Nhân dịp kỷ niệm 118 năm ngày sinh Bác Hồ, UB MTTQ
thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị gặp mặt, toạ đàm "Học tập và làm
theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Dân chủ và Đoàn kết trân trọng
trích giới thiệu tiếp với bạn đọc phát biểu của một số đại biểu tại hội
nghị.
Nhân dịp kỷ niệm 118 năm ngày sinh Bác Hồ, UB MTTQ
thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị gặp mặt, toạ đàm "Học tập và làm
theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Dân chủ và Đoàn kết trân trọng
trích giới thiệu tiếp với bạn đọc phát biểu của một số đại biểu tại hội
nghị.
Xây dựng thêm nhiều khu dân cư văn hoá
Hoàng Minh Ngọc
Hội Người cao tuổi P.Hàng Bông, Q.Hoàn Kiếm
Thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí
Minh", Hội người cao tuổi (NCT) phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm chúng
tôi đã nghiên cứu tiếp thu về ý nghĩa, mục đích, nội dung cơ bản về giá
trị tiêu biểu của tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vận động hội viên thấm
nhuần lời dạy của Bác. Đối với mỗi người lời nói phải đi đôi với việc
làm mà trước hết là tinh thần gương mẫu.
Hội chúng tôi đã vận dụng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ
Chí Minh bằng những việc làm cụ thể trong phong trào thi đua "Tuổi cao,
gương sáng", "Ông bà mẫu mực …", tham gia vào các hoạt động nâng cao
chất lượng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở
khu dân cư", xây dựng khu dân cư tiên tiến, khu dân cư văn hoá. Hội
chúng tôi đã làm được một số công việc sau:
- Mua một số tài liệu học tập cho hội viên như: Một số lời dạy và mẩu
chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, 100 chuyện kể Bác Hồ với Người
cao tuổi… Hướng dẫn hội viên đọc những bài báo viết về Bác Hồ và chọn
làm tài liệu đọc trong sinh hoạt chi hội, tổ hội.
- Vận động hội viên viết bài tham dự các cuộc toạ đàm với chủ đề:
"Người cao tuổi quận Hoàn Kiếm với việc xây dựng khu dân cư tiên tiến,
khu dân cư văn hoá". Phường Hàng Bông chúng tôi vinh dự được thành phố
và quận chọn khu dân cư số 3 làm điểm chỉ đạo. Hội NCT phường và chi
hội NCT khu dân cư số 3 đã tham gia nhiều ý kiến cho bản đề án xây dựng
khu dân cư tiên tiến, khu dân cư văn hoá có chất lượng cao được quận
phổ biến cho các phường rút kinh nghiệm.
Tổng kết cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở
khu dân cư" năm 2007, phường chúng tôi có hai khu dân cư là số 2, số 3
đạt danh hiệu khu dân cư văn hoá, và hai khu dân cư tiên tiến là số 1
và số 6. Hội NCT phường chúng tôi được Trung ương Hội NCT Việt Nam tặng
bằng khen.
Tàn nhưng không phế
Đặng Ánh Tuyết
Hội bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi Hà Nội
Tôi sinh ra và lớn lên tại Phú Diễn, huyệnTừ Liêm, nơi có đặc sản bưởi
nổi tiếng. Khi tôi mới 18 tháng tuổi, vừa mới biết đi thì một cơn sốt
đã khiến tôi bị liệt hai chân. Lúc đó còn quá nhỏ nên tôi chưa ý thức
được điều gì và tất cả mọi khó khăn dồn lên những người thân trong gia
đình tôi. Ai cũng mong tôi sớm bình phục. Nhưng trong cuộc sống, không
phải mọi nỗ lực đều được đền đáp.
Đến tuổi đi học, tôi được gia đình cho tới trường như bao bạn bè. Suốt
những năm tiểu học, ông ngoại luôn là người đưa đón tới trường. Tình
thương của ông bà, bố mẹ là niềm tin vững chắc trong tôi để đạt được
danh hiệu học sinh giỏi suốt 5 năm học và là học sinh duy nhất của
trường được nhận Giấy khen Cháu ngoan Bác Hồ. Cũng từ đó, tôi thấy mình
phải rèn luyện, phấn đấu xứng đáng với danh hiệu "Cháu ngoan Bác Hồ".
Khi bước vào trung học cơ sở, tôi tự đến trường bằng chiếc xe quay tay
ba bánh. Thời gian này cùng với nguồn động viên, giúp đỡ của gia đình,
bạn bè, thầy cô giáo, tôi còn nhận được sự giúp đỡ của Hội bảo trợ
người tàn tật và trẻ mồ côi thành phố. Những nguồn động viên lớn lao đó
đã tạo cho tôi thêm nghị lực vươn lên, thực hiện lời dạy của Bác Hồ
"Tàn nhưng không phế".
Tốt nghiệp phổ thông trung học cơ sở và thi đỗ vào phổ thông trung học,
cánh cửa mở rộng với nhiều khó khăn, vất vả mới đang chờ tôi vượt qua.
Ông ngoại tôi là một người lính Cụ Hồ. Vì thế, mỗi khi động viên tôi,
ông tôi thường kể về tấm gương đạo đức của Bác Hồ và nhắc lại lời dạy
của Người "Không có việc gì khó - Chỉ sợ lòng không bền". Nghe lời ông
tôi và noi theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, tôi cố gắng học tập và
làm việc vượt qua những thách thức đối với một người tàn tật. Tốt
nghiệp PTTH, tôi thi đỗ vào chuyên ngành tiếng Pháp Trường ĐH Phương
Đông. Mong muốn tôi đi học được dễ dàng hơn, các chú tôi đã tặng tôi
chiếc xe máy 3 bánh. Một món quà thật bất ngờ và đầy ý nghĩa đối với
tôi là năm 2002 được nhận giải thưởng "Những tấm gương tiêu biểu" do
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trao tặng và báo Hànộimới trao
tặng học bổng Prudential cho sinh viên khuyết tật vượt khó.
Năm 2004, tôi tham gia CLB Sinh viên khuyết tật Hà Nội và là Vận động
viên cử tạ của Trung tâm thể thao Khúc Hạo. Với nỗ lực không ngừng, tôi
đã giành Huy chương vàng Para Games năm 2007 tại Thái Lan, Huy chương
Bạc Vô địch cử tạ Châu Á năm 2007 tại Malaysia, Huy chương Bạc giải cử
tạ trẻ Thế giới tại Hàn Quốc năm 2006, Huy chương Vàng giải Thể thao
trong nước năm 2006 và 2 Huy chương Bạc giải Thể thao toàn quốc năm
2004 và 2005. Năm 2006 và năm 2008, CLB Phụ nữ hòa nhập trực thuộc Hội
liên hiệp Phụ nữ Hà Nội đã tuyên dương tôi với danh hiệu Phụ nữ khuyết
tật tiêu biểu. Tôi rất vinh dự là một trong 8 Vận động viên Khuyết tật
Việt Nam được tham gia giải Paralympic tại Bắc Kinh - Trung Quốc vào
tháng 9/2008.
Tôi đã tốt nghiệp Đại học và xin vào làm việc tại báo Vietnamnet.
Thấm nhuần lời dạy Cần, kiệm…
Vũ Văn Thái
P. Thanh Nhàn, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội
Vợ chồng tôi đã nghỉ hưu, đều là hội viên Hội CCB phường Thanh Nhàn,
quận Hai Bà Trưng. Tôi tham gia 2 khoá Ban chấp hành Hội CCB phường và
là chi hội trưởng chi hội CCB khu dân cư số 7. Tôi và các hội viên đã
nỗ lực phấn đấu xây dựng chi hội trong sạch,vững mạnh nhiều năm liền.
Gia đình tôi có hai con trai, hai con dâu và 3 cháu nội, hiện vẫn ăn
chung, sống đầm ấm, hoà thuận, thân tình. Gia đình tôi nhiều năm là gia
đình văn hoá xuất sắc của phường, của quận.
Hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí
Minh", gia đình chúng tôi củng cố thêm quyết tâm, xây dựng và giữ vững
danh hiệu gia đình văn hoá với 1 gia đình chung sống 3 thế hệ. Gia đình
chúng tôi thấm nhuần và làm theo lời dạy của Bác Hồ: "Cần, kiệm, liêm,
chính, chí công vô tư". Cả gia đình nhất trí thực hiện tiết kiệm điện
là việc làm đầu tiên. Từ đó đề ra những việc mà mỗi người đều phải làm:
- Khi xem truyền hình thì cả nhà cùng ngồi xem ở phòng khách, chỉ dùng 1 đèn ống 60cm vừa đủ ánh sáng, vừa đỡ hại mắt.
- Khi tắm chỉ bật bình nước tắm nóng lạnh trước 15 phút, sử dụng vừa đủ dùng cho mọi người.
Nói tóm lại là chỗ nào cần sử dụng điện thì dùng. Qua thời gian thực
hiện tiết kiệm điện, gia đình tôi đã giảm được 1/4 số tiền điện hàng
tháng.
Cùng với tiết kiệm điện, gia đình chúng tôi còn thực hiện tiết kiệm nước sạch.
Trong bữa ăn hàng ngày, gia đình chúng tôi mua vừa đủ, hết lại mua. Tuy
có vất vả, phải đi chợ nhiều hơn trước nhưng lúc nào thức ăn cũng tươi
ngon, hạn chế dùng tủ lạnh. Làm được việc này quả không dễ dàng, chúng
tôi phải luôn luôn nhắc nhở các con, các cháu, sau một thời gian là
quen và thành nền nếp.
Bác Hồ, vị Cha già của dân tộc đã đi xa song lời dạy của Người luôn
luôn thúc đẩy cả dân tộc noi theo. Gia đình tôi mới thực hiện được một
phần nào lời dạy của Bác, tuy nhỏ nhưng thiết thực cho nhà, cho đất
nước.
Chia sẻ những khó khăn cùng đồng bào
Đại đức Thích Chiếu Tuệ
Thành Hội Phật giáo Hà Nội
Nhìn từ góc độ lịch sử của 2 ngày lễ trọng đại Phật Đản sinh và sinh
nhật Bác Hồ, chúng tôi thấy: Khi xưa Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sinh ra
giữa lúc xã hội đầy rẫy khổ đau của chúng sinh với sự phân biệt đẳng
cấp rất khắc nghiệt. Ngài đã bỏ địa vị cao sang của Đông cung Thái tử,
từ bỏ cung vàng, điện ngọc, một mình đi tìm con đường đưa đến giải
thoát cho chính mình và chúng sinh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng sinh ra trong một xã hội đầy bất công, một xã
hội đang bị áp bức, bóc lột nặng nề, nô lệ lầm than. Từ trong xã hội
đen tối đó, Người đã vượt qua tư tưởng nho giáo, thoát ra khỏi sự ô
nhiễm vật chất phương Tây đang lũng đoạn, vượt lên tất cả với hành
trang tinh thần dân tộc đi tìm đường cứu nước, cứu dân khỏi ách thực
dân phong kiến để giải phóng dân tộc, xây dựng Tổ quốc Việt Nam hoàn
toàn độc lập.
Tăng ni Phật tử Việt Nam không chỉ tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt
đời hy sinh, phấn đấu không mệt mỏi vì dân, vì nước mà còn đặc biệt
khâm phục quí trọng Người về đạo đức siêu việt tới mức đã trở thành
khuôn mẫu của toàn Đảng, toàn dân ta.
Trong cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí
Minh", tăng ni Phật tử Thủ đô luôn áp dụng vào mọi công việc Phật sự
của mình với phương châm "Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội", "xây dựng
chùa tinh tiến" gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời
sống văn hóa ở khu dân cư".
Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức và những lời dạy của Bác Hồ, Phật giáo Thủ
đô tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, phụng dưỡng Bà mẹ
Việt Nam anh hùng, giúp đỡ người nghèo, chăm sóc, nuôi dạy trẻ em không
nơi nương tựa, chia sẻ những khó khăn cùng đồng bào bị thiên tai.
Phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội, tăng ni Phật tử Thủ đô
nguyện thực hiện tốt lời Bác dạy bằng những việc làm thiết thực. Đạo
đức, tư tưởng của Hồ Chủ tịch mãi mãi là ngọn hải đăng đưa đường chỉ
lối cho dân tộc ta đi đến bờ của thành công và hạnh phúc.
Lê Văn thực hiện