Niềm vinh dự và nguồn hạnh phúc lớn lao

12/05/2010 - 12:00 AM

Kỷ niệm sâu sắc nhất mà tôi muốn kể trong bài viết này chính là những lần được gặp Bác tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng ta diễn ra tại Hà Nội từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 9 năm 1960 tại Thủ đô Hà Nội.

Hồi đó, tôi đang là cán bộ giảng dạy Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Bỗng một hôm, vào cuối tháng 6, tôi được lãnh đạo nhà trường gọi lên thông báo quyết định phải bàn giao ngay công việc và cho nghỉ phép một tuần để sau đó đi nhận công tác đặc biệt.

Anh em cán bộ giảng dạy trong bộ môn tôi đoán già, đoán non nhưng cuối cùng đành chịu, chẳng ai biết công tác đặc biệt đó là gì.

Hết thời gian nghỉ phép, tôi khoác ba-lô, đạp xe đến địa điểm đã quy định trong giấy triệu tập. Đó là khu nhà số 8 và số 10 đường Chu Văn An - Hà Nội hiện nay.

Qua ít ngày ổn định tổ chức và học tập nội quy, mọi người chúng tôi mới vỡ lẽ ra là mình được triệu tập đi phục vụ Đại hội III của Đảng.

Sau đó, tất cả được chuyển về Trường Tuyên huấn Trung ương để học tập chính trị nhằm xác định thái độ phục vụ và bắt tay vào công việc được phân công. Từ ngày chuyển vềì đây, mọi học viên thực hiện lệnh cấm trại, "nội bất xuất, ngoại bất nhập" nhằm đảm bảo bí mật tuyệt đối.

Mọi việc chỉ được phép tiến hành trong phạm vi của nhà trường. Không điện thoại, không thư từ, tạm thời cắt đứt mọi quan hệ cá nhân với thế giới bên ngoài, cắt tóc tại chỗ, mua sắm tại chỗ v.v...

Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước lần lượt đến lên lớp cho chúng tôi về tình hình thế giới và trong nước. Trong số những báo cáo viên đến lớp có đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an nói về an ninh quốc phòng và âm mưu của địch chống phá ta; đồng chí "Sao Đỏ" tức Nguyễn Lương Bằng, đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Liên bang Xô Viết giới thiệu về thành tựu mọi mặt của Liên bang Xô Viết vĩ đại, về kinh nghiệm tổ chức các kỳ Đại hội Đảng của Liên Xô, vềâ phong cách tiếp đón và thái độ phục vụ khách quốc tế cũng như một số thủ tục, nghi lễ ngoại giao. Đại sứ nước ta tại Trung Quốc nói về quan hệ ta - bạn và sự giúp đỡ vô tư, hào hiệp của bạn đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trình bầy tình hình quốc tê,ë chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta v.v...

Chúng tôi buổi sáng lên lớp, buổi chiều thảo luận, buổi tối viết thu hoạch. Gần một tháng miệt mài nghiên cứu và học tập đã trôi qua. Bỗng sáng đó Bác đến. Đi cùng với Bác là anh Lê Văn Lương, Trưởng ban tổ chức Đại hội III của Đảng.

Vẫn bộ áo nâu xồng quen thuộc với đôi dép Bình Trị Thiên khói lửa, Bác hoà vào giữa đám đông con cháu trong những tiếng hô vang như sấm dậy và những tràng vỗ tay không ngớt. Bác khen chúng tôi học tập tốt. Bác mong chúng tôi phục vụ Đại hội thật tốt vì Đại hội này là Đại hội của một nửa đất nước được giải phóng với số đại biểu đông nhất, cả đại biểu trong nước cũng như đại biểu nước ngoài. Đại hội sẽ tổng kết 30 năm xây dựng Đảng và quyết định những vấn đề trọng đại nhất của đất nước là đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trong cả nước. Bác nhắc nhở anh, chị em phục vụ các đại biểu nói chung, đại biểu khách nước ngoài nói riêng phải hết sức chu đáo, trọng thị, nhưng thân tình. Bác nói: Mới ra khỏi chiến tranh, đất nước ta còn nghèo, nhưng nghèo đây là nghèo về cơ sở vật chất, chứ không nghèo về tình cảm. Ta lại chưa quen đón khách quốc tế. Lấy cái giầu về tình cảm bù cho cái nghèo về vật chất và thiếu kinh nghiệm về lễ tân, Bác chắc chắn bạn sẽ thông cảm với ta.

Học tập chính trị xong, tôi được Ban Tổ chức Trung ương quyết định cùng anh Đậu Ngọc Xuân(1) và anh Trịnh Ngọc Thái phụ trách bộ phận phiên dịch các văn kiện Đại hội. Anh Đậu Ngọc Xuân phụ trách phần chuyên môn, anh Trịnh Ngọc Thái lo khâu tổ chức và tư tưởng, còn tôi nhỏ tuổi hơn được phân công lo khâu hậu cần.
Vì lo khâu hậu cần, nên tôi thường được họp với Ban tổ chức Đại hội. Và vì vậy, có nhiều dịp được gặp Bác.

Bộ phận phiên dịch văn kiện chúng tôi được chia thành 5 tổ: tổ dịch tiếng Pháp, tổ dịch tiếng Anh, tổ dịch tiếng Trung, tổ dịch tiếng Nga và tổ dịch tiếng Tây Ban Nha. Trừ hai tổ tiếng Pháp và tiếng Anh gồm đa phần là những chuyên gia tiếng Anh, tiếng Pháp đầu đàn như các giáo sư Phạm Huy Thông, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Văn Chất v.v... còn các tổ tiếng Nga, tiếng Trung và tiếng Tây Ban Nha thì hầu hết là lớp trẻ, thâm niên trong nghề còn ít. Vì vậy, Trung ương đã mời và bổ sung cho những tổ này một số chuyên gia phiên dịch người Nga, người Trung Quốc và Cuba thạo tiếng Việt.

Vất vả nhất và mệt nhất đối với đội ngũ phiên dịch viết chúng tôi là những ngày gần Đại hội và trong thời gian tiến hành Đại hội. Vì đến lúc đó các đoàn đại biểu nước ngoài mới đến, mới có bài để dịch. Nhiều đoàn lại không đưa ngay, chờ nghe diễn văn khai mạc của chủ nhà, nghe tham luận của  các Đảng bạn mới hoàn chỉnh bài phát biểu của Đoàn mình và chỉ đưa cho bộ phận phiên dịch Đại hội vào giờ phút chót, nghĩa là nếu phát biểu sang hôm sau thì đưa chiều hôm trước.

Thế là guồng máy phiên dịch làm việc trắng đêm. Dịch từ tiếng nước bạn sang tiếng Việt và từ bản tiếng Việt các tổ phiên dịch chuyển sang các thứ tiếng khác. Mà không phải một đêm. Sự việc đó diễn ra trong suốt những ngày Đại hội.

Hình như thông cảm với những khó khăn đó của phiên dịch viết, đêm mồng 6 tháng 9, một ngày sau hôm khai mạc Đại hội, Bác bất chợt đến thăm bộ phận chúng tôi. Cùng đi có các anh Lê Văn Lương, Ung Văn Khiêm và Tố Hữu. Hôm đó, Bác rất vui. Câu đầu tiên là Bác khen các bản dịch chính xác, diễn đạt sát ý, văn phong tốt. Bác thưởng cho các anh nghiện thuốc mỗi người 1 điếu thuốc thơm. Bỗng Bác quay sang phía giáo sư Phạm Huy Thông và nói vui: Đúng chú này "mũi dòm mồm" thật nên Trung ương viết: Trong kế hoạch 5 năm 1961-1965 sẽ xây dựng 400 nhà máy, xí nghiệp thì chú lại dịch sang là xây dựng 400 nhà bếp. (Tiếng Pháp USINE là nhà máy, do đánh máy nhầm thành CUISINE là nhà bếp). Mọi người cười vui.

Bác lại hỏi anh Lương:

- Thế tiêu chuẩn ăn hàng ngày của các cô chú dịch viết là bao nhiêu ?

- Thưa Bác là 5 ký gạo - Anh Lương thưa.

- Còn đại biểu Đại hội?

- Thưa Bác là 10 ký.

Bác góp ý với anh Lương:

- Chính sách của chú như vậy là chưa xã hội chủ nghĩa, chưa thực hiện đúng nguyên tắc làm theo năng lực, hưởng theo lao động. Các đại biểu Đại hội ngày họp, đêm nghỉ. Còn các cô chú bộ phận phiên dịch văn kiện phải làm ngày, làm đêm mà lại chỉ được hưởng bằng một nửa tiêu chuẩn đại biểu Đại hội là không công bằng. Bác đề nghị chú cần sửa ngay.

Và thế là hôm sau, bữa ăn của bộ phận phiên dịch viết được cải thiện. Ngoài 3 bữa chính, anh Lương còn chỉ thị cho bộ phận hậu cần bổ sung thêm xuất "bồi dưỡng ca đêm" vào lúc 12 giờ khuya. (Thời đó tính tiêu chuẩn bằng gạo. Mỗi ký gạo là 4 hào. Tiêu chuẩn đại biểu chính thức là 10 ký tức 4 đồng).

Một kỷ niệm sâu sắc, một bài học để đời về tôn trọng phụ nữ mãi mãi in đậm trong tôi. Đó là việc Bác chụp ảnh với các đoàn đại biểu quốc tế, đại biểu trong nước và cán bộ, nhân viên phục vụ. Để tranh thủ thời gian, các đoàn cần tập hợp đội hình trước để đến khi Bác đến là có thể chụp được ngay. Tôi được phân công sắp xếp khối phiên dịch. Khi bố trí, tôi đã có ý định trước là dành một chỗ khá rộng để khi Bác đến mình có thể ngồi cạnh. Nhưng sự việc lại không như ý muốn. Khi đến, Bác nhắc tôi và một đồng chí khác ngồi lại hàng sau rồi mời hai cô phiên dịch người Nga lên ngồi cạnh Bác.

Đến lượt đoàn đại biểu các dân tộc được chụp chung với Bác. Do nhiều đồng chí lần đầu được gần Bác nên Bác vừa tới, anh em bỏ hàng ngũ đã sắp xếp sẵn chạy ồ đến vây quanh Bác. Anh Chu Văn Tấn lúc đó là Trưởng đoàn rất lúng túng. Anh Lê Văn Lương gọi tôi đến giúp một tay. ổn định trật tự xong, tôi chạy đi thì Bác gọi lại và bảo anh Tấn nhích lại gần Bác để tôi ngồi cạnh anh.

Chụp xong, Bác hỏi tôi:

- Cháu dân tộc nào ?

- Thưa Bác cháu dân tộc Kinh - Tôi thưa.

Bác ồ lên một tiếng - Bác tưởng cháu là dân tộc thiểu số. Sao da cháu nâu vậy?

- Thưa Bác, mấy hôm nay cháu phải chạy việc nhiều nên da bắt nắng.

- Thế cháu làm việc ở đâu, đã có gia đình chưa ?

- Thưa Bác cháu dạy ở Trường đại học Bách Khoa và đang có người yêu.

Bác rất vui và quay sang bảo anh Lương cho tôi 2 giấy mời để tối hôm đó đưa người yêu đi dự Dạ hội của nhân dân Thủ đô chào mừng thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, được tổ chức tại sân vận động Hàng Đẫy.

Nhiều năm đã trôi qua kể từ  Đại hội III của Đảng ta, 38 năm Bác đã đi xa. Nhưng hình ảnh Bác, những điều Bác căn dặn và những tình cảm mà Bác dành riêng cho tôi, cho vợ chồng tôi mãi mãi là ngọn đuốc thiêng, chỉ đường dẫn lối cho gia đình tôi đến bến bờ hạnh phúc.

 

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020