đầu tư, các chính sách hỗ trợ của cụm và yêu cầu chủ đầu tư hoàn thành.

Sở Công Thương đã có văn bản báo cáo UBND TP xin chủ trương điều chỉnh cho chủ đầu tư một số nội dung theo yêu cầu tại Nghị định 68, và UBND TP đã có văn bản chỉ đạo Sở Công Thương và các sở ngành liên quan để hướng dẫn chủ đầu tư triển khai thực hiện.

Khi nhận được văn bản của chủ đầu tư, ngày 10/3/2020, Sở Công Thương đã tổ chức cuộc họp liên ngành xin chủ trương một số nội dung liên quan thành lập cụm Bình Minh-Cao Viên-Bích Hòa huyện Thanh Oai theo quy định tại Nghị định 68 và cũng hướng dẫn chủ đầu tư liên hệ các sở ngành, Sở TN&MT, UBND huyện Thanh Oai và các đơn vị có liên quan để thực hiện các việc này.

Và ngày 21/4/2020, Sở Công Thương cũng có báo cáo số 122 về tình hình vướng mắc của DN trong triển khai xây dựng hạ tầng kĩ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố gửi UBND TP.

Ngày 27/5, Sở Công Thương cũng nhận được văn bản 2705 của chủ đầu tư xin bổ sung hồ sơ theo quyết định số 4785 của UBND TP về thành lập cụm công nghiệp Bình Minh-Cao Viên-Bích Hòa huyện Thanh Oai và gửi kèm hồ sơ nhưng trong hồ sơ của chủ đầu tư vẫn thiếu.

Do đó ngày 1/6/2020, Sở Công Thương đã ban hành văn bản số 2294 để hướng dẫn chủ đầu tư bổ sung những nội dung còn thiếu về quyết định thành lập cụm công nghiệp theo Nghị định 68 của Chính phủ và cũng đề nghị huyện Thanh Oai có tờ trình theo quy định tại Nghị định 68 để triển khai thực hiện.

Đến nay cụm công nghiệp Bình Minh-Cao Viên-Bích Hòa huyện Thanh Oai đã được cập nhật vào quy hoạch kế hoạch sử dụng đất tại Quyết định 3681, Quyết định ngày 10/7/201của UBND TP Hà Nội về duyệt điều chỉnh quy hoạch nội dung sử dụng đất đến năm 2020 cho huyện Thanh Oai. Hàng năm Sở Công Thương đều tổ chức hai cuộc tháo gỡ khó khăn cho cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố nhưng lần nào mời chủ đầu tư đều không đến dự cho nên việc phối hợp này rất khó khăn như huyện Thanh Oai báo cáo. Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với huyện Thanh Oai hướng dẫn chủ đầu tư báo cáo thẩm định cụm công nghiệp Bình Minh-Cao Viên huyện Thanh Oai trình UBND TP phê duyệt theo quy định.

Trong thời gian từ năm 2018-2019-2020, thường trực thành ủy, ban thường vụ thành ủy, chủ tịch, phó chủ tịch UBND TP rất quyết liệt trong việc triển khai thành lập các cụm công nghiệp dịch vụ trên địa bàn, Năm 2018-2019, TP đã giao quyết định thành lập được 14 cụm và trong năm 2020, UBND TP đã báo cáo ban thường vụ phấn đấu thành lập 23 cụm để chuẩn bị cho hội nghị xúc tiến đầu tư của TP vào cuối tháng 6/2020 và đưa tổng số dự kiến năm 2020 có được 42 cụm được thành lập với diện tích 700ha, cơ bản đáp ứng mặt bằng cho các DN vừa và nhỏ trên địa bàn TP, có những diện tích mặt bằng sạch để đón làn sóng đầu tư từ nước ngoài thời kỳ hậu Covid-19.

Điều hành về nội dung này, Phó Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, nội dung thành lập cụm công nghiệp được cử tri và HĐND rất quan tâm, đề nghị Sở Công Thương phải rà soát lại cùng các sở, ngành, huyện để giải quyết dứt điểm vấn đề này, có lộ trình rõ ràng, cách thức giải quyết vướng mắc như thế nào, đề xuất báo cáo thành phố.

Sử dụng đất sai mục đích dự án dịch vụ thương mại Mỹ Đình

Về dự án chậm triển khai khu dịch vụ thương mại Mỹ Đình, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Đức Hoạt cho biết, diện tích khu vực trên là 10.200m2, trước đây thuộc dự án Khu dịch vụ thương mại Mỹ Đình đã được UBND huyện Từ Liêm phê duyệt, TP có quyết định cho UBND xã Mỹ Đình cho thuê đất từ năm 2002.

Song sau khi được bàn giao đất, UBND xã có vi phạm, giao đất cho HTX Mỹ Đình triển khai thực hiện. HTX đã cho một số công ty thuê lại, sử dụng sai mục đích, vi phạm Luật Đất đai.

Năm 2014, dự án này đã được Thanh tra Sở TNMT thanh tra, kết luận có vi phạm; trên cơ sở đó, UBND TP đã có quyết định thu hồi đất vi phạm, giao Trung tâm Quỹ đất quận Nam Từ Liêm quản lý và đề xuất phương án sử dụng đất đảm bảo quy định, giao UBND quận Nam Từ Liêm chỉ đạo thực hiện công tác GPMB tại đây.

Theo quyết định của TP, UBND quận đã chỉ đạo, các cơ quan của quận kịp thời triển khai. Tuy nhiên, do nhận thức không đúng của việc triển khai XHH trước đây dẫn đến tại khu vực này tồn tại một số công trình gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện thu hồi lại.

Để giải quyết, quận đã xin ý kiến tháo gỡ của Sở Tài chính, đồng thời xác định phải giải quyết từng bước. Năm 2015, quận đã cùng các sở ngành TP kiến nghị điều chỉnh quy hoạch phân khu, để triển khai các dự án trường học.

Trong đó năm 2015, quận đã thực hiện một phần là 4.800m2 (trong tổng số 10.200m2) thực hiện 1 trường mầm non; còn lại 5.400m2, quận xác định sẽ đề xuất TP triển khai tiếp 1 dự án trường học.

Trong số diện tích này, quận đã thu hồi 1.700m2, còn lại 3.700m2 sẽ triển khai ngay khi được TP chấp thuận cho triển khai dự án trường học. UBND quận cùng Sở QHKT đã báo cáo TP cho phép triển khai dự án trường học, đồng thời thu hồi nốt phần đất còn lại. Đúng là thời gian qua quận có lúng túng, tới đây sẽ bám sát, dự kiến sẽ đưa ra tiến độ trong quý 3/2020.

5 năm qua trồng thêm hơn 1,5 triệu cây xanh 

Liên quan đến việc chậm xử lý các sự cố về thoát nước, chiếu sáng, cây xanh mà cử tri huyện Đan Phượng và quận Thanh Xuân nêu, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong giải trình cho biết, thời gian qua, TP đã tập trung chỉ đạo Sở cùng Ban Duy tu và các đơn vị dịch vụ công ích tăng cường công tác quản lý duy trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật của TP, cơ bản đáp ứng yêu cầu cử tri, không để xảy ra vấn đề dân sinh bức xúc.

Từ đầu năm đến nay, TP đã chỉ đạo trồng được thêm 31.560 cây, nâng tổng số cây xanh thực hiện trong 5 năm qua lên 1.537.000 cây (hoàn thành kế hoạch 1 triệu cây xanh cộng thêm gần 600.000 cây của 2 năm cuối). Đồng thời, đã cắt tỉa 176.000 cây. Về hệ thống chiếu sáng, trong 5 tháng đầu năm nay đã giải quyết 1.350 sự cố, thay mới 13.800 bóng đèn tại TP.

“Khối lượng công việc đã thực hiện rất lớn, nhưng một số nơi còn hiện tượng chậm xử lý như trong phóng sự vừa nêu. Thay mặt lãnh đạo Sở Xây dựng, tôi xin tiếp thu", ông Võ Nguyên Phong bày tỏ.

Về nguyên nhân xảy ra chậm xử lý, theo Giám đốc Sở Xây dựng, trước hết chủ quan do công tác quản lý duy trì của đơn vị cung ứng dịch vụ công ích, công tác giám sát của Ban Duy tu, sự phối hợp giữa Sở Xây dựng, chính quyền địa phương và các đơn vị dịch vụ công ích chưa kịp thời trong tiếp nhận phản ánh, xử lý sự cố.

"Trước tiên thuộc trách nhiệm của Sở Xây dựng và đơn vị vận hành, chúng tôi xin nhận trách nhiệm và khắc phục trong thời gian tới”, Giám đốc Sở khẳng định.

Từ đó, với những hạn chế về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cụ thể với đơn vị quản lý vận hành, cần tăng cường rà soát các điểm đen về hệ thống thoát nước và hệ thống cây xanh để kịp thời trồng thay thế hoặc cắt tỉa, nhất là trong khi đang thực hiện phương án phòng chống lụt bão năm 2020.

Ban Duy tu cần tăng cường công tác giám sát hợp đồng đã ký với đơn vị dịch vụ công ích. Đồng thời, cần có tăng cường phối hợp giữa Sở Xây dựng (đại diện là Ban Duy tu), đơn vị quản lý vận hành và chính quyền địa phương, thể hiện ở chỗ: Tăng cường chế độ thông tin báo cáo; các đơn vị dịch vụ công ích thiết lập thêm những group để có đại diện của đơn vị quản lý vận hành, Ban Duy tu, Sở Xây dựng và chính quyền địa phương để kịp thời tiếp nhận, phân loại các loại sự cố để có thời gian xử lý các sự cố nhanh nhất.

Về việc xây dựng các phần mềm quản lý, với lĩnh vực cây xanh đã hoàn thành, Sở Xây dựng sẽ phối hợp Sở KHCN sớm đưa việc quản lý vận hành hệ thống cây xanh trên phần mềm quản lý.

Đồng thời, quan tâm chế độ hoạt động của các trung tâm quản lý, trung tâm điều độ của các đơn vị quản lý vận hành; tiếp tục rà soát các quy định về phân cấp đầu tư, phân cấp quản lý sau đầu tư, về quản lý, định mức đơn giá… để thực hiện các dịch vụ công ích một cách tiết kiệm, hiệu quả nhất.

Đề nghị xử lý dứt điểm dự án chậm tiến độ, vụ việc lấn chiếm đất đai

Tiếp tục đặt câu hỏi, đại biểu Nguyễn Minh Tuân nêu Dự án khai thác nước ngầm tại xã Phụng Châu (huyện Chương Mỹ) đã được triển khai cách đây nhiều năm, đến nay vẫn triển khai rất chậm, gặp nhiều khó khăn. Cử tri và Nhân dân địa phương qua nhiều lần tiếp xúc cử tri đã kiến nghị không thực hiện dự án. Vậy đề nghị đại diện UBND TP cho biết quan điểm chỉ đạo của TP với dự án này, kế hoạch và giải pháp cụ thể trong thời gian tới?

Đại biểu Nguyễn Thế Vinh (tổ Đống Đa) đặt câu hỏi, theo Báo cáo số 83 ngày 8/4/2020 của UBND TP về các vụ việc phức tạp theo Nghị quyết 15 của Thành ủy, tại quận Ba Đình còn vụ việc phức tạp liên quan đến việc xử lý vi phạm lấn chiếm đất đai tại Trường Tiểu học Hoàng Diệu, phường Cống Vị: Gia đình bà Nguyễn Thị Phương có hành vi lấn chiếm, đặt contener tại khuôn viên trường từ năm 2015.

UBND quận Ba Đình đã chỉ đạo UBND phưường Cống Vị và các cơ quan chức năng rà soát hoàn chỉnh hồ sơ để xử lý theo quy định, song đến nay vụ việc lấn chiếm này chưa được xử lý dứt điểm. Cũng trên địa bàn quận, còn 8/12 vụ việc theo Nghị quyết 15 của Thành ủy chưa được giải quyết xong.

Vậy đề nghị Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết nguyên nhân, trách nhiệm. biện pháp, lộ trình để giải quyết dứt điểm 2 vấn đề này?

Tiếp tục đặt câu hổi, Đại biểu Đoàn Việt Cường nêu, qua tập hợp kiến nghị cử tri, nhiều ý kiến phản ánh về ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố, theo đề án bảo vệ môi trường các làng nghề trên địa bàn TP đến năm 2020 định hướng năm 2030, trong đó, UBND TP đã phê duyệt năm 2017 và đặt mục tiêu cụ thể là đến năm 2020 thiết kế mạng lưới quan trắc, đầu tư xây dựng, vận hành hiệu quả hệ thống quan trắc, phục vụ kiểm soát ô nhiễm môi trường tại 80 làng nghề trên địa bàn TP.
Tuy nhiên đến nay còn chậm, đề nghị Giám đốc Sở TN&MT cho biết nguyên nhân, khó khăn vướng mắc, trách nhiệm và giải pháp để giải quyết vấn đề này thời gian tới?
Đại biểu Nguyễn Thanh Bình (tổ Sóc Sơn) nêu, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, cử tri của một số quận nội thành nhiều lần kiến nghị với TP về di dời các cơ sở công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành.
Cử tri đã kiến nghị di dời kho xăng dầu Đức Giang,quận Long Biên, di dời cơ sở sản xuất thuộc công ty TNHH Một thành viên Dệt kim Đông Xuân tại phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, do các cơ sở này gây ô nhiễm cao hoặc không thuộc quy hoạch chung Thủ đô ra khỏi vị trí nêu trên để xây dựng quỹ đất, đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, trường học địa bàn TP, nhưng từ khi có kết quả rà soát đối với các cơ sở nêu trên từ năm 2016 đến nay vẫn chưa có phương án di dời, kiến nghị của cử tri như vậy là chưa được giải quyết, đề nghị giám đốc Sở TN&MT báo cáo giải trình làm rõ nguyên nhân, vướng mắc, hướng giải quyết trong thời gian tới?

Nguyên nhân chậm dự án xử lý nước thải làng nghề

Về xử lý nước thải làng nghề huyện Hoài Đức, Phó Giám đốc ban quản lý cấp thoát nước và môi trường TP Hà Nội cho hay, Ban quản lý là chủ đầu tư được giao triển khai thực hiện dự án. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, dự án xử lý nước thải làng nghề tại xã Sơn Đồng, TP Hà Nội phê duyệt từ tháng 8/2013, trong đó giao Sở TN&MT thành phố Hà Nội là chủ đầu tư, với công suất 8.000m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư 231 tỷ đồng.

Dự án đã được tổ chức lựa chọn nhà thầu, khởi công các gói thầu xây lắp từ quý 4/2015, đến ngày 13/2/ 2017, dự án được giao cho Ban quản lý dự án cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội làm chủ đầu tư, tại thời điểm đó, công trình đã đạt khối lượng giải ngân khoảng 30%, ban quản lý đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thi công.

Đến nay trên 4 gói thầu đã hoàn thành tổng 3 gói thầu, còn 1 gói thầu đạt 95% khối lượng, hiện nay các phần nhà máy chúng tôi đang vận hành thử từ tháng 12/2018 đến nay. Theo tiến độ, dự án hoàn thành trong năm 2019.

Tuy nhiên đến nay đã bị chậm, có liên quan đến 4 nguyên nhân khách quan và chủ quan như sau. Một, trong quá trình triển khai thi công xây lắp, nhiều hạng mục phải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp hiện trạng, bổ sung thiết kế chi tiết, đảm bảo điều kiện thi công và bàn giao công trình như bổ sung hệ thống chống sét, đề án xả thải….

Thứ hai,  dự án được phê duyệt năm 2013 trước khi có quy định 40 ngày 13/5/2019 của Chính phủ có hiệu lực, để đủ điều kiện bàn giao công trình cần thiết phải bổ sung hạng mục trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục vào dự án.

Thứ ba, hiện còn 120m chưa triển khai thi công được do vướng vào đất của người dân, không có mặt bằng thi công. Thứ tư, dự án được chuyển đổi qua nhiều chủ đầu tư, do công tác phối hợp triển khai giữa các đơn vị, tập hợp hồ sơ pháp lý, quản lý chất lượng công trình bị khó khăn nên ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.

Các nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ đó xuất phát từ trách nhiệm của chủ đầu tư và  các nhà thầu khi chưa thực hiện quyết liệt trong triển khai, thiết kế còn nhiều thiếu sót dẫn đến phải chỉnh sửa.

Để sớm khắc phục, ban quản lý dự án đã đưa 3 giải pháp. Một, đối với vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng thi công, ban quản lý đã phối hợp UBND huyện Hoài đức thỏa thuận vị trí thi công bị vướng mặt bằng, phối hợp các sở chuyên ngành hướng dẫn các thủ tục triển khai, chỉ đạo các đơn vị thi công hoàn thiện thiết kế, bản vẽ thi công, điều chỉnh cho phù hợp hiện trạng để triển khai thi công, hạn chế việc giải phóng mặt bằng, đến nay, các điều chỉnh thiết kế đã được phê duyệt.

Thứ hai, đối với hạng mục còn thiếu của dự án, ban quản lý dự án đã báo cáo UBND TP cho phép bổ sung các hạng mục cần thiết vào dự án, đảm bảo đủ điều kiện bàn giao công trình và đưa vào sử dụng theo quy định. Và đã được UBND TP phê duyệt bổ sung hệ thống chống sét và tích điện vào dự án trong tháng 5/2020.

Để đẩy nhanh tiến độ bàn giao, ban quản lý đã phối hợp Công ty Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền là đơn vị vận hành nhà máy được UBND TP Hà Nội giao để triển khai vận hành, đảm bảo sẵn sàng bàn giao, đưa vào sử dụng ngay sau khi hoàn thành. Thời gian tới ban quản lý sẽ tập trung triển khai và cố gắng phấn đấu, quyết tâm hoàn thành dự án, bàn giao  đưa vào sử dụng công trình vào cuối năm 2020 nếu không có phát sinh ngoài ý muốn. 

Chưa hấp dẫn nhà đầu tư

Giám đốc Sở KHĐT Nguyễn Mạnh Quyền giải trình về trạm xử lý nước thải làng nghề xã Vân Canh cho biết, UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo và định hướng theo hướng thu hút xã hội hóa đầu tư. Ngay tại các sự kiện xúc tiến đầu tư từ năm 2017 -2018, thành phố đã đưa vào danh mục kêu gọi xúc tiến đầu tư theo hình thức xã hội hóa, và thông qua hai hội nghị, cũng có nhà đầu tư có nguyện vọng đăng ký triển khai thực hện nhưng trong quá trình nghiên cứu dự án, các nhà đầu tư chưa được mặn mà.
Các lý do như chưa rõ cơ chế thu phí dịch vụ để hoàn vốn đầu tư vào dự án, dự án có suất đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn lâu nên đây là nội dung chưa hấp dẫn được nhà đầu tư.

Tuy nhiên. do nhu cầu bức xúc về xử lý nước thải tại khu vực, chúng tôi cũng mong muốn với góc độ trách nhiệm của chủ đầu tư được thành phố giao, Sở muốn các đồng chí phối hợp với UBND huyện Hoài Đức có rà soát, đánh giá lại toàn bộ nội dung của dự án và trong trường hợp thực hiện xã hội hóa khó khăn như vậy, Sở đề xuất chủ đầu tư và UBND huyện Hoài Đức có kiến nghị với UBND TP để cho cách chuyển đổi hình thức đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách.

Vừa qua, TP cũng triển khai đối với các trạm xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp trên địa bàn TP và cũng rất thuận lợi là các chủ đầu tư đã tham gia tổ chức đấu thầu và chắc chắn trong năm nay cũng sẽ hoàn thành đối với trạm xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp đã hoàn thành chỉ tiêu mà TP đã đề ra trong 5 năm 2016-2020.

Điều hành về nội dung này, Phó Chủ tịch HĐND Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, hiện tại, Hà Nội có 1350 làng nghề và vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề rất quan trọng, Thành phố xây dựng kế hoạch đến năm 2025, đảm bảo 100% nước thải làng nghề được xử lý, đây là nhiệm vụ, thách thức rất lớn đối với TP Hà Nội.

Đối với Hoài Đức, TP rất quan tâm, vì trên địa bàn có 3 trạm xử lý nước thải làng nghề: Cầu Ngà-Dương Liễu đã xong với quy mô 1.000m3/ngày đêm, hiện tại còn Sơn đồng, các đồng chí đã giải trình rõ và nói rõ trách nhiệm của chủ đầu tư và các đồng chí đã cam kết hết năm 2020 sẽ bàn giao đưa vào sử dụng. Với dự án Vân Canh, nếu, phương án xã hội hóa khó có thể nên cân đối báo cáo UBND TP thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách.

Mọi hành vi vi phạm pháp luật phải bị xử lý
Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng giải trình về việc giải quyết tranh chấp thửa đất có diện tích 298m2 giữa bà Lê Thị Nhàn (thôn Thúy Lai, xã Phú Kim, huyện Thạch Thất) và ông Hoàng Xuân Dĩ (số 50 phố Lê Lai, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông).

UBND huyện đã ban hành Quyết định 4609 về giải quyết tranh chấp này, nhưng bà Lê Thị Nhàn có khiếu nại quyết định này lên TP, nên UBND TP giao Thanh tra TP và Sở TNMT kiểm tra lại quá trình giải quyết tranh chấp này. Sau đó, UBND TP ban hành Văn bản 6781 ngày 23/7/2019 yêu cầu UBND huyện hủy Quyết định 4609 vì chưa thực hiện đúng theo quy định pháp luật.

UBND huyện đã ban hành Quyết định 3121 hủy Quyết định 4609 và giải quyết lại theo đúng quy định pháp luật. Tiếp đó, UBND huyện căn cứ Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 89 Nghị định 43/CP ngày 15/5/2014 để giải quyết lại vụ việc. Đến nay, UBND huyện đã giao Phòng TNMT và UBND xã mời 2 ông bà đến làm các thủ tục theo Điều 89 Nghị định 43. Trong tháng 7/2020, UBND huyện sẽ ban hành quyết định giải quyết tranh chấp của ông Hoàng Văn Dĩ và bà Lê Thị Nhàn.

Trả lời về giải quyết khiếu nại tại huyện Gia Lâm theo câu hỏi của ĐB Duy Hoàng Dương, Chánh Thanh tra TP Nguyễn An Huy cho hay: Về khiếu nại của 2 gia đình tại thôn Đông Chi, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, thực tế đã sử dụng đất trước ngày 5/10/1993 nhưng trong quá trình sử dụng có vi phạm pháp luật, có đơn tố cáo của công dân.

UBND huyện Gia Lâm đã ban hành quyết định thu hồi đất của 2 hộ nhưng họ có khiếu nại lên TP, nên Chủ tịch UBND TP đã ban hành 2 quyết định 6571 và 6541 tháng 11/2016 yêu cầu UBND huyện điều chỉnh lại quyết định thu hồi đất của mình và thực hiện việc thu hồi đất với 2 hộ.

Thực hiện nhiệm vụ của mình, từ tháng 2/2019-2/2020 Thanh tra TP đã có 4 văn bản đôn đốc. Tuy nhiên, UBND huyện vừa có báo cáo TP về khó khăn gặp phải, do các hộ đã sử dụng đất rất lâu, xây dựng nhà kiên cố, nên đề xuất xử lý theo hai phần: Với trường hợp nằm trong quy hoạch, đề xuất cấp giấy chứng nhận theo Điều 22 Nghị định 43, với phần nằm ngoài quy hoạch thì đề xuất cho đăng ký và sau đó khi thực hiện quy hoạch thì xem xét thu hồi.

“Với vai trò tham mưu, Thanh tra TP sẽ tích cực hơn trong việc giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại và kết luận giải quyết tố cáo, để đảm bảo mọi hành vi vi phạm pháp luật phải bị xử lý và mọi quyết định giải quyết khiếu nại phải được thực hiện, để giữ an ninh trật tự trên địa bàn TP. Với riêng 2 trường hợp này, trong tuần sau chúng tôi sẽ có văn bản tham mưu cho UBND TP để chỉ đạo huyện Gia Lâm ”, Chánh Thanh tra TP nhấn mạnh.

Trong tháng 8 cắt bỏ xong tầng 18 tại 8B Lê Trực
Chủ tịch Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết địa bàn quận Ba Đình có 8/12 vụ việc liên quan khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng.
Liên quan vụ việc vi phạm trật tự xây dựng tại 8B Lê Trực, hiện nay tiến độ xử lý vi phạm tầng 18 đang diễn ra đúng kế hoạch, đơn vị thi công đang tháo dỡ trang thiết bị bên trong, tiến hành cắt thử ô sàn. Chủ tịch quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, theo dự kiến trong tháng 8 cắt bỏ toàn bộ tầng 18.

Vụ việc tại 24 Điện Biên Phủ, giai đoạn 1 đã thu hồi 54m2 đất, giai đoạn 2 thu hồi tiếp 90m2 đất tại tầng 1 giao Sở VHTT làm phòng lưu niệm. Để thu hồi, cần xử lý vi phạm TTXD tại đây.

Về việc này, Ban Cán sự UBND TP đã báo cáo Thường trực Thành ủy có văn bản chỉ đạo. Thứ ba, với vụ việc Vành đai I, người dân kiến nghị chủ yếu về giá đất, quy hoạch chỉ giới đường đỏ, giá nhà tái định cư; quận đang tích cực triển khai GPMB; với khu đất thuộc các tổ chức và cá nhân, cố gắng sẽ khởi công cầu vượt trước 2/9/2020.

Về vụ việc lấn chiếm đất đai tại mương cống hóa T2C Lại Yên, đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để tiến hành cưỡng chế, TP đã có văn bản giao các sở ngành, quận sẽ chọn thời điểm thích hợp để tổ chức cưỡng chế.

Về di dời các hộ dân khỏi các chung cư nguy hiểm cấp độ D tại C8 Giảng Võ, nhà A Ngọc Khánh và G6A Thành Công, đến nay đã di dời được 54/112 hộ dân (gần 50%); UBND TP đã có Quyết định 7333 ủy quyền UBND quận cưỡng chế các hộ dân không chấp hành. Trong năm nay, UBND quận sẽ đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ di dời các hộ tại đây.

Giải quyết hơn 94% kiến nghị của cử tri

Phát biểu làm rõ, giải trình thêm vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm, thay mặt UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nghiêm túc tiếp thu các nội dung mà các vị đại biểu đã chất vấn. UBND thành phố sẽ tiếp tục đôn đốc các sở, ngành và UBND các quận, huyện trong thời gian tới sẽ thực hiện nghiêm túc tất cả những nội dung các đại biểu HĐND thành phố đã nêu ra.

Vấn đề khiếu nại, tố cáo của người dân, đến nay thành phố đã giải quyết hơn 94% các nội dung kiến nghị của cử tri thông qua đại biểu HĐND, Quốc hội. Số lượng liên quan đến các đơn thư khiếu nại dân đều được giải quyết trên 80%.

Trong thời gian tới UBND thành phố sẽ tiếp tục giao cho các cơ quan tiếp tục thực hiện đúng các lịch tiếp công dân, giải quyết dứt điểm các vụ việc. Bên cạnh đó, thành phố cũng phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân thành phố xử lý, xét xử những vụ việc khiếu kiện phức tạp; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố để tổ chức tốt các tổ hòa giải dưới các phường, xã.

Bổ sung thêm một số nội dung nhằm làm rõ thêm nội dung mà các đại biểu HĐND thành phố đã chất vấn, liên quan đến sự phát triển các cụm công nghiệp làng nghề thành phố Chủ tịch UBND thành phố cho biết Hà Nội hiện có 1.358 làng nghề.

Trong hơn 1 năm qua thành phố đã hoàn thành xây dựng, giải phóng mặt bằng tổng cộng 43 cụm công nghiệp làng nghề. Trong đó, các cụm công nghiệp này xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ và không được chuyển các gia đình ở các làng nghề ra đi để sinh sống mà chỉ được để xây dựng các nhà xưởng sản xuất, đồng thời ưu tiên cho phát triển các nghề truyền thống của các làng nghề có cổ truyền, khuyến khích phát triển công nghiệp sạch và công nghệ cao.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nêu rõ, các đơn vị cung ứng dịch vụ trên địa bàn thành phố liên quan đến thoát nước, môi trường, cắt tỉa cây xanh, vấn đề thu gom, xử lý nước thải từ trước đến nay đều thực hiện theo cơ chế đặt hàng.

Trong những năm vừa qua thành phố cũng tập trung giải quyết vấn đề bức xúc như ô nhiễm tại sao những ao, hồ trên địa bàn thành phố, hợp tác với các nhà khoa học nước ngoài để xử lý được 90 cái hồ ô nhiễm nặng trên địa bàn thành phố.

Trong thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục hợp tác với các nhà khoa học trong và ngoài nước để tiếp tục ứng dụng các công nghệ mới vào nhằm xử lý triệt để chỉ ô nhiễm trên các ao, hồ trên địa bàn. Đồng thời UBND thành phố đã có văn bản báo cáo với Bộ Tài chính và với Chính phủ để có điều chỉnh phù hợp cho cơ chế quản lý vốn đầu tư công.

Theo KTĐT


Các tin tức khác

Về thuật ngữ “đoàn kết”

04/11/2022 - 11.001 lượt xem
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020