40 năm chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc

15/02/2019 - 06:28 PM
Cách đây 40 năm, vào rạng sáng ngày 17/2/1979 chúng ta bất ngờ phải đương đầu với một cuộc chiến trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, diễn ra trên địa bàn 6 tỉnh, kéo dài từ Quảng Ninh cho đến Lai Châu được phân chia thành 2 cánh: Cánh chủ yếu và cánh thứ yếu. Cánh quân chủ yếu tiến công chính diện từ Cao Bằng đến Móng Cái, cánh quân thứ yếu tiến công chính diện từ Hà Tuyên đến Lai Châu. 

40 năm chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc

Những người lính đi bảo vệ biên cương cách đây 40 năm. (Ảnh tư liệu).

Cuộc chiến diễn ra trong thời gian ngắn (17/2 – 18/3/1979), tuy nhiên quy mô  lại cực lớn, tiến công đồng loạt, ồ ạt với nhiều trọng điểm, chiều sâu trung bình từ 10 đến 20 km, có nơi vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam tới 40 – 50 km như  thị xã Cao Bằng, Tài Hồ Xìn, phố Lu...Rõ ràng đây là một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn, có tính toán chứ không còn là những cuộc xung đột vũ trang xâm lấn biên giới như một số người lầm tưởng.

Và như nhiều người đã biết, sau gần một tháng đánh chiếm nhiều địa bàn trọng yếu và tàn phá hạ tầng cơ sở kinh tế, văn hóa ở các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam, trước sức ép phản đối kịch liệt của dư luận trong nước, quốc tế và bị tổn thất nặng nề; ngày 5/3/1979 họ buộc phải tuyên bố rút quân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Với mong muốn có hòa bình và củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân 2 nước, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị cho quân và dân trên tuyến biên giới phía Bắc ngừng mọi hoạt động tiến công quân sự để cho đối phương được rút quân và phương tiện chiến tranh về nước trong yên ổn. Tuy nhiên, trên đường rút họ vẫn tiếp tục gây tội ác, phá hoại nhiều cơ sở kinh tế, công trình văn hóa...tại các tỉnh biên giới của Việt Nam (san bằng 26 thị trấn và các thị xã Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn; bóc dỡ 42 km ray trên tuyến đường sắt Phố Lu – Lào Cai, phá máy móc hầm mỏ Apatit Cam Đường, mỏ  Mănggan Trà Lĩnh; phá 72 cầu cống, gài mìn khắp nơi gây sát thương cho bộ đội và nhân dân các tỉnh biên giới)... Đến ngày 18/3/1979, về cơ bản quân Trung Quốc đã rút về nước theo kế hoạch nhưng kể từ sau ngày 18/3 – ngày được cho là kết thúc cuộc chiến tranh - cho đến đầu năm 1989, chưa khi nào các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam ngớt tiếng pháo kích và các cuộc xâm lấn biên giới. 

Trước tình cảnh Tổ quốc lâm nguy, chủ quyền lãnh thổ bị xâm phạm, thêm một lần nữa, quân và dân Việt Nam đã buộc phải cầm súng chiến đấu khi mà không còn sự lựa chọn nào khác để bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mình. Hay nói một cách khác, quân và dân Việt Nam đã phải tiến hành một cuộc chiến tranh bắt buộc để bảo vệ Tổ quốc.

Nhiều người biết rằng, dân tộc Việt Nam vốn là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, lại vừa phải đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược của tập đoàn Pon Pot - Ieng Xari ở biên giới Tây Nam nên không muốn có chiến tranh và luôn tìm mọi cách để cho điều đó không xẩy ra nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”.

Hướng về biên giới phía Bắc, cả dân tộc đã cố kết thành một khối thống nhất vững bền, đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ý thức về chủ quyền quốc gia đã trở thành mạch nguồn ngấm sâu vào ý chí quyết tâm chiến đấu  của toàn quân và toàn dân; vào sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, sức mạnh của chế độ mới; vào sức mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân và thế trận chiến tranh nhân dân vững vàng nơi tuyến đầu của Tổ quốc. Bằng sức mạnh tổng hợp và niềm tin vào cuộc chiến tranh chính nghĩa, ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến, quân và dân các tỉnh biên giới phía Bắc đã kiên cường chiến đấu, đánh trả quyết liệt, ngăn chặn, sát thương và tiêu diệt nhiều binh lực của quân xâm lược. Trên hầu hết các hướng tiến công, quân xâm lược đã bị chặn lại, không thể thực hiện được ý định tiến công nhanh như kế hoạch đã xác định.

Có thể thấy, trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc (17/2 – 18/3/1979 và chống lấn chiếm biên giới (3/1979-1989), nhân dân các dân tộc ở các tỉnh biên giới phía Bắc đã không quản hiểm nguy, kiên cường trụ bám bản làng; kề vai sát cánh với các đơn vị vũ trang, vừa phục vụ chiến đấu, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu, tạo nên bức tường thành ngăn chặn các cuộc tiến công của quân  xâm lược. 

Khó có thể nói hết tinh thần chịu đựng khó khăn gian khổ, hiểm nguy và hy sinh mà quân và dân các tỉnh biên giới phía Bắc phải chịu đựng trong khoảng thời gian này. Sống và chiến đấu trong điều kiện chiến sự ác liệt, kéo dài ngày, địa hình hiểm trở, pháo binh địch liên tục pháo kích, có ngày chỉ riêng mặt  trận Vị Xuyên đã phải hứng chịu 50.000 viên đạn pháo và đương đầu chống chọi với 7 đợt tiến công của quân địch. Công tác bảo đảm hậu cần gặp rất nhiều khó khăn, bộ đội phải chịu đựng khổ cực, thiếu thốn; ở một số mặt trận có những thời điểm mỗi ngày, một chiến sỹ chỉ được phát 3 nắm cơm với cá khô và muối rang; 3 người được cấp một can nước 5 lít dùng cho mọi sinh hoạt. Đời sống thiếu thốn cực khổ như vậy nhưng lực lượng giữ chốt vẫn vượt lên tất cả, kiên cường trụ bám đánh địch, giữ vững trận địa. Họ không những giữ vững được trận địa, mà còn liên tục tổ chức các trận phản công quân địch quyết giành lại những vị trí đã mất. Phía sau họ, cả nước đang hướng về dải đất biên cương với niềm tin và sự góp sức; phía sau họ là cả một  thế trận lòng dân vững chắc mà không một thế lực hay kẻ thù nào có thể phá vỡ nổi. Trong hoàn cảnh thiếu thốn và cực khổ đó nếu không có sự cưu mang đùm bọc, giúp đỡ và sát cánh của người dân các dân tộc vùng núi phía Bắc thì lực lượng vũ trang  sẽ còn gặp vô vàn khó khăn, khó mà bảo đảm được quân số chiến đấu. 

Mặc dù 40 năm đã trôi qua nhưng nỗi đau của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc để lại vẫn còn đó. Mảnh đất này vẫn đầy rẫy những dấu tích chiến tranh; nhiều  bãi mìn vẫn chưa được gỡ hết, cái chết vẫn luôn rình rập. Cho đến nay vẫn chưa có con số thống kê chính xác những tổn thất về người và của của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và chống lấn chiếm ở biên giới phía Bắc. Tuy nhiên, chỉ thống kê ở một mặt trận thôi cũng đủ thấy sự khốc liệt của cuộc chiến và những đau thương, mất mát. Để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc,  chỉ riêng tại mặt trận Vị Xuyên đã có gần 5.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, trong đó mới chỉ có hơn 1.700 hài cốt được tìm thấy, còn lại hơn 3.000 hài cốt  vẫn nằm rải rác đâu đó trong các hốc đá, vùi dưới gốc cây bên các sườn núi cheo leo cho đến nay vẫn chưa thể nào tìm và lấy ra đựợc. Dẫu vậy, người dân các tỉnh biên giới phía Bắc, những người lính đã từng chiến đấu tại đây – kể cả những người may mắn được sống sót trở về cũng như những vong hồn của những người đã hòa mình vào lòng đất biên cương của Tổ quốc vẫn có quyền tự hào bởi họ là những người viết lên khúc tráng ca bất tử trong  cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc.

Đại tá PGS.TS Trần Ngọc Long

(Nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)

Các tin tức khác

Về thuật ngữ “đoàn kết”

04/11/2022 - 10.545 lượt xem
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020