Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lựa chọn cán bộ

12/05/2010 - 12:00 AM

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã diễn đạt vấn đề này một cách dung dị và dễ hiểu hơn: "Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi" nhưng "Sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài thì chính sách đúng mấy cũng vô ích"

Nguyễn Tường Vân (Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Việc lựa chọn cán bộ có tầm quan trọng đặc biệt.
Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, việc tuyển dụng hiền tài, lựa chọn cán bộ, luôn có vị trí đặc biệt quan trọng, đối với mỗi công việc, mỗi ngành nghề, mỗi quốc gia!
Đặng Huy Trứ (1825-1874), một viên quan nổi tiếng thanh liêm triều nhà Nguyễn nói: Đạo trị nước không lo không có phép trị, chỉ lo không chọn được người hiền.
Năm 1906, Lương Khải Siêu bút đàm với Phan Bội Châu cũng cho rằng: Chớ lo không có cơ hội độc lập, mà chỉ lo không có nhân tài và không chụp được cơ hội.
Lênin cho rằng: "Lựa chọn nhân tài là một vấn đề cơ bản của việc xây dựng chủ nghĩa xã hội"(3).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã diễn đạt vấn đề này một cách dung dị và dễ hiểu hơn: "Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi" nhưng "Sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài thì chính sách đúng mấy cũng vô ích"(4).
Người nói rõ, lựa chọn cán bộ là để dùng nhân tài cho hợp  lý và giúp cán bộ hiểu rõ công việc mình phải phụ trách, để không "dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn", để người nói giỏi hay viết giỏi lại cho làm việc cần khéo chân tay, thì không thể năng suất, nhất định không thể thành công. Không ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay, nếu khéo sắp đặt, phân công công việc, sáng suốt lựa chọn, tuỳ tài mà dùng người, sẽ phát huy được ưu điểm của họ, sửa chữa khuyết điểm cho họ, thì công việc nhất định thành công. Mục đích cuối cùng của lựa chọn cán bộ là để thực hành đúng và đầy đủ chính sách của Đảng và Chính phủ.

Quan điểm chủ đạo của Hồ Chí Minh trong việc lựa chọn cán bộ là Chí công vô tư.
Chí công vô tư trong việc lựa chọn cán bộ có nghĩa là luôn xuất phát từ yêu cầu của cách mạng, vì  mục tiêu của đất nước, vì quyền lợi của dân tộc, ở những giai đoạn lịch sử nhất định, để tìm và lựa chọn cán bộ một cách khách quan nhất, phục vụ cho lợi ích chung chứ không vì lợi ích  riêng - Tuỳ tài mà dùng, tài to dùng làm việc to, tài nhỏ cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, đặt vào việc ấy.
Từ xa xưa, sách Luận ngữ đã viết: Tâm tốt thì thế nào cũng tìm ra được người tài để dùng, còn tài mà không tâm, thì hay dùng bọn cơ hội. Có tài không có tâm rất dễ rơi vào thiên vị trong việc dùng người, thiếu công minh chính trực. Tâm tốt ở đây có nghĩa là đức chí công vô tư.
Hồ Chí Minh cho rằng "Là người làm việc công, phải công tâm, công đức. Chớ đem của công dùng vào việc tư. Chớ đem người tư làm việc công. Việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ hoặc tư thù, tư oán… Có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con, bầu bạn, mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những người có tài năng hơn mình"(5).
Nếu vì lòng ghen ghét, vì nể nang mà cất nhắc, lựa chọn cán bộ nhất định không ai phục, mà còn gây mất đoàn kết trong nội bộ. Hoặc giữ thói "Một người làm quan cả họ được nhờ", đưa bà con, bạn hữu, đặt vào chức này, việc kia, làm được hay không mặc kệ. Như thế là có lỗi với Đảng, với nhân dân. Người còn nói "Dùng người như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong, đều tuỳ chỗ mà dùng được"(6). Khi thật sự chí công vô tư, công minh chính trực, sẽ không chọn phải những người bô lô ba la chỉ nói mà không biết làm, những người văn hay nói khéo nhưng không làm được việc, những kẻ khéo nịnh hót nhưng làm việc vừa dốt, vừa lười. Khi thật sự chí công vô tư sẽ phát hiện ra những người không đủ năng lực, thì phải "Cất chức đi" tìm người khá hơn thay thế. Khi thật sự chí công vô tư sẽ không phạm phải tình trạng cán bộ thì thừa, người làm được việc lại thiếu.
Lúc cách mạng Tháng Tám mới thành công, vì có tinh thần Chí công vô tư, nên có những đồng chí trong UB Trung ương do Quốc hội đại hội bầu ra, xứng đáng trở thành thành viên của Chính phủ, song để nhường chỗ cho những nhân sỹ yêu nước nhưng còn ở ngoài Việt Minh, các đồng chí ấy đã tự động xin lui. Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, vì họ đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân.
Vì có tinh thần chí công vô tư mà những ngày đầu xây dựng chính quyền Hồ Chí Minh đã quy tụ được nhiều nhân tài trong cả nước để gánh vác việc quốc gia và những bậc tài đức danh vọng ấy đã vui lòng hợp tác với Chính phủ, giúp ích vào công cuộc kháng chiến và kiến quốc, như các vị Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Vũ Đình Hoè, Vũ Trọng Khánh, Phan Anh, Hoàng Minh Giám,…
Ông Nguyễn Sơn Hà còn nhớ: Khi được mời làm cố vấn cho Bộ Kinh tế, đã rất do dự vì nghĩ mình không phải là "người trong Đảng", Bác Hồ hiểu nỗi băn khoăn ấy, đã gặp và động viên: Cách mạng không phân biệt người trong tổ chức và người ngoài tổ chức. Bất kỳ ai làm điều ích quốc, lợi dân đều là vẻ vang.


TIÊU CHUẨN CƠ BẢN ĐỂ LỰA CHỌN CÁN BỘ.
Dù yêu cầu của lịch sử, nhiệm vụ của cách mạng, quyền lợi của nhân dân, ở mỗi thời điểm có thay đổi, những tiêu chuẩn cơ bản nhất để lựa chọn cán bộ theo Hồ Chí Minh chỉ gọn trong hai chữ  Đức và Tài. Cán bộ có đức thì mới chí công vô tư trong cách làm việc. Cán bộ cần có tài, đủ năng lực để lãnh đạo nhân dân.
Lênin cho rằng: Cán bộ quyết định tất cả.
Hồ Chí Minh khẳng định: "Có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong. Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý"(7).
Xưa nay những bậc hiền tài, những lãnh tụ lỗi lạc đều rất trân trọng và chí công vô tư trong chọn cán bộ. Trần Hưng Đạo đã đúc lại 8 điều khi chọn tướng:
1- Hỏi bằng lời nói xem trả lời có rõ ràng không?
2- Gạn cùng bằng lời lẽ xem có biến hoá không?
3- Cho gián điệp để thử xem có trung thành không?
4- Hỏi rõ ràng tường tận xem đức hạnh thế nào?
5- Lấy của mà thử xem có thanh liêm không?
6- Lấy sắc đẹp mà thử để xem có đứng đắn không?
7- Lấy việc khó khăn mà thử xem có dũng cảm không?
8- Cho uống rượu say để xem có giữ được thái độ không?
Theo Hồ Chí Minh, "Ai mà hay khoe công việc, hay a dua, tìm việc nhỏ mà làm, trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh, hay công kích người khác, hay tâng bốc mình, những người như thế, tuy họ làm được việc, cũng không phải là cán bộ tốt.
Ai cứ cắm đầu làm việc, không ham khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, không che dấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó, bao giờ cũng kiên quyết theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh thế nào, lòng cũng không thay đổi, những người như thế, dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt"(8).
Người nói rõ rằng: "Làm việc nước hay làm việc gì khác, người ta thường muốn có một chút danh hay một chút lợi về phần mình… Muốn cho danh chính, lợi chính thì Danh, làm sao cho dân tộc mình có danh với thế giới, và Lợi, làm thế nào cho tranh được lợi với thế giới"(9).
Từ câu nói đó của Người, chúng ta có thể nhận thức rõ Hồ Chí Minh coi trọng cả đức lẫn tài, nhưng đức vẫn đặt lên hàng đầu.
Rõ ràng là năng lực và công việc của mỗi người khác nhau, người làm việc to, người làm việc nhỏ, nhưng ai giữ được đạo đức, đó là cán bộ tốt. Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng, vì mọi việc thành hay bại, điều chủ chốt là ở cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không, vì tính xấu của một người thường chỉ hại cho người ấy, còn tính xấu của cán bộ, đảng viên sẽ hại đến Đảng, hại đến nhân dân. Phải hiểu rõ bổn phận của người cán bộ cách mạng là suốt đời hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phải cố gắng thực hiện cho kỳ được: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đấy là người cán bộ tốt.
Khi lựa chọn được người gần gũi với quần chúng, được quần chúng tin cậy, mến phục, lại phải xem người cán bộ ấy xứng với việc gì. Nếu người tài mà dùng không đúng tài cũng không được việc, có khi còn hỏng cả cán bộ. Ví như, người nói khéo, viết xoàng lại dùng vào việc viết lách, người viết giỏi nhưng nói kém lại dùng vào việc cần phải nói, rốt cuộc cả hai người đều không có thành tích. Cho nên, tuỳ tài mà dùng người, dùng đúng tài, cũng là một nghệ thuật.

Những biện pháp Hồ Chí Minh dùng để lựa chọn cán bộ.
Lựa chọn cán bộ, tìm kiếm hiền tài là việc rất cần làm thường xuyên, rất cần thận trọng, phải cân nhắc kỹ lưỡng, nhưng không vì thế mà quá khắt khe, cho nên cần có thời gian để tìm hiểu đức hạnh, tài năng và quá trình làm việc của cán bộ. Vì vậy, có khi cần sự tự cử của nhân tài; có khi cần sự giúp đỡ của một tập thể, một cộng đồng phát hiện và tiến cử cán bộ; có khi cần lựa chọn để đào tạo cán bộ.
Thời xưa, khi vừa đuổi xong quân Thanh xâm lược, Vưa Quang Trung ban Chiếu cầu hiền, viết rằng: "Quan liêu lớn nhỏ và dân chúng trăm họ, ai có tài năng học thuật, mưu hay giúp ích cho đời đều cho phép dâng thư tỏ bày công việc, lời có thể dùng được thì đặc cách bổ dụng, lời không dùng được thì để đấy, chớ không ai bắt tội vu khoát. Những người có tài nghệ gì có thể dùng được cho đời, thì cho các quan văn võ được tiến cử, lại cho yết kiến tuỳ tài mà bổ dụng.
Hoặc có người từ trước tới nay dấu tài ẩn tiếng không ai biết, đều cũng cho phép dâng thư tự cử, chớ ngại cho thế là "đem ngọc bán rao!"(10).
Thời nay, hơn hai tháng sau ngày Tuyên bố Độc lập, để có thêm nhiều nhân tài và sáng kiến giúp kiến thiết nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi "Đồng bào ta ai có tài năng và sang kiến…lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay"(11).
Nhưng "e vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp" vì "thói quan liêu còn nồng", để "nỗi những bực tài đức không thể xuất thân", muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, Hồ Chí Minh yêu cầu các địa phương phải điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết; Lại phải chú ý cất nhắc cán bộ nữ, nhất là những ngành hoạt động thích hợp với phụ nữ; Lại "phải mạnh dạn giao việc cho những cán bộ trẻ đã được rèn luyện thử thách", Lại cần tích cực lựa chọn số đông thanh niên, để huấn luyện họ, đào tạo họ, rồi sử dụng sao cho hợp với khả năng và chuyên môn, để thực sự có ích cho nước nhà, tránh tình trạng đào tạo xong không biết dùng vào việc gì, hoặc đưa thợ thêu đi đóng tủ, đưa thợ mộc đi rèn dao.
Trong sự nghiệp đổi mới và trong hoàn cảnh lịch sử của đất nước cũng như thế giới ngày nay, mà có người đã dự báo cách đây 30 năm là "thiên hạ đại loạn", việc lựa chọn cán bộ "có đức, có tài" (tôi không dùng chữ "đủ đức đủ tài" và người cán bộ chân chính cũng không ai tự nhận mình đủ đức đủ tài) càng có ý nghĩa quan trọng và quyết định, đó cũng là nguyện vọng tha thiết của nhân dân. Nghiên cứu, quán triệt và thực hành trong thực tế, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, học tập tấm gương đạo đức của Người để làm tốt hơn công tác lựa chọn cán bộ đáp ứng yêu cầu của cách mạng Việt Nam trong phát triển và hội nhập.

*Chú thích:
3. Lênin-Stalin: Vấn đề cán bộ trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Nxb.Sự thật, Hà Nội,1974, tr.207.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, T.5, tr.520
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, T.5, tr.105
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, T.5, tr.72
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, T.5, tr.240
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, T.5, tr.278
9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, T.5, tr.43
10. Đỗ Bang - Những khám phá mới về Hoàng đế Quang Trung. Sở Văn hóa Thông tin Bình Trị thiên xuất bản, 1988, tr. 195-196.
11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, T.4, tr.99.

 

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020