Ngày 24 – 7, UBND thành phố, Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố phối hợp với Sở Công thương tổ chức họp báo giới thiệu chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2020. Chủ trì buổi họp báo có: Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Phó Trưởng ban chỉ đạo CVĐ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố; bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội.
Bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội phát biểu
Theo Ban tổ chức, đây là hoạt động tiêu biểu nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Qua nhiều năm triển khai, Ban chỉ đạo CVĐ thành phố đã liên tục mở rộng đối tượng tham gia, cải tiến và cập nhật các hình thức bình chọn, tiếp cận với người tiêu dùng. Năm 2019, đã có 105 doanh nghiệp cả 11 ngành hàng tham gia với 205 sản phẩm, dịch vụ đăng ký bình chọn, tăng 41,9% về số lượng doanh nghiệp và 4,1% số lượng sản phẩm đăng ký tham gia so với năm trước.
Năm 2020, nhằm tiếp tục lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu của doanh nghiệp Việt để người tiêu dùng bình chọn, tôn vinh các sản phẩm của doanh nghiệp được người tiêu dùng bình chọn, giúp người tiêu dùng nhận biết được các sản phẩm Việt Nam tốt, uy tín, chất lượng, phù hợp với thị yếu người tiêu dùng. Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2020 tiếp tục được tổ chức và giao cho Sở Công thương chủ trì.
Công tác tổ chức bình chọn được Ban Tổ chức triển khai đồng bộ thông qua hai hình thức. Bình chọn online trên Website: binhchonhangviet.com.vn và bình chọn trực tiếp tại các điểm công cộng, hội chợ chuyên về hàng hóa Việt Nam.
Ngành sản phẩm, dịch vụ tham gia bình chọn gồm các lĩnh vực: Ngành hàng tiêu dùng; sản phẩm công nghiệp; xây dựng trang trí nội thất; dược phẩm, hóa mỹ phẩm; giáo dục – đào tạo; thủ công mỹ nghệ; hàng nông sản thực phẩm; các sản phẩm OCOP.
Các ngành dịch vụ bao gồm các lĩnh vực: Dịch vụ ngân hàng; du lịch, nhà hàng, khách sạn, nghỉ dưỡng; truyền thông, viễn thông, công nghệ thông tin; vận chuyển.
Theo đó, mỗi doanh nghiệp được đăng ký tối đa 03 sản phẩm dịch vụ. Các sản phẩm được bình chọn năm 2020 sẽ được Ban tổ chức trao giấy chứng nhận, được sử dụng danh hiệu “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” trong việc truyền thông, quảng bá cho sản phẩm và được tham gia các gian hàng, trưng bày, giới thiệu trên các ấn phẩm, các hội chợ, triển lãm thương mại của Thành phố.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Phó Trưởng ban chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố phát biểu
Tại buổi họp báo, Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Phó Trưởng ban chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố cho biết, năm 2020 là năm thứ 10 thành phố tổ chức kết nối triển khai bình chọn hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích. Năm nay gắn với sự kiện chính trị có ý nghĩa của Thành phố đó kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống MTTQ Việt Nam. Trong quá trình triển khai, Ban tổ chức đã liên tục cải tiến, đổi mới chương trình bình chọn từ quy mô, cách làm cho đến sự tham gia hưởng ứng của các doanh nghiệp. Qua nhiều năm tổ chức, đến nay đã có gần 800 lượt sản phẩm được bình chọn giúp các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, được đẩy mạnh sản xuất; xây dựng và làm nên thương hiệu sản phẩm. Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” đã giúp Ban chỉ đạo và người tiêu dùng tiếp cận các mặt hàng, các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao.
Phó Trưởng ban chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Nguyễn Anh Tuấn cũng đề nghị các đơn vị thành viên và Ban chỉ đạo CVĐ các quận, huyện, thị xã thời gian tới tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh sản phẩm, hàng hóa Việt Nam chất lượng cao nhất là các sản phẩm, dịch vụ được bình chọn, công nhận tại chương trình “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”; đẩy mạnh các hoạt động thương mại, xúc tiến thương mại, bình ổn thị trường, kích cầu nội địa đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng; tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi giúp các doanh nghiệp phục hồi, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng dưới tác động của đại dịch Covid-19; thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thị trường, giá cả sản phẩm chống hàng giả, hàng kém chất lượng góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội và tăng cường bền vững; đồng thời tăng cường phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các ngành TP và các địa phương.
Lê Phương