Theo ông Sandip Kumar Mishra, phó giáo sư tại Đại học Jawaharlal Nehru, Ấn Độ, đối với những ai kỳ vọng rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Hà Nội phải đạt được một thỏa thuận nào đó, dù là lớn hay nhỏ, họ có thể cảm thấy thất vọng với kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, ông Mishra đã chỉ ra những điểm tích cực từ sự kiện này.
Thứ nhất, việc Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh lần hai chỉ trong vòng 8 tháng sau cuộc gặp đầu tiên tại Singapore là dấu hiệu rõ ràng cho thấy cả hai bên đều đang tìm cách giải quyết các vấn đề còn mâu thuẫn. Trong bối cảnh có nhiều sự kiện quan trọng diễn ra cùng một lúc như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, khủng hoảng tại Venezuela hay căng thẳng Ấn Độ - Pakistan, việc Tổng thống Trump vẫn tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Kim theo đúng kế hoạch đề ra tại một đất nước xa xôi như Việt Nam là điều cần được đánh giá cao.
Thứ hai, hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội cũng là sự kiện mang ý nghĩa tốt hơn cho cả Mỹ và Triều Tiên xét về mặt đối thoại sâu rộng mà cả hai nước đã tham gia ở cấp cao nhất. Cả hai nhà lãnh đạo đã dành vài giờ đồng hồ trong hai ngày thượng đỉnh để trò chuyện với nhau theo nhiều cách khác nhau. Đây chắc chắn là những cơ hội để Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim hiểu thêm về lập trường và những ưu tiên của nhau.
Một yếu tố quan trọng để dẫn tới bất kỳ thỏa thuận nào giữa Mỹ và Triều Tiên trong tương lai là cả hai bên phải có sự trao đổi nhiều hơn. Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội đã tạo ra nền tảng cho những cuộc trao đổi như vậy.
Thứ ba, điều quan trọng được rút ra sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này tại Hà Nội là cả hai nhà lãnh đạo đều rời khỏi sự kiện mà không đưa ra những lời lẽ công kích nhau. Hội nghị thượng đỉnh lần một tại Singapore kết thúc bằng một tuyên bố chung và điều dễ hiểu là sự kiện này được đánh giá tích cực.
Mặc dù trong lần gặp thứ hai tại Hà Nội Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim không ra được tuyên bố chung, song cả hai vẫn dành cho nhau những đánh giá tích cực và đây là điều đáng chú ý. Điều đó cho thấy “sự chín chắn” hơn của hai nhà lãnh đạo vốn được xem là khó đoán trên chính trường thế giới.
Thứ tư, việc không ra được một tuyên bố chung sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội cũng có nghĩa cả Mỹ và Triều Tiên đã đàm phán tới cốt lõi của vấn đề và nhận thức được rằng, họ không dễ để giải quyết vấn đề này trong một sớm một chiều.
Con đường phía trước có thể sẽ chông gai hơn, nhưng nếu cả hai bên vẫn tiếp tục giữ được sự kiềm chế và tích cực trong việc giải quyết các bất đồng, Mỹ và Triều Tiên hoàn toàn có khả năng đạt được thỏa thuận trong tương lai.
Những cam kết cũng như giải pháp cho một vấn đề phức tạp và kéo dài như chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ cần tới vài hội nghị thượng đỉnh. Do vậy, cuộc gặp tại Hà Nội sẽ không thể coi là một sự thất bại nếu mọi thứ được nhìn nhận từ góc độ trên.
Thứ năm, một giải pháp cho chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên chỉ có thể đạt được thông qua việc xây dựng lòng tin giữa Washington và Bình Nhưỡng. Như Tổng thống Trump từng đề cập tại buổi họp báo sau cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Kim, việc trì hoãn thỏa thuận thậm chí còn tốt hơn so với việc hai bên cố đưa ra một thỏa thuận tồi.
Việc Mỹ và Triều Tiên không đạt được thỏa thuận có lẽ còn tốt hơn việc hai bên đưa ra một thỏa thuận mà không tuân thủ thỏa thuận đó, hay một thỏa thuận mà không đi kèm với sự tin tưởng lẫn nhau. Do vậy, dư luận không nên quá thổi phồng sự thất vọng về việc Mỹ - Triều không đạt được thỏa thuận lần này. Nói cách khác, hai bên không hẳn là “không đạt được thỏa thuận” mà chỉ là “trì hoãn đạt được thỏa thuận”.
Harry Kazianis, giám đốc nghiên cứu Hàn - Triều tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia, cũng đồng tình với quan điểm rằng việc hai nước không đạt được thỏa thuận còn tốt hơn một thỏa thuận tồi. Thậm chí, ông Kazianis còn nhận định “không có gì tệ hơn việc hai bên ký một thỏa thuận chỉ để đạt được một cái gì đó”.
Theo Sue Mi Terry, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) tại Washington, “việc hai nước quyết định không đi đến một thỏa thuận trong cuộc gặp lần này tốt hơn việc chấp thuận một thỏa thuận không mấy tích cực. Một thỏa thuận tồi có thể làm suy yếu đáng kể lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ cũng như các mối quan hệ đồng minh của Washington trong khu vực”.
Trong cuộc phỏng vấn với Fox News sau khi trở về Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã thừa nhận rằng cả ông và Chủ tịch Kim Jong-un đều “chưa sẵn sàng” dù hai bên đã có hai ngày thượng đỉnh “tuyệt vời”. Ông chủ Nhà Trắng cũng không loại trừ khả năng sẽ đạt được một thỏa thuận trong tương lai với Triều Tiên.
Giới phân tích nhận định việc phi hạt nhân hóa không thể xảy ra chỉ trong một đêm. Lịch sử quan hệ Mỹ - Triều cho thấy tới đầu năm 2018, nhiều người vẫn lo ngại về nguy cơ xảy ra xung đột quân sự giữa hai nước khi Triều Tiên vừa tiến hành các vụ thử vũ khí, vừa tuyên bố đe dọa tấn công các vùng lãnh thổ của Mỹ. Đáp lại, chính quyền Trump cũng dọa trút “lửa và hỏa lực” vào Triều Tiên.
Tuy nhiên chỉ trong một năm, mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn. Mối quan hệ giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim đã tiến triển tốt đẹp dù không lâu trước đó, hai nhà lãnh đạo còn chĩa mùi dùi công kích nhau. Triều Tiên đã dừng các vụ thử tên lửa hoặc hạt nhân từ sau hội nghị thượng đỉnh với Mỹ tại Singapore.
Mặc dù vấn đề hạt nhân của Triều Tiên chưa được giải quyết, song tình trạng đối đầu căng thẳng Mỹ - Triều đã tạm dừng. Hơn nữa, giải giáp vũ khí hạt nhân không phải chỉ qua một hội nghị là có thể giải quyết được, mà đây là tiến trình diễn ra từ từ, được lên kế hoạch kỹ lưỡng và giám sát cẩn trọng.
Theo Dân trí