Ngày 2/8, Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tham dự có các đồng chí: Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; đại diện một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương cùng đại biểu của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Trần Thanh Mẫn khẳng định, sau 10 năm triển khai thực hiện, với nỗ lực của hệ thống chính trị các cấp, Cuộc vận động đã mang lại những kết quả thiết thực, tích cực, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo báo cáo của Bộ Công thương, hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt ở tỷ lệ từ 90% trở lên. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Nền kinh tế chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu (năm 2010, Việt Nam nhập siêu là 12,5 tỷ USD; năm 2018, Việt Nam xuất siêu gần 7,2 tỷ USD). Một số ngành hàng sản xuất Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm (tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành Dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành Da giầy chiếm khoảng 40-50%...). Cuộc vận động đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, là Cuộc vận động mang ý nghĩa to lớn về nhiều mặt. Tuy nhiên, quá trình triển khai Cuộc vận động cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: sức ép từ việc phải tuân thủ các cam kết tại các hiệp định thương mại, thỏa ước hội nhập song phương và đa phương; 97% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô vốn bình quân nhỏ; năng suất lao động thấp. Trong nước, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, tình trạng cạnh tranh không đúng luật, lách luật, trốn thuế… vẫn còn xảy ra.
Đ/c Trần Quốc Vượng – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại Hội nghị
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ghi nhận, đánh giá cao Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp đã tích cực, chủ động quán triệt, vận động các tầng lớp Nhân dân triển khai thực hiện hiệu quả Cuộc vận động, góp phần phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam; sản xuất ra nhiều hàng Việt có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, đồng chí cho rằng trong thời gian tới Cuộc vận động cần được tiếp tục triển khai mạnh mẽ, sáng tạo, thiết thực hơn nữa. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động, để người tiêu dùng trong nước tin và yêu thích dùng hàng Việt, đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh các doanh nghiệp, người sản xuất cần không ngừng đổi mới, triệt để ứng dụng khoa học-công nghệ; khơi dậy bản lĩnh, ý chí, sức sáng tạo của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh; chú trọng xây dựng thương hiệu hàng Việt, phấn đấu hàng hóa Việt Nam phải đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường, an toàn, chất lượng cao, giá thành hạ, tính cạnh tranh lớn, chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường trong nước, thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu, thời gian tới, các Bộ, ngành Trung ương cùng chính quyền địa phương tiếp tục triển khai Cuộc vận động một cách mạnh mẽ hơn nữa; hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát huy nội lực, tiềm lực để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, coi trọng thị trường nội địa. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động trong toàn dân, phát huy vai trò của Mặt trận, các đoàn thể, xã hội trong tuyên truyền, vận động người dân ưu tiên mua sắm, xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt.
Bên cạnh việc kiểm soát hàng nhập lậu trái phép, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Khuyến khích doanh nghiệp phát triển các loại hình bán lẻ, tạo chuỗi giá trị hàng hóa có thương hiệu. Về phía doanh nghiệp, cần đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Lan Hương – UVTV Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội (Đứng thứ 6 hàng 2 từ trái sang) nhận bằng khen tại hội nghị
Cũng tại hội nghị, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tặng bằng khen 82 tập thể và 147 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Cuộc vận động.
Nguyên Nam