Kiểm tra thực hiện CVĐ"Người VN ưu tiên dùng hàng VN" 6 tháng đầu năm: Hàng Việt-người Việt tin dùng

09/09/2013 - 12:00 AM


Đc Đào Văn Bình - Trưởng BCĐ CVĐ TP (ngoài cùng bên phải) kiểm tra tại phòng thí nghiệm của Công ty TNHH Lan Phương

Thực hiện Kế hoạch số 10/KH-MTHN-BCĐ ngày 25/1/2013 của Ban chỉ đạo Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” về việc kiểm tra kết quả thực hiện CVĐ năm 2013 tại các đơn vị, vừa qua, BCĐ CVĐ TP đã tổ chức 02 đoàn công tác đi kiểm tra kết quả triển khai CVĐ 6 tháng đầu năm ở một số doanh nghiệp (DN), quận, huyện.

Trong thời gian 02 ngày (28 và 29/8/2013), 02 đoàn công tác đã đi kiểm tra 04 DN và 02 huyện. Đoàn số 1 do đồng chí Đào Văn Bình- Uỷ viên Thường vụ Thành uỷ, Chủ tịch UBMTTQ TP, Trưởng BCĐ CVĐ TP làm Trưởng đoàn cùng các đồng chí thành viên kiểm tra tại huyện Chương Mỹ, Siêu thị Lan Chi, Công ty An Việt, Công ty TNHH Lan Phương; đoàn số 02 do đồng chí Lê Thị Kim Oanh- Phó Chủ tịch UBMTTQ TP, Phó Trưởng BCĐ CVĐ TP cùng các thành viên kiểm tra tại Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội, Công ty cổ phần Khóa Việt Tiệp, BCĐ CVĐ huyện Mê Linh, chợ nông thôn tại xã Thạch Đà huyện Mê Linh. Kết quả kiểm tra cho thấy, đa số các đơn vị, địa phương đều đã nhận thức được ý nghĩa sâu sắc của CVĐ, chú trọng tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu sản phẩm hàng Việt; thường xuyên phối hợp với các đơn vị tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt Nam đến tay người tiêu dùng (NTD)
 Báo cáo kết quả triển khai CVĐ “Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại huyện Chương Mỹ, đồng chí Trịnh Duy Khoẻ-Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện, Trưởng BCĐ CVĐ huyện cho biết: 6 tháng đầu năm nay, BCĐ CVĐ huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội tập trung công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nhằm đưa các nội dung của CVĐ đến mọi tầng lớp nhân dân, mọi gia đình và các cơ quan, đơn vị.
 Uỷ ban MTTQ đã xác định, việc thực hiện CVĐ “Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là nhiệm vụ thường xuyên quan trọng của Mặt trận. Đã triển khai lồng ghép vào CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư (KDC)”; phối hợp các cấp, các ngành, các tổ chức thành viên tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng CVĐ và cấp phát trên 2.600 cuốn sổ tay NTD “Ngưòi Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’’ đến tay NTD.
 Tại huyện Mê Linh, 6 tháng đầu năm 2013, BCĐ CVĐ huyện cũng đã tích cực vận động, tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn huyện phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cưòng trong việc sản xuất, sử dụng hàng Việt Nam; gắn việc thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với Nghị quyết 11 của Chính phủ; góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hoá có chất lượng cao. Trong đó, nhóm hàng rau, củ quả, hoa và thực phẩm của huyện với chất lượng, giá cả cạnh tranh đã chiếm lĩnh thị phần chủ yếu khu vực Hà Nội.
  Đối với các đơn vị sản xuất hàng Việt, cơ bản các DN đã nhận thức được ý nghĩa tầm quan trọng của CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Để có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường hàng Việt, các DN không ngừng cố gắng trong việc cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, tự tìm cho mình các chiến thuật, bước đi phù hợp với đơn vị mình. Điển hình là Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội, để phù hợp với thị hiếu NTD cũng như thích hợp với điều kiện xã hội hiện nay, đơn vị đã phải đầu tư nghiên cứu chuẩn bị đưa ra thị trường sản phẩm mới đó là bia không cồn, mở rộng thị trường, đưa 10 giải pháp để bảo vệ thương hiệu bia hơi Hà Nội; nâng cao hệ thống dịch vụ bán hàng, có các địa chỉ vàng; mở rộng thị trường ra các tỉnh, TP phía Bắc. Tại Công ty cổ phần Khóa Việt Tiệp, ông Lương Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, để cạnh tranh được với sản phẩm hàng Trung Quốc, công ty đã phải đầu tư thiết bị Đài Loan để nâng cao công nghệ, thay đổi mẫu mã, làm đẹp sản phẩm mà giá thành không tăng. Công ty cũng đưa ra những quy trình nghiêm ngặt ngay từ khâu sản xuất, kiểm tra chất lượng sản phẩm, kiểm tra kỹ càng những bộ phận nhỏ nhất của sản phẩm trước khi đóng gói, chuyển ra thị trường. Hiện nay, sản phẩm Khóa Việt Tiệp đang được NTD đánh giá cao, các sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ trong nước. Tuy vậy, công ty vẫn từng bước duy trì, củng cố chỗ đứng trên thị trường hàng Việt, không ngừng mở rộng thị trường,  tuyên truyền giới thiệu sản phẩm tới tay NTD, dùng phương châm NTD giới thiệu cho NTD. Thậm chí, công ty còn cử đội ngũ cán bộ mang sản phẩm của đơn vị đi so sánh với hàng giả, hàng nhái để các nhà phân phối và NTD có thể phân biệt được; qua đó, củng cố thương hiệu Khóa Việt Tiệp trên thị trường Việt.
 Khác với các DN đã có chỗ đứng tương đối vững chắc trên thị trường Việt Nam như 02 công ty kể trên, Công ty TNHH Lan Phương, một công ty hoá mỹ phẩm với những sản phẩm có tính diệt khuẩn cao, như xà phòng than hoạt tính, nước rửa tay khô diệt khuẩn, nước diệt khuẩn, diệt vi rút… đã từng là đối tác với một thị trường khó tính như Nhật Bản song lại gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm trong nước do khâu quảng bá sản phẩm chưa được chú trọng, mẫu mã chưa thực sự “bắt mắt”…Đây chính là những khiếm khuyết cơ bản của các DN sản xuất trong nước cần được khắc phục trong thời gian tới để hàng Việt ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
 Không trực tiếp sản xuất ra hàng Việt, Siêu thị Lan Chi, Công ty An Việt với chức  năng phân phối sản phẩm đã cố gắng liên kết với các DN “hàng đầu” trong nước, cung ứng các sản phẩm có uy tín, được NTD ưa chuộng ra thị trường, hưởng ứng mạnh mẽ CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Trong đó, Siêu thị Lan Chi với mục tiêu ưu tiên số 1 cho hàng Việt đã góp phần quan trọng đưa hàng Việt Nam đến tận tay NTD Việt Nam. Theo đánh giá của Lan Chi, hiện nay, hàng Việt Nam ngày càng phong phú về chủng loại, chất lượng tốt, giá cả phù hợp hơn rất nhiều so với hàng nhập khẩu cùng loại; trong khi đó NTD ngày càng nghi ngại sản phẩm nước ngoài trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, độc hại, còn sản phẩm của Hàn Quốc, Nhật Bản, EU… lại quá đắt, giá cả không tương xứng với chất lượng và mức thu nhập của đa số người dân. Đây là điểm nhấn rất quan trọng, có tính khích lệ, động viên và thời cơ với các DN sản xuất, phân phối hàng hoá trong nước trong tình hình hiện nay.
 Bên cạnh cố gắng, nỗ lực của bản thân, lãnh đạo các DN cũng kiến nghị với BCĐ cần có ý kiến với các sở, ban, ngành TP, nhất là chi cục Quản lý thị trường nhằm giám sát, quản lý chặt chẽ hàng nhập khẩu, xử lý hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng để không làm ảnh hưởng đến uy tín chất lượng của sản phẩm Việt. Nhà nước cũng cần quan tâm đến các chế độ ưu đãi về thuế, các hỗ trợ đối với DN sản xuất mặt hàng chủ lực, các đài phát thanh phát quảng cáo tuyên truyền sản phẩm cũng nên ưu tiên giờ cao điểm nhiều người xem cho hàng Việt.
 Phát biểu kết luận tại các chương trình làm việc, các đồng chí trưởng đoàn đã ghi nhận những cố gắng tích cực của các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện CVĐ; đồng thời yêu cầu các đơn vị cần tăng cường tuyên truyền trong khối DN về ý thức trách nhiệm đối với NTD; chú trọng xây dựng uy tín, thương hiệu, từng bước tiếp cận và chiếm lĩnh thị trường; duy trì đều đặn, thường xuyên việc tuyên truyền, cổ động hàng Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hội đoàn thể; tổ chức nhiều hơn các phiên chợ hàng Việt, chủ động đưa hàng Việt Nam đến tận tay NTD, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa…Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan chức năng để phát hiện ra hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bảo hộ hàng trong nước và bảo vệ quyền lợi NTD; liên kết giữa DN, nhà phân phối với NTD; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các chợ truyền thống, xa trung tâm TP./.

        Thu Minh
Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020