Sáng 30-1-2020, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp bàn các giải pháp ứng phó với bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút mới corona (nCoV).
Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành và 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.
Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp mắc nCoV
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, thông tin từ hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, tính đến sáng 30-1, thế giới đã ghi nhận 7.711 trường hợp mắc nCoV, trong đó có 170 trường hợp tử vong. Mỗi ngày, số mắc tăng thêm hơn 1.000 trường hợp. Ngoài Trung Quốc, nCoV đã lây lan sang 17 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổ chức Y tế thế giới đưa ra cảnh báo dịch ở cấp độ rất cao tại Trung Quốc, cấp độ cao ở khu vực và toàn cầu.
Tại Việt Nam, tính đến sáng 30-1 đã ghi nhận hai trường hợp mắc nCoV là hai cha con người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam, mắc bệnh tại Nha Trang và được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh). Hiện tại, cả hai bệnh nhân đều đã hết sốt, tình trạng sức khỏe ổn định, một người đã khỏi bệnh với kết quả xét nghiệm lại đã âm tính với nCoV.
Còn tại Hà Nội, đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận trường hợp mắc nCoV. Các bệnh viện trên địa bàn thành phố cũng đã cách ly 14 trường hợp nghi ngờ vì có triệu chứng sốt, ho và có tiền sử đi từ vùng dịch về. Hiện tại, sức khỏe của tất cả các trường hợp này đều ổn định, không có bệnh nhân nặng, ba trường hợp đã khỏi bệnh, hết triệu chứng, một trường hợp có xét nghiệm âm tính với nCoV, các trường hợp khác đang chờ kết quả xét nghiệm.
PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trước nguy cơ dịch bệnh nCoV xâm nhập vào thành phố, thời gian qua, ngành Y tế Thủ đô đã tăng cường giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài, đồng thời triển khai việc áp dụng tờ khai y tế khi nhập cảnh tại cửa khẩu. Bên cạnh đó, tiến hành điều tra, khoanh vùng xử lý triệt để tại nhà bệnh nhân và các khu vực liên quan của 14 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, lập danh sách theo dõi sức khoẻ của 60 người tiếp xúc gần. Hiện tại, tình trạng sức khoẻ của tất cả những người tiếp xúc gần đều ổn định, chưa có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.
Ngành Y tế thành phố cũng đã tổ chức tập huấn, phổ biến hướng dẫn giám sát và điều trị cho các cán bộ tham gia công tác phòng, chống bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thường trực tiếp nhận thông tin 24/24h qua đường dây nóng: 0969082115 và 0949396115.
Hà Nội bố trí khoảng 43 tỷ đồng đối phó với nCoV
Đề cập các biện pháp thành phố đang triển khai để phòng, chống bệnh nCoV, PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, thành phố đã chủ động triển khai từ rất sớm các biện pháp ứng phó với nCoV. Trước thời điểm Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, ngành Y tế Hà Nội đã tổ chức tập huấn giám sát phát hiện sớm ca bệnh nCoV tại cộng đồng cho 30 trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã. Ngay trong những ngày nghỉ Tết, toàn bộ khối y tế dự phòng của ngành Y tế Thủ đô đã tổ chức thường trực 24/24h để phòng, chống ca bệnh nCoV xâm nhập, nhất là tại sân bay quốc tế Nội Bài.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, bài học từ dịch bệnh SARS năm 2003 có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phòng, chống bệnh nCoV. Khi đó, chúng ta đã thành công trong việc khoanh vùng, cách ly các ca mắc bệnh tại Bệnh viện Việt - Pháp, khống chế được bệnh lây lan trong cộng đồng. Đối với nCoV, ngành Y tế Thủ đô đã đưa ra những tình huống đối phó rất cụ thể. Để chủ động, sẵn sàng ứng phó nếu bệnh bùng phát, Chính phủ đã khuyến cáo xây dựng bệnh viện dã chiến và giao cho lực lượng quân đội. Hà Nội cũng đã lên kế hoạch cho tình huống này, sẵn sàng tổ chức bệnh viện dã chiến khi cần.
Trước diễn biến tình hình dịch bệnh nCoV ngày càng phức tạp tại Trung Quốc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội dự đoán, bệnh này có thể kéo dài từ 3 đến 5 tháng, cần sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị thì mới khống chế được bệnh. Hiện tại, với một trường hợp nghi nhiễm nCoV, chúng ta phải mất 4 ngày mới có được kết quả xét nghiệm. Thế nhưng, vào ngày mai (31-1), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội sẽ tiếp nhận toàn bộ quy trình xét nghiệm nCoV từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông qua Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. Quy trình xét nghiệm này sẽ cho kết quả xét nghiệm nCoV nhanh nhất trong 6 tiếng.
"Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố tiến hành in tờ rơi, hướng dẫn đầy đủ các biện pháp phòng, chống nCoV và phát miễn phí đến mỗi hộ gia đình để nâng cao hiểu biết cho từng người dân. Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, người dân sẽ hợp tác với ngành Y tế, biết cách ly sớm, hạn chế sự lây lan, hạn chế số ca mắc bệnh trong cộng đồng", PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm nói.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là giám sát, phát hiện ca bệnh từ sớm. Do đó, các sở, ngành, trong đó có Sở Du lịch Hà Nội, Công an thành phố, cần phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, y tế cơ sở tại các quận, huyện, thị xã tổ chức giám sát, phát hiện ca bệnh tại cộng đồng. Hiện nay, ngành Y tế thực hiện việc giám sát tại các cơ sở lưu trú rất khó khăn, do đó cần có sự hợp tác của Sở Du lịch, cung cấp thông tin các cơ sở lưu trú có hành khách đến Việt Nam từ vùng có dịch. Từ đó, thông báo với hành khách cần đến các cơ sở y tế khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng...
"Trước mắt, thành phố bố trí khoảng 43 tỷ đồng cho các sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị phòng, chống bệnh. Tuỳ vào diễn biến thực tế, chúng tôi tiếp tục có sự điều chỉnh", Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền nói.
Cấm kinh doanh, sử dụng động vật hoang dã
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, Hà Nội là một trong những đơn vị triển khai từ rất sớm công tác phòng, chống bệnh nCoV ở cả 3 lĩnh vực. Cụ thể, tại sân bay quốc tế Nội Bài, thành phố đã triển khai sớm việc kiểm soát y tế hành khách nhập cảnh bằng máy đo thân nhiệt 24/24h.
Ngoài ra, Hà Nội đã kích hoạt sự vào cuộc của 65 đội chống dịch cơ động của thành phố và 30 quận, huyện, thị xã, đồng thời tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng phó với bệnh nCoV. Hà Nội cũng đã tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống nCoV trên các phương tiện truyền thông đại chúng để người dân nắm bắt. Nhờ đó, ngay trong những ngày đầu năm mới, tại các điểm vui chơi, lễ hội, nơi công cộng, sân bay..., người dân đã thực hiện đeo khẩu trang.
Đề cập diễn biến tình hình dịch bệnh nCoV tại Trung Quốc, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, số ca mắc bệnh, tử vong đang tăng lên từng giờ. Nhiều bằng chứng cho thấy, bệnh này lây lan từ người sang người ngay cả trong thời gian ủ bệnh. Vì đây là chủng vi rút mới nên đến nay, trên thế giới chưa có phác đồ điều trị bệnh. Do đó, tại Việt Nam, việc triển khai phòng, chống ca bệnh xâm nhập là vấn đề quan trọng số một.
Để làm được điều đó, trước tiên, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục phân công cán bộ y tế thực hiện giám sát hành khách nhập cảnh 24/24h tại sân bay quốc tế Nội Bài. Tất cả trường hợp nghi ngờ phải được thực hiện đúng quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc cách ly, đưa về cơ sở y tế, đồng thời tiến hành xét nghiệm mẫu bệnh phẩm. Mặt khác, rà soát lại hành trình của những người nghi nhiễm hoặc nhiễm bệnh (nếu có), thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để những người tiếp xúc với những trường hợp trên chủ động đến cơ sở y tế theo dõi sức khỏe.
Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, thành phố tiếp tục cập nhật liên tục tình hình dịch bệnh trên thế giới, từ đó tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho người dân, tránh gây hoang mang trong dư luận. Cùng với đó, cử các chuyên gia y tế phối hợp với các cơ quan báo chí phổ biến kiến thức phòng bệnh, dấu hiệu nhận biết bệnh cho người dân.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu lực lượng quản lý thị trường, cơ quan chức năng của các quận, huyện, thị xã đến từng nhà hàng, khu vực có lễ hội, vùng ngoại thành... để kiểm tra việc thực hiện lệnh cấm kinh doanh, sử dụng động vật hoang dã, nhất là cầy hương, tại các cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Tổ chức phun khử trùng phòng bệnh tại tất cả trường học
Về việc phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo các trường học trên địa bàn bảo đảm vệ sinh trường học, lớp học, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức vệ sinh phòng bệnh cho học sinh. Trong 3 ngày (từ 31-1 đến 2-2), 30 quận, huyện, thị xã phải tổ chức phun khử trùng phòng bệnh cho tất cả các trường học trên địa bàn, hoàn thành chậm nhất vào ngày 2-2.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng lưu ý, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các công nhân người Trung Quốc sẽ quay trở lại làm việc tại Việt Nam. Do đó, tại 30 quận, huyện, thị xã, cần thành lập các tổ giám sát, đến tận các công trường có công nhân Trung Quốc làm việc để phổ biến cho họ các biện pháp phòng bệnh nCoV và khi có biểu hiện bất thường, phải liên lạc với cơ sở y tế.
Đối với Sở Du lịch Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đề nghị đơn vị làm việc với tất cả các công ty du lịch trên địa bàn thành phố, tạm thời không đón, nhận khách đến từ những vùng đang có dịch bệnh nCoV. Thành phố tiếp tục duy trì 65 đội phòng, chống dịch cơ động. Với những quận, huyện, thị xã có nhiều cơ sở lưu trú, công trường có người Trung Quốc làm việc, cần tăng cường đội chống dịch cơ động để rà soát, tuyên truyền về các biện pháp phòng bệnh, đồng thời phát hiện, cách ly kịp thời những ca bệnh nghi nhiễm nCoV.
Các quận, huyện, thị xã báo cáo việc triển khai việc phòng, chống dịch bệnh 3 lần/ngày, nếu xảy ra ca bệnh phải báo cáo ngay lập tức. Ngày mai (31-1), thành phố sẽ thành lập một tổ kiểm tra công tác ứng phó, chuẩn bị phòng, chống nCoV của các đơn vị.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu dự phòng khoảng 15-20 triệu chiếc khẩu trang. Nếu trong trường hợp xảy ra ổ dịch trên địa bàn quận, huyện, thị xã thì thực hiện phát khẩu trang miễn phí cho người dân. Tại các bệnh viện của ngành Y tế Thủ đô, cần dành riêng các khu vực cách ly những ca bệnh nghi ngờ mắc nCoV, bảo đảm đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Không chỉ các bệnh viện công lập, Sở Y tế, các quận, huyện, thị xã phải mời các bệnh viện ngoài công lập tham gia chiến dịch này, không để họ đứng ngoài cuộc.
Đánh giá nguy cơ bệnh nCoV xâm nhập vào Thủ đô là rất lớn, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đề nghị, Sở Y tế xây dựng 4 kịch bản đối phó với dịch bệnh nguy hiểm này. Mỗi kịch bản cần có từng phương án ứng phó cụ thể. Ngành Y tế thành phố cần tập huấn cho toàn bộ hệ thống dự phòng, hệ thống điều trị tuân thủ toàn bộ hướng dẫn giám sát, cách ly, phác đồ điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế; có thể học hỏi thêm kinh nghiệm giám sát, cách ly, điều trị mà Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) đã triển khai thành công khi điều trị cho hai cha con bệnh nhân người Trung Quốc.
Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, Hà Nội phấn đấu không để một ca bệnh nCoV xâm nhập. Trong trường hợp có ca mắc bệnh, thành phố sẽ ứng phó ở mức cao nhất.
Theo HNM