Theo đó, năm 2019, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố tiếp tục chọn chủ đề là năm “Nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống Mặt trận các cấp thành phố Hà Nội”, Mặt trận các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nhằm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2019; chủ động thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
MTTQ các cấp trên địa bàn Thành phố tích cực triển khai cuộc vận động Quỹ “Vì người nghèo” được hơn 63,9 tỷ đồng, vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 32,6 tỷ đồng và Quỹ “Vì biển đảo Việt Nam” được hơn 46,3 tỷ đồng. MTTQ đã phối hợp với chính quyền các cấp tiếp tục triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với nhiều nội dung và hình thức phong phú, đa dạng...
Về công tác giám sát, phản biện xã hội, Ban Thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã tham gia giám sát về tình hình, kết quả cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ở trên địa bàn thành phố Hà Nội; giám sát tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020; giám sát tại Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố về kết quả công tác của ngành năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020. Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố giám sát việc đảm bảo an toàn cho trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em. Tham gia đoàn kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ Thành phố.
Bên cạnh đó Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở các cơ sở đã tổ chức giám sát việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội, quản lý nhà nước trên địa bàn với tổng số 10.161 cuộc; phát hiện 1.433 vụ có vi phạm; đề xuất, kiến nghị 1.422 vụ việc cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố thực hiện tốt công tác tiếp công dân, phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật. Trong năm 2019, đã tiếp 79 lượt công dân và nhận 155 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân (trong đó, khiếu nại 15 đơn, tố cáo: 41 đơn, kiến nghị: 62 đơn, phản ánh: 37 đơn).
Về hoạt động phản biện xã hội, Mặt trận Thành phố đã phản biện xã hội vào 8 dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố và 01 Đề án của UBND Thành phố. Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã đã thực hiện quy trình và tổ chức 78 hội nghị phản biện xã hội, nội dung tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng ở địa phương. Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, phường, thị trấn đã thực hiện quy trình và tổ chức 820 hội nghị phản biện xã hội, chủ yếu tập trung vào: Dự thảo Nghị quyết về kinh tế-xã hội, các chuyên đề liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân ở địa phương.
Về công tác xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy và chỉnh quyền với Nhân dân, trong năm 2019, đồng chí Bí Thư Thành ủy gặp mặt, đối thoại với đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố; với Nhân dân Thủ đô, đoàn viên, thanh thiếu niên Thủ đô; gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND Thành phố với công nhân lao động Thủ đô. Đồng thời, 100% quận, huyện, thị ủy xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại. Năm 2019, có 55 hội nghị cấp huyện; 740 hội nghị cấp xã, phường, thị trấn; tại các hội nghị tiếp xúc, đối thoại, cấp ủy, chính quyền tiếp thu những ý kiến đóng góp của đại diện MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và Nhân dân đồng thời giải quyết kịp thời những tâm tư nguyện vọng của Nhân dân và những vấn đề dân sinh bức xúc, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân.
Tại kỳ họp, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Nguyễn Lan Hương gửi tới HĐND TP 6 nhóm kiến nghị lớn. Thứ nhất, đề nghị HĐND TP tiếp tục giám sát về công tác giải ngân; nợ đọng thuế; giám sát đối với lĩnh vực xây dựng quy hoạch đô thị; dự án treo nhiều năm không thực hiện; giám sát tiến độ các dự án, đặc biệt là các dự án về giao thông trọng điểm.
Thứ hai, đề nghị UBND TP tiếp tục có giải pháp, chỉ đạo thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” bằng các hành động, việc làm thiết thực, cụ thể. Có các giải pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm không khí, ô nhiễm các con sông, nguồn nước; thực hiện phân loại, xử lý rác thải, nhất là ở nơi đông dân cư; có cơ chế hiệu quả để thu hút đầu tư công nghệ hiện đại trong xử lý rác thải.
Thứ ba, đề nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có biện pháp quyết liệt hơn ngăn chặn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, thực phẩm tăng trọng tại các cơ sở kinh doanh; kiểm tra vệ sinh thực phẩm trong các bếp ăn công nghiệp, trường học.
Thứ tư, đề nghị UBND TP kiến nghị với Chính phủ và có giải pháp, cơ chế về sửa chữa, cải tạo những khu chung cư cũ đã hư hỏng, xuống cấp gây nguy hiểm cho người dân.
Thứ năm, việc thực hiện kiện toàn, sắp xếp thôn, tổ dân phố và bố trí cán bộ theo Đề án 21 của Thành ủy, đề nghị UBND TP nghiên cứu, khảo sát kỹ, lắng nghe ý kiến tâm, tư nguyện vọng của Nhân dân, triển khai có lộ trình và quy mô hợp lý, coi trọng chất lượng và hiệu quả công việc.
Thứ sáu, đề nghị HĐND và UBND TP tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân về kế hoạch, lộ trình cụ thể thực hiện Nghị quyết thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội của Quốc hội, có cơ chế, đảm bảo phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân ở cơ sở.
Theo CTTĐT