Lần ấy, Bác Hồ tiếp đồng chí Lê Văn Lương, Bí thư
Trung ương Đảng. Bác cho biết hơn mười năm qua, Bác theo dõi các bài
viết về gương "người tốt, việc tốt" đăng trên báo chí. Bác nói tiếp:
Nếu ai cũng làm theo "người tốt, việc tốt" thì cái tốt sẽ trở thành phổ
biến, và xã hội ta sẽ ngày càng tốt đẹp.
Mỗi khi đọc báo, Bác chú ý các bài viết về gương
"người tốt việc tốt". Từ năm 1956, Bác đã cất những bài báo ấy, dán
thành mười tập. Bác bảo đồng chí Lê Văn Lương nhờ một số người viết lại
thành chuyện để phổ biến. Biết bao câu chuyện cảm động về tinh thần lao
động, chiến đấu và học tập được xuất bản, làm nức lòng mọi tầng lớp
nhân dân ta; nhất là cán bộ đảng viên đọc để học và làm theo. Bác Hồ
răn dạy: "Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Phải giữ
gìn đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính. Đạo đức
cách mạng có thể nói tóm tắt là: "Nhận rõ phải trái. Giữ vững lập
trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân. Mọi việc thành hay bại,
chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không". Người
lại nói: "Đạo đức cách mạng là cần kiệm liêm chính, chí công vô tư". Lý
luận của Bác mang tính thực tiễn, mỗi lời của Người thấm vào tâm can
đội ngũ cán bộ, những người học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ
Chí Minh, nguyện trở thành công bộc của nhân dân. Câu nói của Bác thật
giản dị và dễ hiểu: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc
thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém".
Để đào tạo đội ngũ cán bộ đủ đạo đức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân
dân, ngay từ ngày chưa thành lập Đảng Cộng sản, Bác Hồ đã viết tác phẩm
Đường Kách mệnh (năm 1927), vạch ra con đường mới cho cách mạng Việt
Nam. Năm 1947, sau hai năm lập nước, Bác viết hai tác phẩm Sửa đổi lối
làm việc và Đời sống mới, đềâ cao những việc làm tốt, phê phán những
lời nói và việc làm trái với đạo đức cách mạng; xây dựng đời sống mới,
vì dân giàu nước mạnh. Tác phẩm đặc sắc Dân vận Bác viết năm 1949 nhắc
nhở cán bộ phải lấy dân làm gốc.
Dễ trăm lần không dân cũng chịu
Khó vạn lần dân liệu cũng xong.
Tác phẩm kiệt xuất Bác để lại cho chúng ta và muôn đời mai sau là bản
Di chúc lịch sử. Bác khởi thảo Di chúc từ ngày 10-5-1965 và xem lại lần
cuối vào ngày 19-5-1969. Bản Di chúc thiêng liêng ấy hằng ngày soi sáng
công cuộc đổi mới của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta hôm nay.
Bác Hồ cũng là nhà báo cách mạng lỗi lạc của làng báo Việt Nam ta. Các
tác phẩm báo chí của Bác chủ yếu xây dựng những "Người tốt, việc tốt";
đề cao cái tốt, phê phán cái xấu. Chính Bác Hồ là người sáng lập, viết
bài, lo toan phát hành các tờ báo cách mạng của nước ta: Người cùng khổ
(Le Paria, năm 1921), Thanh Niên, Công Nông, Lính Kách mệnh, Thân ái,
Đỏ, Việt Nam độc lập, Cứu Quốc. Sau Đại hội II của Đảng ta (1951), báo
Nhân Dân ra đời và tờ Sự Thật đình bản. Tờ số 1 báo Nhân Dân
(11-3-1951), Bác đã viết cho báo Nhân Dân 1205 bài. Bài báo cuối cùng
của Bác đăng báo Đảng vào ngày 1-6-1969, nói về chăm sóc thiếu nhi,
nuôi trồng mầm non, tương lại đất nước.
Vì lợi ích mười năm trồng cây
Vì lợi ích trăm năm trồng người.
Bản thân tôi có diễm phúc lớn: Được phục vụ gián tiếp Bác Hồ trong
nhiều năm. Từ khoảng năm 1958 đến năm 1969, Ban Biên tập báo Nhân Dân
phân công tôi hằng ngày đọc các báo, nghe các đài, tóm tắt tin trong
nước, để đến cuối tuần có giao thông đưa lên Văn phòng Phủ Chủ tịch.
Đồng chí Đinh Tấn được phân công tóm tắt tin thế giới. Đồng chí Hoàng
Tùng, Tổng biên tập nhắc nhở chúng tôi: "Đừng để sót tin bài nêu gương
"người tốt việc tốt" để Bác Hồ xét thưởng Huy hiệu."
Tính từ năm 1957, Bác Hồ đã thưởng khoảng bốn nghìn Huy hiệu của Người
cho các đơn vị cá nhân có thành tích xuất sắc. Đến nay, nhiều người vẫn
trân trọng giữ gìn kỷ vật đó. Anh chị em báo Nhân Dân chúng tôi vẫn nhớ
mãi một ngày vui lớn: Ngày 18/1/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức
thăm báo Nhân Dân. Chúng tôi quây quần chúng quanh một nhà báo cách
mạng vĩ đại. Bác khuyên chúng tôi cố gắng học tập và công tác, trước
hết phải đoàn kết, có đoàn kết việc chung mới thành công. Bác cầm chiếc
đồng hồ quả quít và giảng dạy thêm: Chiếc đồng hồ này chạy được là do
nhiều chi tiết hợp thành. Nếu thiếu một đinh vít nhỏ, đồng hồ không
chạy được. Một người được phân công việc gì, dù nhỏ cũng phải làm tốt.
Lời Bác giản dị mà sâu xa. Vâng lời Bác cơ quan chúng tôi dấy lên phong
trào học tập nghiệp vụ, văn hóa, ngoại ngữ. Trên dưới một lòng, toàn
thể cơ quan đoàn kết nhất trí.
Hà Huy Hòe