Nhận
thức
sâu sắc "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng", "Dễ trăm lần
không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong"; Trải qua mỗi giai
đoạn phát triển của cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt
coi trọng công tác dân vận - một trong những công tác cơ bản có tính
chất chiến lược trong suốt quá trình Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng
của nhân dân ta. Trong tác phẩm "Dân vận" (đăng trên báo Sự thật số 120
ra ngày15 tháng 10 năm 1949), Chủ tịch Hồ Chí Minh (với bút danh X.Y.Z)
đã viết: "…Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân
không để sót môt người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực
hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã
giao cho. Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh,
khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ.
Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi
một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của
họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Điểm thứ hai là bất cứ việc gì
đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với
dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên
và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp
đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm
thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng…"
"…Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tại nghe,
chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải nói suông, chỉ ngồi viết
mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc"; "…Lực lượng của dân
rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém.
Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công". (CD-ROM Hồ Chí Minh toàn
tập. Tập 5. NXB Chính trị Quốc gia. H. 2001, tr: 698)
"Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công" !
Vậy thế nào là "dân vận khéo" ?
Theo Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học do Trung tâm từ điển học
và Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2002 thì: Khéo là "biết có những cử
chỉ, hành động, lời lẽ thích hợp làm người khác vừa lòng, để đạt được
kết quả như mong muốn trong quan hệ đối xử" (tr 497).
Lý luận và thực tiễn về dân vận cho thấy, để "dân vận khéo" cần phải
hiểu mục tiêu, đối tượng và nội dung công tác dân vận, từ đó, đề ra
phương pháp, cách thức thực hiện công tác dân vận phù hợp. Mục tiêu
công tác dân vận là mục tiêu chung của cách mạng, đối tượng công tác
dân vận là nhân dân, nội dung cơ bản của công tác dân vận là tổ chức
lực lượng nhân dân, thực hiện đại đoàn kết toàn dân. Cách làm dân vận
là phải tiến hành từ cơ sở, nắm chắc và vận động nhân dân từ cơ sở. Nhờ
nhận thức và thực hiện "khéo" công tác dân vận nên sức mạnh dân tộc,
sức mạnh của các tầng lớp nhân dân ta đã được minh chứng sinh động
trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, trong xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc, trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước…
Trong tình hình hiện nay, để phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn
kết toàn dân, phát huy truyền thống dân tộc, thi đua thực hiện thắng
lợi các nhiệm vụ KT-XH, AN-QP, đấu tranh chống tệ quan liêu, tham
nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội khác, thực hiện CNH-HĐH đất nước
và hội nhập quốc tế, sớm đưa nước ta thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu đòi
hỏi sự cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân
dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, công tác dân vận ở cơ sở có vị
trí rất quan trọng.
Quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự
chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên về công tác dân vận, những năm qua, các
cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở đã quan
tâm lãnh đạo, tổ chức thực hiện công tác dân vận có hiệu quả. Khối Dân
vận ở cơ sở (xã, phường, thị trấn) với sự tham gia của đại diện cấp uỷ,
chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể nhân dân đã xây dựng quy chế
hoạt động, có sự phân công cụ thể từng thành viên "làm" dân vận... Cấp
uỷ đảng, chính quyền tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các chủ
trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; MTTQ và
các tổ chức thành viên phối hợp với chính quyền tổ chức các phong trào
thi đua yêu nước thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương và công
tác đặc thù của cơ quan, tổ chức mình; lực lượng vũ trang bám sát địa
bàn dân cư, tích cực vận động nhân dân chấp hành pháp luật, góp phần
bảo đảm an ninh trật tự, vận động nhân dân thực hiện tự do tín ngưỡng
trong khuôn khổ pháp luật, thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết
xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, có nơi, có lúc, công tác dân
vận chưa ngang tầm nhiệm vụ. Trong điều kiện thông tin đa chiều, phức
tạp, việc vận động nhân dân không thể chung chung, thiếu căn cứ, nhất
là vận động thực hiện các chính sách liên quan đến những vấn đề nhạy
cảm, đụng chạm trực tiếp tới quyền lợi của người dân như đất đai, lao
động việc làm, giải phóng mặt bằng… Các chính sách phải được cơ quan
chức năng triển khai đến từng người dân một cách đồng bộ, bảo đảm
quyền, lợi ích hợp pháp của người dân đồng thời đề nghị người dân phải
tôn trong, chấp hành pháp luật, các quy định của cơ quan nhà nước có
thẩm quyền. Nếu người dân chưa thông, cần tổ chức gặp gỡ, đối thoại
chân tình, dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của
người dân để phản ánh, kiến nghị với các cơ quan hữu quan và tranh thủ
các phương tiện thông tin đại chúng để định hướng dư luận theo hướng
tích cực. Ngược lại, chủ trương chính sách phải đúng đắn, phù hợp, khả
thi, minh bạch, công khai. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố
cáo của công dân phải được thực thi đúng pháp luật, hiệu quả. Pháp lệnh
thực hiện dân chủ ở cơ sở xã, phường, thị trấn phải được tôn trọng. Nếu
những kiến nghị của người dân không được ghi nhận, giải quyết thoả
đáng, thấu lý, đạt tình, người dân không tin tưởng thì sẽ rất khó khăn
cho công tác dân vận (thời gian qua, tại nhiều địa phương đã xảy ra
không ít những vụ việc bức xúc, gây khiếu kiện phức tạp, vượt cấp, ảnh
hưởng trực tiếp đến ANCT-TTATXH, đến đời sống sinh hoạt của nhân dân và
sự ổn định của địa phương). Người cán bộ làm công tác dân vận phải có
kiến thức lý luận và thực tiễn, hiểu biết và gương mẫu chấp hành pháp
luật, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, có uy tín và quan hệ tốt với
cộng đồng xã hội, biết vận dụng sáng tạo trong từng công việc và từng
đối tượng cụ thể.
Hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đưc Hồ Chí
Minh", thiết nghĩ, các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng,
cán bộ chính quyền, đoàn thể cần hiểu sâu sắc và không ngừng trau dồi
công tác dân vận. Sao cho "dân vận khéo" để "việc gì cũng thành công".
Nguyễn Minh Hùng