Hàng Việt nhìn từ chợ nông thôn Ba Vì

10/10/2012 - 12:00 AM


Một góc nhìn tại chợ Quảng Oai – Thị trấn Tây Đằng – Ba Vì

Thời gian qua, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được dư luận đồng tình ủng hộ. Nhận thức của người dân dần được thay đổi, đồ vật trong mỗi gia đình đã xuất hiện nhiều sản phẩm “made in Việt Nam”. Tuy nhiên, vấn đề hàng Việt hiện nay mới chỉ phổ biến ở khu vực thành thị, còn phần lớn người dân vùng nông thôn như ở huyện Ba Vì vẫn chưa thực sự quan tâm.

Bên cạnh con số trên 80% các mặt hàng có ghi rõ nguồn gốc xuất sứ được bày bán tại một số Siêu thị mới đi vào hoạt động như Lan Chi, Tiến Lực khu trung tâm huyện Ba Vì thì quan sát tại một số chợ ở khu vực nông thôn trong huyện như chợ Ba Trại, chợ Nhông ( xã Phú Sơn) Chợ Mơ ( xã Vạn Thắng) và chợ Quảng Oai ở thị trấn Tây Đằng cho thấy so với những năm trước, hầu hết các sạp bán hàng đều được xây dựng tươm tất, hàng hóa phong phú, đa dạng hơn. Tuy nhiên, các sản phẩm hàng Việt Nam với thương hiệu uy tín, có tên tuổi lâu năm như: Sứ Hải Dương, Bát Tràng, Minh Long, đồ nhựa Việt Nhật, Đại Đồng Tiến, giày dép Bitis hay quần áo May 10, Việt Tiến, Hanoximex... bày bán rất ít.Trong khi đó, hàng hóa “Made in China “ từ quần áo lót, tất, găng tay đến những mặt hàng như quạt điện, nồi cơm điện...lại rất đa dạng về chủng loại, bày bán phổ biến và được nhiều người tiêu dùng chọn lựa.
Với mức thu nhập không cao cộng với nhận thức còn hạn chế nên hàng hóa được người tiêu dùng khu vực nông thôn quan tâm hàng đầu là giá cả. Chỉ cần có sự chênh lệch là họ sẵn sàng chuyển sang chọn hàng rẻ hơn mà không cần để ý đến chất lượng hay nhãn mác, thương hiệu. Chính vì thế nên tiểu thương ở các chợ nông thôn chủ yếu nhập hàng Trung Quốc và một số hàng gia công trong nước chất lượng kém, giá thành thấp để dễ tiêu thụ chứ ít quan tâm đến chất lượng và nhãn hiệu hàng hóa Việt hay không. Vì vậy, hàng Việt Nam chất lượng cao ở các chợ truyền thống thuộc khu vực nông thôn khó mà cạnh tranh được. 
Chị Nguyễn Thị Dung chủ một quầy hàng quần áo ở chợ Quảng Oai – Thị trấn Tây Đằng – Ba Vì cho biết: “Hàng quần áo ở đây tiêu thụ rất tốt. Khách hàng thường ít quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ mà chỉ quan tâm đến chất lượng và giá cả, mua hàng theo thói quen, nhu cầu sử dụng”.
Thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong thời gian qua các ngành chức năng của huyện đã phối hợp với Sở Công Thương và phòng kinh tế tạo điều kiện cho hàng chục doanh nghiệp tổ chức các hội chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” tại các xã, thị trấn. Như trong năm 2011, phòng kinh tế huyện đã phối hợp với sở Công Thương tổ chức 2 phiên chợ việt tại xã Vạn Thắng và thị Trấn Tây Đằng; chương trình chợ tết, bán hàng bình ổn giá, được tổ chức tại Trung tâm TDTT huyện và một số chương trình bán hàng lưu động phục vụ bà con miền núi.  Tuy nhiên số lượng hội chợ diễn ra còn ít chủ yếu là vào các dịp lễ, tết nhưng thời gian  rất ngắn, chỉ từ 3 - 7 ngày và chưa có kế hoạch bán hàng, liên kết,  xây dựng hệ thống phân phối dài hạn.
Ông Nguyễn Đình Dần – Trưởng phòng kinh tế huyện Ba Vì cho biết: Thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng việt nam trong thời gian qua, huyện Ba Vì cũng đã phối hợp với các ngành chức năng trong công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân tiêu dùng và nhà cung cấp trong việc tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, tạo được niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt nói chung và với nông sản của địa phương nói riêng nhằm mục đích đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tại huyện Ba Vì. Bên cạnh đó phòng kinh tế huyện cũng đã phối hợp với Sở Công Thương triển khai một số chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Trong thời gian tới phòng kinh tế cũng đã có kế hoạch tổ chức một số chương trình  bán hàng lưu động, Hội chợ tết, chợ việt tại một số địa phương trong huyện…… để thực hiện chương trình này.
Từ thực tế trên, thiết nghĩ, các ngành chức năng cần quan tâm hơn đến việc rút ngắn khoảng cách giữa thị trường nông thôn với thành thị, nhất là trong chiến lược quảng bá, kích cầu tiêu dùng. Các doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối nên mở rộng thị trường, hướng tới việc cung ứng sản phẩm thiết yếu chất lượng, an toàn nhưng giá thành phù hợp với thu nhập ở nông thôn… Có như vậy CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mới thực sự thành công.

Khuất Duyên - Đài truyền thanh huyện Ba Vì
Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020