Tăng cường vai trò quản lý, nâng chất lượng sản phẩm đến với người tiêu dùng

12/10/2022 - 01:57 PM
Ngày 12-10, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội do đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động - làm trưởng đoàn, làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả triển khai thực hiện cuộc vận động năm 2022.
Báo cáo đoàn kiểm tra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nhằm triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, quy mô lớn, tập trung, mang tính hàng hóa. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh hoạt động sản xuất nông nghiệp, phát triển các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ người tiêu dùng Thủ đô.
Cụ thể, đẩy mạnh các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, bảo đảm an toàn thực phẩm với trên 5.000 ha sản xuất rau an toàn, 43 mô hình rau áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ tại 17 quận, huyện, thị xã với tổng diện tích khoảng 1.700 ha; duy trì trên 470 ha VietGAP trồng trọt, gần 40ha trồng trọt theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức chất lượng, an toàn thực phẩm, các điều kiện quy định trong chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản, áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến GMP, HACCP, IPM…; tập huấn về tình hình thị trường tiêu thụ, xây dựng nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ, mẫu mã, các quy định kiểm soát thực phẩm xuất nhập khẩu; tuyên truyền về các Hiệp định FTA, EVFTA, CTPP, các rào cản thị trường nước ngoài… Đáng chú ý, các đơn vị thuộc Sở triển khai công tác kiểm dịch đến tận từng trang trại chăn nuôi, giết mổ; kiểm soát được lượng thuốc người nông dân sử dụng đến từng thửa ruộng. Nhờ đó, tỷ lệ không bảo đảm an toàn thực phẩm của Hà Nội chỉ chiếm trên 1% so với các tỉnh, thành phố khác.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục duy trì, phát triển 159 chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản an toàn, trong đó có 53 chuỗi sản phẩm động vật và 106 chuỗi sản phẩm thực vật. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi. Đặc biệt, nhiều chuỗi được tổ chức khép kín, chủ động hoàn toàn từ khâu sản xuất giống, sản xuất vật tư, tổ chức trồng trọt chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm tạo ra các thương hiệu mạnh trên thị trường như chuỗi gạo Bảo Minh, nấm Kinoko Thanh Cao, thịt lợn Hoàng Long, rau Cuối Quý…

Ngoài nguồn sản phẩm nông lâm thủy sản tại thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực triển khai kết nối sản phẩm nông lâm thủy sản từ 43 tỉnh, thành phố trên cả nước; thường xuyên tổ chức các hội chợ, hội nghị kết nối, trưng bày giới thiệu sản phẩm nhằm đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, kết nối sản phẩm nông lâm thủy sản đến các hệ thống phân phối, doanh nghiệp chế biến, người tiêu dùng trên địa bàn thành phố…
Đáng chú ý, nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm sản phẩm nông lâm thủy sản lưu thông trên thị trường, Sở đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, yêu cầu khắc phục các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các cơ sở phát triển, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Các giải pháp triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần phát triển nhiều mô hình, điển hình tốt trong sản xuất nông nghiệp, thiết lập hệ thống phân phối sản phẩm, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới và những khó khăn của nền kinh tế trong nước do dịch Covid-19.
Tuy nhiên, do nguồn sản xuất của Hà Nội chỉ đạt 50%, còn lại phải nhập từ các các tỉnh, thành phố khác và nước ngoài nên việc triển khai cuộc vận động còn gặp không ít khó khăn. Một bộ phận người sản xuất kinh doanh chạy theo lợi nhuận có nhưng hành vi mất an toàn thực phẩm, chưa nâng cao được niềm tin cho người tiêu dùng… Cùng với đó, hạ tầng thương mại chưa phát triển đồng bộ, nhất là tại các huyện ngoại thành, cơ sở hạ tầng của nhiều chợ đã xuống cấp gây nhiều khó khăn cho công tác phục vụ tiêu dùng thực phẩm của người dân. Thiếu các doanh nghiệp lớn có năng lực, kinh nghiệm đầu tư vào nông nghiệp; chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp chưa thực sự thu hút được các doanh nghiệp đầu tư, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển chuỗi còn thiếu tính bền vững. Nhiều sản phẩm nông sản của Hà Nội và các tỉnh, còn bán ở dạng thô hoặc mới qua sơ chế chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu; ít sản phẩm có tem nhãn, mã vạch nên chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý và thị hiếu của người tiêu dùng…
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo điều hành phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển chế biến, gắn với thị trường tiêu thụ Thủ đô, trong nước và xuất khẩu; phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, sản phẩm OCOP; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện tốt các quy hoạch phát triển nông nghiệp, quy hoạch giết mổ; quản lý, phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn thành phố…
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn đánh giá cao kết quả triển khai cuộc vận động của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đặc biệt, tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền phong phú, đa dạng cho người sản xuất trong các lĩnh vưc nông lâm thủy sản, tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm nông lâm thủy sản bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Cùng với đó là hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm đến người tiêu dùng…
Đề nghị Sở quan tâm thực hiện tốt một số hoạt động dưới góc nhìn của Ban Chỉ đạo: Qua dịch Covid-19 càng thấy rõ ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, là trụ đỡ bảo đảm ổn định an sinh xã hội. Vì vậy, đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền về cuộc vận động, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về các sản phẩm sản xuất trên địa bàn, nhưng trước tiên cần tuyên truyền để người sản xuất ra các sản phẩm an toàn, đáp ứng các yêu cầu thị hiếu của người tiêu dùng; tuyên truyền để người tiêu dùng biết đến các sản phẩm an toàn, chất lượng bảo đảm, có truy xuất nguồn gốc.
Thành phố đang tổ chức chương trình bình chọn hàng Việt Nam, 12 năm qua các sản phẩm của thành phố, nhất là các sản phẩm của ngành nông nghiệp còn ít, vì vậy đề nghị Sở đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá cho các sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội.
Tiếp tục đổi mới khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp; chú trọng nghiên cứu chất lượng, mẫu mã, bao bì, nhãn mác để nâng cao giá trị sản phẩm.
Đề nghị quan tâm xây dựng bảo vệ các thương hiệu sản phẩm nông sản, khai thác tối đa tiềm năng và giá trị văn hóa, lịch sử để kết tinh vào sản phẩm. Đơn cử như các sản phẩm OCOP đều là các sản phẩm tinh túy gắn với văn hóa, lịch sử của mỗi vùng, miền. Hiện, với trên 1.600 sản phẩm OCOP được công nhận, cần phát triển thêm nhiều sản phẩm OCOP hơn nữa. Gắn với đó là khai thác, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Ngành tiếp tục quan tâm tới công tác quản lý nhà nước trong quá trình sản xuất, chế biến, đưa hàng hóa đến người tiêu dùng, đặc biệt là các sản phẩm rau củ quả. Phối hợp với các Sở, ngành làm tốt công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh việc triển khai thực hiện cuộc vận động trong thời gian tới.
Ngọc Mai
Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020