Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là học đạo làm
người. Phong cách sinh hoạt và lối sống bình dị của Người không phải là
những điều cao xa khó làm theo, dù người đó làm lao động chân tay hay
là cán bộ cấp cao, nhà trí thức uyên bác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở chúng ta: Nói
phải đi đôi với làm, học phải gắn liền với hành mới đạt hiệu quả thiết
thực. Cuộc vận động lớn "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí
Minh" do Trung ương Đảng phát động, sau hơn một năm triển khai đã và
đang đi vào chiều sâu. Nhưng từ chuyển biến tư tưởng đi đến ứng dụng
thực hành vào công việc hàng ngày của mỗi người hầu như vẫn còn một
khoảng cách. Trong khi tình hình kinh tế -tài chính của đất nước ta
thời hội nhập và phát triển, bên cạnh những thuận lợi đã phát sinh
nhiều thách thức đòi hỏi mỗi người phải nâng cao hơn nữa ý thức trách
nhiệm công dân. Đảng và Chính phủ đã kêu gọi phải triệt để thực hành
tiết kiệm, kiên quyết chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Muốn thế phải
sửa đổi lối làm việc, phải cải cách hành chính, phải tuân theo đúng 8
chữ vàng "cần - kiệm - liêm -chính, chí công vô tư" mà Bác Hồ đã định
hướng.
Có người phản bác rằng: Thời nào có cách sống của thời ấy, không nên
bắt ta phải thắt lưng buộc bụng gian khổ như thời kháng chiến.
Suy nghĩ ấy không sai, nhưng chưa đầy đủ. Phải nhìn vào thực trạng của
cuộc sống toàn dân, của đồng bào vùng sâu, vùng xa, nơi thường xuyên bị
thiên tai tàn phá để thấy nhân dân ta còn nhiều người nghèo, người
thiếu thốn, chưa đủ no, chưa đủ ấm, chưa có mái nhà đủ che mưa nắng...
Không thể lấy mức sống của một bộ phận nhân dân đô thị để đánh giá
chung. Cho nên chớ vội vung tay quá trán. Đừng coi là nhỏ việc Bác Hồ
lộn trái chiếc phong bì cũ để dùng lần nữa, viết lên giấy còn một mặt
chưa in của bản tin, mặc chiếc áo nâu sồng giản dị, đi đôi dép lốp cao
su cho bền, đứng bên bếp lửa không đánh que diêm hút thuốc cho lãng
phí... cũng như bây giờ ta tắt bớt một ngọn đèn điện không cần thiết,
bỏ những cái phô trương hình thức, tiêu dùng của công không tiếc, ăn
uống chiêu đãi quá mức, đất đai vật tư Nhà nước bị xà xẻo, bỏ hoang, để
hư hỏng không thấy đau xót... là những việc ta cần làm ngay và loại trừ
ngay. Nước chưa thể giàu, dân chưa thể mạnh nếu ta không tạo được thói
quen sống và làm việc không chỉ vì mình, cho mình mà còn vì mọi người,
cho dân tộc. Tiết kiệm chứ không phải bủn xỉn, keo kiệt. Chống lãng phí
chứ không phải co mình lại không dám chi, không dám làm.
Nhìn những tờ giấy trắng muốt in các văn bản, tài liệu của cơ quan mà
chỉ in một mặt, hàng ngày diễn ra ở khắp nơi; chỉ cần in đúng cả hai
mặt giấy, ta đỡ chi được một nửa, trong cả nước sẽ tiết kiệm bao nhiêu?
Trời chưa tối, hàng triệu bóng đèn đã bật; trời đã sáng hàng triệu bóng
đèn vẫn đỏ lửa; có bao nhiêu phòng làm việc quên tắt đèn, tắt quạt, tắt
điều hoà, tắt máy móc điện tử khi cán bộ, công chức đã ra về? Bao nhiêu
chiếc xe công dùng vào việc riêng, chạy không người trên đường phố hàng
ngày?
Biết lãng phí mà không sửa đổi, không cắt giảm cũng là một thứ vô cảm
đáng trách, đáng lên án. Chẳng khác nào bộ phận phục vụ dân mà chưa vì
dân, vẫn "hành dân" về các thủ tục nhiêu khê, đòi hỏi những điều kiện
vô lý còn diễn ra ở không ít chỗ "một cửa" làm dân mất công sức đi lại,
chờ đợi, tốn kém, bực bội, thiếu tin tưởng...
Do đó, học tập tấm gương hành xử của Bác Hồ rồi, mỗi người chúng ta nên
liên hệ bản thân, đề ra từng việc cụ thể cần làm theo Bác, từ những
việc nhỏ nhất cho đến việc lớn.
Chỉ có như vậy, chúng ta mới xoay chuyển được tình hình, vượt lên thách thức, khó khăn để tiến bước.
Có biết bao bài học của Bác có thể ứng dụng, làm theo.Đấy chính là một
trong những biện pháp cơ bản để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của
thành phố tiến tới chào mững đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà
Nội, để thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và các Nghị quyết của
Ban chấp hành Trung ương khoá X.
Đấy là đường đi tới để trở thành con người tốt, con người biết đạo lý, người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
GIANG QUÂN