Nâng cao thương hiệu sản phẩm hàng Việt - Bài học kinh nghiệm từ Thái Lan

03/07/2015 - 05:24 PM

Thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện cuộc vận động (CVĐ): “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội năm 2015, được sự đồng ý của Thường trực Thành ủy, từ ngày 18/6 đến ngày 22/6/2015, Ban Chỉ đạo (BCĐ) CVĐ TP đã tổ chức đoàn công tác do đồng chí Lê Thị Kim Oanh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP, Phó Trưởng BCĐ CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP làm Trưởng đoàn đi khảo sát, nghiên cứu thị trường và trao đổi kinh nghiệm tại Thái Lan.

Theo chương trình, đoàn đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, Văn phòng Phát triển Thương mại châu Á, Cục Xúc tiến Thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Thái Lan, Hội người Việt Nam tại Thái Lan.

Buổi làm việc giữa BCĐCVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội với Văn phòng phát triển Thương mại châu Á, Cục xúc tiến Thương mại Quốc tế, Bộ Thương mại Thái Lan

Tại buổi làm việc, Văn phòng Phát triển Thương mại châu Á, Cục Xúc tiến Thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Thái Lan với hai  bên đã trao đổi về những vấn đề kinh tế xã hội của Việt Nam cũng như Thái Lan. Bà Vannaporn Ketudat - Giám đốc Văn phòng Phát triển Thương mại châu Á, Cục Xúc tiến thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Thái Lan chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý và vận hành thị trường Thái Lan. Điển hình như phát động Chương trình "Mỗi làng một sản phẩm" (OTOP) nhằm khuyến khích các làng nghể cổ truyền phát triển, tạo việc làm cho người dân, khuyến khích người dân các tỉnh tiêu dùng hàng nội địa, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc khuyến khích các tỉnh/ địa phương tự sản xuất hàng tiêu dùng giúp phục vụ nhu cầu mua sắm tại các tỉnh, đồng thời người dân cũng đẩy mạnh sử dụng hàng hóa từ các tỉnh khác, từ đó có lượng hàng hóa để xuất khẩu.

 Chính phủ Thái Lan giúp các cộng đồng địa phương nâng cao chất lượng sản phẩm theo chương trình OTOP để có thể tăng doanh thu thông qua việc chỉ thị cho các trường đại học mở các phòng vi-tính tạo phần mềm thiết kế các mẫu sản phẩm OTOP, lập ra các trang thông tin nhằm giúp khách hàng nước ngoài có thể đặt mua hàng qua mạng và tổ chức các chuyến du lịch tới các làng nghề để du khách nước ngoài biết về sản phẩm OTOP. Trong phạm vi vĩ mô, Chính phủ thúc đẩy tổ chức các hoạt động kích cầu tại từng địa phương, tạo ra các khu vực kinh tế đặc biệt nhằm tận dụng nhân công địa phương, vừa phục vụ tiêu dùng. Chính phủ cũng có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) sản xuất và bán sản phẩm trong nước và xuất khẩu sang nước ngoài; triển khai chính sách mang tên “Anh giúp em” của các doanh nghiệp lớn giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ trong nước sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. Trong phạm vi chức năng, Cục Xúc tiến thương mại quốc tế đã hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia và các thị trường quốc tế. Hàng năm có 400 – 500 dự án để hỗ trợ, cụ thể là tổ chức các hội chợ, workshop và chương trình đào tạo cho các doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường, hỗ trợ họ trong việc kết nối với thị trường quốc tế. Đối với các doanh nghiệp có năng lực xuất khẩu, hàng năm tại Thái Lan tổ chức khoảng 10 – 20 hội chợ quốc tế nhằm kết nối các doanh nghiệp; đồng thời áp dụng các công nghệ mới để các doanh nghiệp có thể tự tìm kiếm và kết nối đối tác, Cục Xúc tiến thương mại sẽ giúp đỡ cung cấp thông tin và hướng dẫn các doanh nghiệp.

Đ/c Lê Thị Kim Oanh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP, Phó Trưởng BCĐ CVĐ TPHN (đứng thứ 6 từ trái sang) và Đại sứ Nguyễn Tất Thành (đứng thứ 7 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với đoàn tại Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan

Bên cạnh các chương trình của Chính phủ, về quá trình sản xuất hàng hóa tiêu dùng, hiện nay các doanh nghiệp Thái Lan ngày càng chú trọng và hướng đến các sản phẩm chất lượng cao nhưng có giá rẻ, vừa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, vừa mang tính cạnh tranh cao ở thị trường nước ngoài. Để làm được điều này,   nguyên liệu phải được giám định và kiểm tra chất lượng một cách chặt chẽ, trong đó kiểm tra chất lượng là khâu quan trọng nhất. Ngoài ra, kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm cũng rất quan trọng đối với hàng hóa do đất nước sản xuất vì giúp tăng tính cạnh tranh đối với các sản phẩm nước ngoài (Cục Xúc tiến thương mại quốc tế cũng có các bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp thiết kế hình thức, kiểu dáng cho sản phẩm).

Về quy trình sản xuất, doanh nghiệp Thái Lan hướng tới các thị trường giá tầm trung và thị trường cao cấp, không chú trọng hàng giá rẻ mà coi trọng chất lượng, tính độc đáo, mới lạ của sản phẩm. Tại Thái Lan hàng năm đều có các cuộc thi và chương trình đánh giá sản phẩm uy tín như Prime Minister’s Export Awards, Thai Trust Mark, Asean Business Support (chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp trong thị trường ASEAN). Cục Xúc tiến thương mại quốc tế không cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính mà hỗ trợ tư vấn, thiết kế sản phẩm, kết nối và đưa các doanh nghiệp ra nước ngoài, cũng như mời các doanh nghiệp nước ngoài đến Thái Lan. Chia sẻ kinh nghiệm về công tác thông tin tuyên truyền, vận động ở phạm vi trong nước, Cục Xúc tiến thương mại Thái Lan đã xây dựng nhận thức về sản phẩm cho người dân thông qua báo, đài phát thanh, các phương tiện truyền thông đại chúng. Hiện nay việc quảng bá còn thông qua các ứng dụng di động, công nghệ số để thông tin được truyền đến người dân một cách nhanh chóng nhất. Để đạt được hiệu quả cao, việc tuyên truyền, quảng bá cần phải có chiến lược rõ ràng và phải đúng đối tượng. Tại Thái Lan, quảng cáo theo hình thức truyền thống như báo, đài, truyền hình không có tác dụng mạnh mẽ mà cần quảng bá theo hình thức khác, ví dụ như những người có tầm ảnh hưởng lớn, các diễn viên, nghệ sĩ cũng tham gia vào các chiến dịch và chương trình quảng bá cho sản phẩm do chính các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Bên cạnh tuyên truyền rộng rãi, chất lượng sản phẩm là yếu tố rất quan trọng để người dân dùng hàng trong nước. Nếu được biết các sản phẩm nội địa có chất lượng tốt, người dân chắc chắn sẽ tự quan tâm và tìm mua thay vì chỉ thực hiện theo một chương trình kích cầu trong một thời gian nhất định.

Hai bên đã thảo luận các biện pháp đẩy mạnh giao thương giữa Hà Nội – Băng Cốc nói riêng và giữa Việt Nam – Thái Lan nói chung. Chia sẻ tại buổi làm việc bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công thương, thành viên Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội  cho biết Trong những năm gần đây, doanh nghiệp giữa hai nước luôn kết nối và mở rộng thị trường thông qua các hội chợ thương mại, triển lãm và sự kiện giao lưu tại Việt Nam và Thái Lan. Sản phẩm của Việt Nam và Thái Lan ngày càng được giới thiệu rộng rãi tại thị trường các nước. Từ năm 2012, TP Hà Nội đã triển khai chương trình “Mỗi làng một sản phẩm- OVOP” nhằm hỗ trợ các làng nghề, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng, sức cạnh tranh cao để phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, giúp cho ngành du lịch quảng bá được hình ảnh của đất nước ra nước ngoài thông qua các sản phẩm của các làng nghề truyền thống. Năm 2015, Hà Nội sẽ tổ chức Hội chợ OVOP vào tháng 10, và rất mong phía bạn sẽ tổ chức đoàn tham dự sự kiện này nói riêng, cũng như các hội chợ thương mại khác trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung. Phía bạn từ tháng 6 – 8/2015, có nhiều sự kiện nhằm thúc đẩy giao lưu, quảng bá sản phẩm của Thái Lan như Thailand Week, cuộc họp giữa các doanh nghiệp trong ngành mỹ phẩm, spa (tại TP HCM), một số hội chợ triển lãm và hoạt động kích cầu thương mại, rất mong có sự tham dự của đông đảo các doanh nghiệp Việt Nam và Hà Nội.

Qua buổi làm việc hai bên đã trao đổi những kinh nghiệm trong công tác xúc tiến thương mại, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, công tác tuyên truyền để doanh nghiệp hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã cũng như tuyên truyền giới thiệu sản phẩm của mình để 100% người tiêu dùng biết đến sản phẩm, đặc biệt phải tuyên truyền tới người dân hiểu rõ việc dùng hàng sản xuất trong nước là thể hiện lòng yêu nước, tự hào dân tộc….

Cũng tại buổi làm việc ông Nguyễn Ngọc Anh – Chủ tịch Hội Việt kiều tại Băng Cốc cho biết: Hiện có khoảng 260.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Thái Lan, trong đó có khoảng 60.000 người lao động sang tìm kiếm cơ hội việc làm những năm gần đây. Trong thời gian vừa qua, Hội đã tổ chức rất nhiều hoạt động hướng về quê hương, đất nước cũng như tổ chức các buổi giao lưu, gặp gỡ cộng đồng, tạo được uy tín đối với chính quyền địa phương và bà con Việt kiều. Các hoạt động đã góp phần tạo sự tin tưởng cho cộng đồng Việt kiều sinh sống ở Băng Cốc tiếp tục tinh thần đoàn kết, giữ gìn phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của ông cha đối với thế hệ con cháu Việt Kiều mai sau.

Đ/c Lê Thị Kim Oanh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP, Phó Trưởng BCĐ CVĐ TP Hà Nội trao tặng quà lưu niệm cho bà Vannaporn Ketudat - Giám đốc Văn phòng phát triển Thương mại châu Á, Cục xúc tiến Thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Thái Lan

Thay mặt đoàn công tác, Đ/c Lê Thị Kim Oanh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội, Phó trưởng Ban chỉ đạo cuộc vận động Thành phố cảm ơn sự đón tiếp của Cục Xúc tiến Thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Thái Lan.  Cảm ơn sự đóng góp của cộng đồng người Việt tại Thái Lan và Băng Cốc, mong rằng thời gian tiếp theo Hội Việt kiều sẽ tiếp tục đóng góp cho việc giao lưu văn hóa, nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước và thúc đẩy hoạt động thương mại giữa hai thành phố Hà Nội – Băng Cốc.

Để ghi nhận, tăng cường tình đoàn kết giao lưu thương mại giữa 2 nước trong thời gian tới, đồng chí Lê Thị Kim Oanh đã trao tặng quà lưu niệm cho phía bạn thể hiện tình cảm hữu nghị.

Thu Khanh

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020