Nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động (CVĐ):“Người Việt
Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn TP, ngày 22/9/2015, Ban chỉ đạo
(BCĐ) CVĐ:“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội tổ chức tập huấn
chuyên đề với nội dung “Xây dựng và Phát triển thương hiệu làng nghề, các doanh
nghiệp (DN) vừa và nhỏ” trên địa bàn TP năm 2015. Tới dự có các đồng chí: Lê Thị
Kim Oanh-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP, Phó Trưởng BCĐ CVĐ TP; Đào Ngọc Triệu-Phó
Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó Trưởng BCĐ CVĐ TP; thành viên BCĐ CVĐ TP; đại
diện một số sở, ngành TP; BCĐ CVĐ 30 quận, huyện, thị xã và đại diện các DN vừa
và nhỏ trên địa bàn.
Đ/c Lê Thị Kim Oanh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP, Phó Trưởng BCĐ CVĐ TP phát biểu khai mạc hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Lê Thị Kim Oanh-Phó Chủ tịch
Ủy ban MTTQ TP, Phó Trưởng BCĐ CVĐ TP khẳng định: CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt
Nam” của Bộ Chính trị là CVĐ
mang ý nghĩa to lớn, quan trọng nhiều mặt đối với các hoạt động sản xuất, kinh
doanh và đời sống xã hội. 6 năm qua, cùng với sự vào cuộc của các sở, ban,
ngành, đoàn thể và các địa phương ở Thủ đô đã triển khai CVĐ bằng nhiều hoạt động,
thiết thực và ý nghĩa. Vinh dự là một trong số ít địa phương đi đầu và có nhiều
cách làm sáng tạo, BCĐ CVĐ TP Hà
Nội đã triển khai những hoạt động lớn, mang lại hiệu quả tích cực, như: Chương
trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng”, chương trình “Tháng khuyến mại”
thường niên; các chương trình “Bình ổn giá”, chương trình “Đưa hàng Việt đến
tay người tiêu dùng” và các hội chợ, các phiên chợ hàng Việt và đặc biệt là
chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”…Qua đó,
đã tạo nên những chuyển biến sâu rộng về nhận thức và hành động trong việc xây dựng niềm tin, tạo
thói quen cho người tiêu dùng Thủ đô sử dụng hàng Việt. Các DN Việt đã phát huy
tính tự lực, tự cường, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh,
đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần hình thành nét
đẹp văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Toàn cảnh hội nghị
Trước tình hình kinh tế thế giới và
khu vực đang gặp khó khăn, diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất kinh doanh của
DN tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, áp lực lớn như: Sức mua trên thị
trường thấp, cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài ngày một tăng, sức ép nợ xấu
còn nặng nề; hàng hóa trong nước tiêu thụ chậm…Do vậy đòi hỏi các DN, Hiệp hội
làng nghề ngày càng phải nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành và nhất
là phải xây dựng được thương hiệu của riêng mình để tạo chỗ đứng vứng chắc trên
thị trường. Đây chính là một trong những hoạt động quan trọng của DN, đánh giá mức độ
thành công và vị trí của doanh trên thương trường.
Bên cạnh việc một số DN lớn đã tận dụng thời cơ để nhanh chóng
xây dựng thương hiệu, khẳng định vị thế của mình trên thị trường, hiện vẫn còn rất
nhiều DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ và làng nghề Việt Nam nói chung, Hà Nội
nói riêng hiện chưa quan tâm đến vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu. Đây
chính là khâu yếu nhất của các DN, nhất là trong tình hình nước ta thực hiện Hiệp
định thương mại tự do, mở cửa cho các hàng hóa nước ngoài tràn vào Việt Nam,
gây khó cho sản xuất và tiêu dùng. Trong tình hình ấy, việc BCĐ CVĐ TP tổ chức
tập huấn về xây dựng và phát triển thương hiệu nhằm nâng cao nhận thức cho các
DN, các làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội hiểu và nắm được cách thức lập kế hoạch
xây dựng, quảng bá, phát triển thương hiệu phù hợp với sự phát triển của DN
mình theo hướng ổn định, bền vững, lấy khách hàng làm trung tâm hướng tới sản
xuất – kinh doanh bền vững, mở rộng được thị trường tiêu thụ và phân phối sản
phẩm.
Hội nghị đã nghe báo cáo viên của Sở Khoa học và Công nghệ TP
tuyên truyền về các nội dung của sở hữu công nghiệp đối với sự phát triển
thương hiệu: Khái quát chung về thương hiệu và vấn đề phát triển thương hiệu ở
Việt Nam; các quy trình đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; 24 dự án nhãn hiệu tập thể
thực hiện từ 2011-2014 theo chương trình của TP; quản lý Nhà nước về sở hữu trí
tuệ…Qua đó, giúp các DN nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc xây dựng và
phát triển thương hiệu cũng như quy trình đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhất là
các thương hiệu sản phẩm làng nghề; góp phần nâng cao chất lượng và sức cạnh
tranh của sản phẩm hàng Việt, khẳng định chỗ đứng vững chắc của DN trong nước
(nhất là các DN vừa và nhỏ) trên thương trường./.
Lê Minh