Còn những ai chưa được một lần.
Trong đời gặp Bác hãy nhanh chân.
Tiến lên phía trước trên cao ấy.
Bác vẫn đưa tay đón lại gần.
Đó là 4 câu thơ của nhà thơ Tố Hữu tôi đã được nghe
khi đến thăm gia đình cựu chiến binh Phan Bang. Sắp bước sang tuổi 80,
song Đại tá Phan Bang, ở khu phố huyện, thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc
Oai) vẫn còn nhớ như in kỷ niệm về những ngày tháng trực tiếp tham gia
bắn máy bay địch cùng khẩu đội pháo cao xạ 37 ly tại chiến dịch Điện
Biên Phủ và kỷ niệm của ông về những ngày được sống bên Bác Hồ ở nước
bạn Trung Quốc.
Trong căn phòng nhỏ với rất nhiều loại báo, tạp chí,
các phương tiện nghe, nhìn - những “người bạn” không thể thiếu đối với
đời sống tinh thần của ông hàng ngày, Đại tá Phan Bang hồi tưởng lại
những năm tháng mà chính ông và đồng đội đã bắn trả hàng chục chiếc máy
bay của địch bắn phá quân đội ta tại chiến dịch Điện Biên Phủ.
Năm 1953, lúc đó mới tròn 21 tuổi, ông Bang được cử tham dự một lớp học
cao xạ pháo 6 tháng ở Trung Quốc. Kết thúc khoá học, ông đã cùng đơn vị
về nước tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Kỷ niệm mà ông nhớ nhất đến
tận bây giờ đó là vào ngày 13-3-1954, ngày mở màn chiến dịch, ông đã
vinh dự cùng 4 đồng chí trong khẩu đội pháo cao xạ 37 ly bắn trả máy
bay địch. Đặc thù của chiến sỹ pháo cáo xạ trong chiến đấu là không
được ẩn nấp dưới hầm hào, công sự, không được ngụy trang mà phải trực
diện chiến đấu với kẻ thù trong thời gian rất ngắn, không được di
chuyển vị trí, vả lại máy bay địch lại xuất hiện bất ngờ từ các khe núi
hay lợi dụng ánh sáng mặt trời nên đòi hỏi mỗi chiến sỹ pháo cao xạ
phải gan dạ, dũng cảm. Trong trận chiến ấy và đến ngày kết thúc chiến
dịch, nhiều đồng đội của ông đã anh dũng hy sinh nơi chiến trường khốc
liệt. Nhưng với tinh thần tất cả cho chiến thắng, ông vẫn vững vàng,
cùng đồng đội bắn trả máy bay đang dội bom xuống trận địa ta, góp phần
vào thắng lợi của Chiên dịch Điện Biên Phủ...
Chiến dịch kết thúc, ông Phan Bang tiếp tục được cử đi học và tham gia
công tác đối ngoại ở nhiều cương vị khác nhau. Năm 1961, ông là cán bộ
công tác ở Phòng Tuỳ viên quân sự, Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh
(Trung Quốc). Những năm đó, Bác Hồ thường có những chuyến công tác tại
Bắc Kinh hoặc qua Bắc Kinh rồi sang các nước khác (lúc đó Bắc Kinh là
cửa ngõ ra ngoài thế giới). Mỗi chuyến công tác của Bác Hồ sang Trung
Quốc, nước bạn lại bố trí tiếp Bác ở Điếu Ngư Đài (Đài câu cá) - nơi
nghỉ ngơi cao cấp của các vua, chúa phong kiến Trung Quốc xưa kia. Điếu
Ngư Đài là quần thể các nhà nghỉ bậc nhất của Trung Quốc lúc bấy giờ. Ở
Điếu Ngư Đài, Bác thường ở lầu số 5, đây là khu nghỉ mát do tỉnh Quảng
Đông xây dựng.
Ông kể: Là người trẻ tuổi nhất trong số cán bộ của Phòng Tuỳ viên quân
sự lại nói thông thạo tiếng Trung Quốc nên mỗi lần có khách Việt Nam
sang, tôi thường được cử vào để phục vụ khi cần thiết. Trong thời gian
5 năm ở Trung Quốc, tôi đã được gặp và phục vụ Bác rất nhiều lần. Song
ấn tượng nhất đối với tôi đó là hình ảnh của Người khi tiếp khách. Vị
khách thường hay tới thăm Bác mỗi khi Bác sang Trung Quốc đó là bà Chu
Ân Lai. Tôi được biết Bác và bà Chu là những đồng chí hoạt động cách
mạng thời kỳ ở Pháp. Những cử chỉ của bà Chu Ân Lai như đỡ áo khoác cho
Bác, gọt quả lê, quả táo mời Bác ăn rất nhẹ nhàng, ân cần khiến tôi cảm
phục vô cùng. Đặc biệt là những lúc hai người đi tản bộ và trò chuyện
trong khu rừng râm mát, tôi như một chú tiểu đồng nhỏ bé lẽo đẽo theo
sau xem có việc gì cần sai bảo. Suốt cả buổi tôi chẳng phải làm gì cả
và chỉ nhận được những ánh mắt nhìn nhân hậu và nụ cười trìu mến của
Bác...
Kỷ niệm sâu sắc đến bây giờ vẫn còn in đậm trong ông đó là những lần
được ăn cơm cùng Bác. Ông kể tiếp: Mặc dù trước những bữa ăn Bác đều
nói trước với nhà bếp là nấu ăn đừng nên quá cầu kỳ, tốn kém nhưng phải
nói rằng những lần tiếp Bác ở Điếu Ngư Đài, nước bạn Trung Quốc đều
khiến Bác ngạc nhiên. Phương châm về ẩm thực của Trung Quốc là không
chỉ khiến thực khách ăn ngon miệng mà phải đánh thức được cả thị giác,
khứu giác và vị giác, đồng thời không khí phải thoải mái, ấm cúng thì
thực khách mới ngon miệng. Điều mà tôi muốn nói ở đây đó là thái độ, là
sự ân cần chỉ bảo, dạy dỗ của Bác về tư cách, đạo đức làm người trong
bữa ăn. Trong mỗi bữa ăn có tới cả chục món ăn, nên trước khi ăn Bác
đều hỏi người ngồi bên cạnh:
- Cháu thích ăn món nào?
- Thưa Bác! Cháu thích món này.
- Bác bảo: Thế thì Bác cháu ta ăn hết đĩa thức ăn này.
Ăn xong món đó Bác lại hỏi người thứ hai:
- Cháu thích ăn món nào?
- Dạ! Cháu thích ăn món này...
Và cứ thế bác hỏi đến người thứ năm thì tất cả đã no và các món ăn còn lại trên bàn vẫn nguyên vẹn.
Bác bảo: Thôi nhé. Ta ăn thế là đầy đủ rồi, các món còn lại bảo nhà bếp
cất đi chiều Bác cháu ta lại ăn tiếp mà vẫn không phải ăn lại thức ăn
thừa.
Trong bữa ăn Bác còn dặn chúng tôi: Khi ăn chú ý tránh dây mỡ ra khăn
ăn và ăn xong nhớ sắp xếp gọn để anh, chị nuôi đỡ tốn công dọn dẹp...
Sau nhiều năm công tác và giữ nhiều cương vị khác nhau, nhưng đến nay
những bài học về tiết kiệm và giữ gìn vệ sinh sạch sẽ trong bữa ăn của
Bác Hồ, ông Phan Bang vẫn còn nhớ lắm, và ông thường kể những kỷ niệm
đó cho các con, cháu nghe. Nay, tuổi đã cao, song ông Phan Bang vẫn
tích cực tham gia hoạt động xã hội và là một trong những đảng viên tiêu
biểu, mẫu mực trong việc vận động con cháu thực hiện tốt các chủ
trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Thu Hằng
(Ghi theo lời kể
của Đại tá Phan Bang)